Đưa dân ca vào trường học:
Cần nỗ lực nhiều hơn
21:2', 24/2/ 2012 (GMT+7)

Từ năm học 2008-2009, Bộ GD-ĐT đã chủ trương đưa dân ca vào trường học nhằm giúp học sinh tiếp cận với các làn điệu dân ca, góp phần định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai, các trường đang gặp không ít khó khăn.

Khó

Thực tế đã không như mong muốn khi những năm qua, trừ một vài cuộc thi hát dân ca, các chương trình văn nghệ trong trường học rất hiếm thấy xuất hiện tiết mục dân ca, dù có thể được ưu tiên thêm điểm. Dư luận thì “qui tội” cho học sinh thờ ơ với dân ca, “sính” nhạc hiện đại, yêu cầu nhà trường phải “khoanh vùng” thể loại, định hướng tiết mục biểu diễn. Học sinh thì “vô tư” cho rằng: “Tụi em không biết nhiều về dân ca”, “Các bài dân ca khó hát, khó dựng múa” hoặc “Nhạc dân ca không sôi động, vui tươi”...    

 

Một tiết mục văn nghệ của trường mầm non Hoa sữa. Ảnh: TRANG XUÂN CHI

Vẫn còn nhiều học sinh trong tỉnh không biết và không quan tâm đến các bài hát dân ca, nhất là dân ca Bình Định. Kết quả một cuộc khảo sát nhỏ tại một số trường tiểu học và THCS cho thấy: Học sinh tiểu học biết nhiều bài dân ca Việt Nam hơn học sinh THCS nhưng cũng không hơn 10 bài; có không ít trường hợp lẫn lộn giữa dân ca nước ngoài với dân ca Việt Nam; còn với dân ca Bình Định, phần lớn học sinh lắc đầu: “Không biết!”.

Các giáo viên dạy nhạc cho rằng, thời lượng nội khóa dành cho môn âm  nhạc rất ít (1 tiết/tuần), trong khi nội dung giáo dục và giảng dạy âm nhạc rất nhiều nên mọi việc mới chỉ dừng lại ở việc dạy hát chứ không có thời gian giảng về ý nghĩa, nét đặc sắc của bài… để tô đậm ấn tượng trong học sinh. Cụ thể, tổng số bài hát được dạy ở cấp tiểu học là 55 bài, trong đó dân ca 12 bài; với khối THCS, tổng số bài hát là 28 bài, trong đó dân ca 7 bài. Giáo viên dạy nhạc một trường tiểu học ở TP Quy Nhơn cho biết: “Tôi đã nghĩ đến chuyện xen việc dạy hát, múa dân ca vào các chương trình ngoại khóa, nhưng kế hoạch của Đội và một số hoạt động khác rất dày. Những lần trường tổ chức văn nghệ, tôi vận động các lớp đăng ký tiết mục dân ca, nhưng rất ít lớp hưởng ứng”.

Nhắc đến dân ca Bình Định, đa số giáo viên cho biết, sách giáo khoa không có bài dân ca nào của Bình Định. Dù thừa biết học sinh rất cần được “đưa đến gần” các làn điệu dân ca địa phương nhưng “Dân ca Bình Định chưa phổ biến trong trường học; tài liệu, băng đĩa liên quan cũng rất khó tìm để mua”- các giáo viên này nói.

Làm sao “gỡ”?

Cô Nguyễn Thị Xuân Na, giáo viên âm nhạc Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, cho rằng, theo phân phối chương trình, dạy một bài hát mới thường có 4 tiết, 2 tiết dạy chính và 2 tiết dạy phụ. Nếu linh hoạt, có thể lồng ghép thêm các bài dân ca vào các tiết phụ (thường là tiết ôn tập) bằng cách cho các em nghe nhạc, hát theo. Nếu có thêm thời gian thì giải thích ý nghĩa để khắc sâu. Ý kiến này rất đáng để các trường lưu tâm.

Việc phát huy ảnh hưởng của dân ca trong trường học còn phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm và tạo điều kiện của ban giám hiệu, cũng như người phụ trách Đoàn, Đội và cả sự hiểu biết, tâm huyết của giáo viên âm nhạc.

Lâu nay, sự phối hợp giữa ngành Giáo dục và ngành Văn hóa trong việc đưa dân ca vào trường học chưa thật rõ nét. Một vài lần ngành Văn hóa tổ chức: “Liên hoan hát ru và hát dân ca” nhưng thành phần tham dự chủ yếu là các nghệ nhân nên mục đích đạt được chỉ dừng lại ở việc “bảo tồn”. Nếu lo ngại dân ca dần mai một thì trường học là nơi tốt nhất để “kế thừa và phát huy”. Người viết bài này từng tham dự các hội thi hát dân ca trong trường học và rất tiếc cho một số tiết mục tuy dàn dựng công phu nhưng lại nhầm các bài hát mang âm hưởng dân ca là dân ca. Nên chăng, cần có “cái bắt tay chặt hơn” giữa hai ngành này, có thể nghĩ đến một cuộc thi hát dân ca do hai bên đồng tổ chức, hiệu quả và sự lan tỏa chắc chắn sẽ tốt hơn. 

Sau 4 năm triển khai dự án Hỗ trợ đưa dân ca vào trường THCS tại 5 tỉnh, thành phố trong nước (không có Bình Định), đầu tháng này, Bộ GD-ĐT quyết định sẽ triển khai đại trà ở cấp THCS trong cả nước. Tiếp xúc với dự án, các giáo viên sẽ được hướng dẫn cách dạy dân ca hiệu quả và hấp dẫn học sinh hơn.

Trong điều kiện các trường phổ thông đang chịu nhiều sức ép về nhiều vấn đề, thời gian học tập tại trường có hạn, chương trình giảng dạy được Bộ GD-ĐT quy định rất sít sao. Để làm một việc cần thiết như đưa dân ca vào trường học nhằm định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc, góp phần hình thành nhân cách sống cho học sinh, rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

  • NGỌC TÚ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Công đoàn cơ sở Chi cục Kiểm lâm tỉnh đạt giải Nhất toàn đoàn  (24/02/2012)
Thông tin mới về 3 khẩu súng thần công ở Bảo tàng Bình Định  (23/02/2012)
“Một” và “nhiều”  (23/02/2012)
Hiệu quả tích cực từ mô hình thư viện nông dân  (20/02/2012)
“Chúng tôi vui mừng trước sức sống của di sản bài chòi Bình Định”  (20/02/2012)
Ca sĩ mặc trang phục phản cảm sẽ bị cấm biểu diễn  (20/02/2012)
Sao chẳng nói cùng em  (19/02/2012)
Sáng tạo nghệ thuật là một hành trình  (18/02/2012)
Hồi sinh một di tích  (18/02/2012)
Đập Văn Phong xứng tầm một di tích  (16/02/2012)
Một địa chỉ văn hóa năng động và đa dạng  (16/02/2012)
Nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ   (15/02/2012)
Thêm một đơn vị du lịch lữ hành hoạt động  (15/02/2012)
Nhà thơ Hải Như, đôi tình nhân và chuyện tình yêu  (14/02/2012)
Gia thế Đào Duy Từ qua hai cuốn gia phả   (13/02/2012)