Thực tế chứng minh: nơi nào có sự ủng hộ về chủ trương của chính quyền, của cơ quan chuyên môn, ý thức vì cộng đồng của người dân nơi đó sẽ được phát huy cao độ. Điều này đặc biệt đúng trong vấn đề phục hồi, tôn tạo và quản lý di sản văn hóa. Di tích lịch sử - văn hóa Chùa Ông Nhiêu (phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) là một điển hình.
|
Chị Dương Tịnh Nga (trái) và Cô Ba, hai người khởi xướng và có nhiều đóng góp phục hồi di tích chùa Ông Nhiêu.
|
Sau 10 năm thực hiện luật Di sản văn hóa (2002-2012), Bình Định đã có những bước tiến rõ rệt trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng cao của nhân dân, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy di sản văn hóa.
1.
Ở tỉnh ta, di tích lịch sử nhận nhiều nhất sự hỗ trợ từ cộng đồng đó là Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt và Bảo tàng Quang Trung. Ngoài ra nhiều di tích khác cũng được các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng, phục hồi, có thể kể đến: di tích Miếu Bà (xã Nhơn Phong, Thị xã An Nhơn), Đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân (xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn), di tích về vụ Thảm sát ngã ba Đình (xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn), di tích Chiến thắng Chợ Cát (xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn), tháp Cánh Tiên (xã Nhơn Hậu, Thị xã An Nhơn), di tích về vụ thảm sát Trường Thạnh (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát)…
Gần đây, nhiều công trình di tích sử dụng hoàn toàn nguồn vốn huy động từ cộng đồng để phục hồi như: Văn chỉ Hoài Ân, Đình làng Ân Thường (xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân), Đình Vạn An (xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ). Và có lẽ, gây xúc động cho nhiều người và tạo ấn tượng tốt là việc phục hồi, bảo vệ di tích chùa Ông Nhiêu ở phường Trần Hưng Đạo, TP. Quy Nhơn.
Việc phục hồi di tích chùa Ông Nhiêu được bắt đầu vào những ngày cuối năm 2011 do chị Dương Tịnh Nga (52 tuổi, ở phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) và bà Trần Thị Hữu (quen gọi là cô Ba, 72 tuổi, ở khu vực 2, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) khởi xướng. Ban đầu hai cô cháu xin được vào chùa sắp xếp, quét dọn, lau chùi, đơm hoa quả, thắp nhang. Khi chị Nga vận động thêm một số người thân quen cùng tham gia, ngôi chùa tưởng vốn hoang phế đã hồi sinh.
Mùng 6 tháng giêng âm lịch (28/1), công trình phục hồi không gian tâm linh di tích lịch sử - văn hóa chùa Ông Nhiêu được khởi công, một công trình thi công “ba không”: không chủ đầu tư, không chủ thầu và không có dự toán, với phương châm tự nguyện, tự giác và vô tư. Để động viên và hướng dẫn bà con nguyên tắc phục hồi, giữ gìn tối đa yếu tố gốc của di tích - một di tích đã được ghi nhận là gương mặt kiến trúc cổ đặc trưng của miền Trung và là một bản sắc văn hóa mang dấu ấn lịch sử, hàng ngày cán bộ Ban Quản lý di tích và Phòng Văn hóa-Thông tin thành phố thường xuyên có mặt ở di tích.
|
Cụ Lý Đình Lương (bên phải) 84 tuổi, ở nhà số 216 Trần Cao Vân, TP Quy Nhơn và bộ lư đèn của chùa được gia đình ông cất giữ, nay tự nguyện giao lại cho chùa.
|
2 .
Kinh phí để phục hồi di tích sử dụng nguồn kinh phí vận động từ cộng đồng. Những thành viên tích cực nhận một số đầu việc phục hồi, đi vận động bà con quen biết hảo tâm đóng góp… Người thì góp tiền, người ủng hộ vật tư, người cúng dường đồ thờ, người thì góp bằng công lao động. Số người hưởng ứng tham gia ngày một đông hơn, công việc triển khai nhịp nhàng và nhanh chóng lạ thường. Công việc thu chi tiền công đức có một người ghi chép và thông báo hàng ngày cho bà con cùng biết.
Ngoài hai người khởi xướng là chị Nga và cô Ba, còn có những cá nhân và gia đình rất nhiệt tình trong việc phục hồi di tích như ông: Lê Văn Tráng (59 tuổi, ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn), gia đình bà Trần Thị Xí (58 tuổi, ở phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn), ông Nguyễn Hải (47 tuổi, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn)… Trực chăm sóc bảo vệ di tích ban ngày là cụ Nguyễn Thị Nghĩa (71 tuổi, ở huyện Vân Canh), bảo vệ ban đêm là ông Nguyễn Văn Bảy (51 tuổi, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn).
Tất cả các tượng thờ, đồ tế tự: lư đèn, hoành, liễn, tiêu,...bị hư hỏng đều được phục hồi, mua sắm. Điều đáng nói là một số đồ thờ của chùa bị thất tán, lưu lạc trong nhân dân cũng được bà con tự nguyện mang giao lại cho chùa.
Theo chị Dương Tịnh Nga – người theo dõi sổ sách thu chi, sau một tháng triển khai phục hồi di tích, đã thu và chi khoảng 60 triệu đồng và hàng trăm công lao động công quả. Hiện nay, còn nhiều công việc ở phía trước, tiếp tục phục hồi, tôn tạo đang chờ công đức của những tấm lòng thơm thảo.
3.
Do kinh phí bảo tồn, duy tu sửa chữa từ ngân sách có nhiều hạn chế, di tích chùa Ông Nhiêu vốn đã hư cũ rất nặng, có nguy cơ trở thành phế tích. Nhưng nhờ những người dân nặng lòng với di sản của tổ tiên để lại, nay không gian tâm linh của chùa trở nên khang trang, tôn nghiêm, bắt đầu thu hút nhân dân đến tham quan, sinh hoạt tín ngưỡng trở lại.
Phục hồi, tôn tạo, bảo vệ các di tích như chùa Ông Nhiêu là cách thức giàu tính thực tế góp phần tăng cường niềm tự hào dân tộc, là sự đảm bảo mối dây thiêng liêng nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai. Việc người dân cộng đồng trách nhiệm trong vấn đề này còn gián tiếp tăng thêm tình đoàn kết, ý thức làm việc vì lợi ích xã hội được nâng cao. Và đây chính là giá trị phái sinh, có ý nghĩa thậm chí còn lớn hơn khối lượng vật chất cụ thể của di tích nên cần được hoan nghênh, quan tâm ủng hộ.
|