14 tuổi bà đã thành đào nhứt, bôn ba khắp nơi cùng những gánh bài chòi. Dù hội chín chòi sôi nổi hay hội bài chòi trải chiếu ấm cúng, bà đều góp mặt. Gần 80 tuổi, bà “giải nghệ”trong nỗi nhớ nghề đau đáu. Bà là nghệ nhân dân gian Lê Thị Đào.
1. “Giờ tui già cả lẩm cẩm rồi, chuyện nhớ chuyện quên, nhưng “cái nố” bài chòi - con bài, câu thai, cách chạy hiệu, trích đoạn tuồng tập bài chòi cổ… thì như một thứ ám muội, cứ thao thức trong đầu”, nghệ nhân Lê Thị Đào mở đầu cuộc chuyện trò. Bà kể, quê bà ở thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa (Tuy Phước). Chừng mươi tuổi bà học hát theo kiểu “học lỏm”, khi thầy Bảy Xiêm mở lớp dạy bài chòi cho con em mấy nhà khá giả trong vùng. Thầy dạy bằng chữ Hớn, chữ Nôm, bà không biết chữ, chỉ nghe mà học thuộc lòng. 14 tuổi bà đã trốn nhà theo các gánh bài chòi, chuyên sắm đào. Trước khi chạy hiệu, cứ hễ đoàn dựng chòi xong là bà lên sân khấu, sắm đào, dùng giọng hát mùi mẫn của mình kéo quan khách tới chơi hội. Anh trai bà cấm cản quyết liệt với lý lẽ “con gái mà theo nghiệp hát xướng rồi hư”. Sáng sắm đào, thể nào trưa chiều cũng bị anh rượt đánh, nhưng cũng không thể ngăn bà đến với hội chín chòi.
|
Lần giở từng kỷ vật biểu diễn, da diết nhớ những ngày tháng cũ. |
Cũng từ các gánh bài chòi, bà gặp người bạn đời của mình, từ đó hình thành cặp nghệ nhân bài chòi cổ nổi tiếng: Lê Thị Đào – Minh Trạng. “Ổng làm chủ gánh hát, đào hoa lắm, mê tui sắm đào hay mà cưới. Nhưng thành vợ rồi ổng biểu ở nhà nuôi con, để ổng tự do rong ruổi. Đêm nằm ôm con khóc thầm, nghe trống, kèn bên tai bụng dạ bồn chồn. Tui ra điều kiện: tui theo gánh hát chỉ để được hát, không màng danh phận “vợ ông trưởng đoàn hát”; nếu không được hát cho đoàn nhà, tui cũng hát cho đoàn bạn, nhất quyết không bỏ nghiệp. Ổng nể vợ có nghĩa với nghề, rồi vợ chồng sắm đào chạy hiệu rất ăn ý”.
2. Những năm 90 (thế kỷ XX), bà gia nhập CLB bài chòi cổ dân gian Bình Định do cố nghệ sĩ ưu tú Phan Ngạn làm chủ nhiệm. Cụ Đào còn nhớ như in, ngày nghệ sĩ Phan Ngạn tìm tới nhà bà, biếu 2 hộp sữa bò, 1 xấp lá trầu, buồng cau, mời bà tham gia vào hội bài chòi cổ dân gian. Từ lâu đã nghe danh tiếng nghệ sĩ Phan Ngạn, tuổi tác trạc nhau, cụ Đào gọi ông là thầy và hứa “trao truyền chút hiểu biết về hô hát, đánh bài chòi cho lớp trẻ”. Là thế hệ học trò đầu tiên được truyền dạy bài chòi cổ theo phương thức dân gian còn sống, nắm giữ và tích tụ những tinh hoa của bài chòi cổ, nghệ nhân Lê Thị Đào là nguồn tư liệu quý để khai thác, phục vụ bảo tồn. Nhiều năm qua, Sở VH-TT&DL thực hiện bảo tồn và phát huy bài chòi cổ dân gian bằng những hoạt động, dự án thiết thực, cùng với những nghệ nhân bài chòi lớp sau, cụ Đào luôn nhiệt tình truyền lại vốn liếng bài chòi cổ mà mình đã được học.
3. Năm 2007, nghệ nhân Lê Thị Đào được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng Danh hiệu Nghệ nhân dân gian và trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian. Vài bận đến thăm bà, lần nào cũng gặp bà nằm võng đung đưa, trên tay song loan nhịp không ngơi những câu hát chỉ khẽ khàng. “Lúc nào cũng thèm hô hát nhưng hơi hám chẳng còn bao, cứ lên giọng là ho sặc sụa, nghĩ thiệt tức cô ơi!”. Lòng đắm đuối với điệu xàng xê, da diết nhớ hào quang sân khấu khiến bà như chẳng thuận quy luật của tuổi tác, sinh lão. Những khi trở trời, mệt trong người không hát được, bà sai cháu nội mở đĩa ghi hình các trích đoạn mà bà và những nghệ nhân: Hồ Ngọc Tùng, Nguyễn Thị Minh Liễu, Nguyễn Thị Đức… biểu diễn xem cho đỡ nhớ. Cô con dâu của bà là Nguyễn Thị Diễn cho biết: “Hai cái tết rồi tỉnh tổ chức đánh bài chòi rộn ràng khắp nơi, má vui lắm, nằng nặc đòi con cháu chở đi coi, về nhà tâm trạng phấn chấn hẳn lên. Vui đấy rồi lại tự ái, nói “nẫu chê tao già hổng kêu tao đi hô bài chòi, tao hô còn ngon chớ bộ bở na bay!”, cả nhà ai cũng cười, thương má còn nặng lòng vương mang bổn nghiệp cũ”.
Trước lúc chia tay, người nghệ nhân già khoe với tôi “tài sản” cất kỹ bao năm: hộp đựng bánh quy được bà trưng dụng đựng nào son phấn, dầu tẩy trang, khăn đóng, trâm cài tóc… Những kỷ vật ấy với bà là chứng nhân một thời tỏa sáng trên sàn bài chòi cổ. Nghe bà lão ở tuổi 87, run run hát những câu bài chòi cổ, chạnh lòng nhớ đến “mùa lá rụng” của sân khấu truyền thống tỉnh nhà khi những danh ca, nghệ sĩ cao niên vừa vĩnh viễn ra đi. Dẫu biết sinh tử ở đời không sao tránh khỏi, vẫn không sao nguôi ngoai tiếc nuối nếu những tinh hoa này ra đi.
|