UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” với những định hướng triển khai cụ thể, gắn với thực tế đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Việc thực hiện Đề án chỉ thực sự thành công khi nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số trong nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống.
- Trong ảnh: Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc năm 2011 tại làng Tà Điệk, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh.
|
Thực hiện từ cộng đồng
Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh hướng đến những mục tiêu, hoạt động, dự án cụ thể. Kinh phí đầu tư thực hiện Đề án là 24 tỉ đồng, lấy từ nhiều nguồn: ngân sách nhà nước (Trung ương, tỉnh, huyện); nguồn vốn lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; huy động xã hội hóa, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và nguồn vốn do nhân dân đóng góp.
Sở VH-TT&DL chủ trì triển khai các dự án thành phần của Đề án; phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở, ngành, địa phương liên quan, các cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện. UBND các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát tổ chức thực hiện các dự án thành phần trên địa bàn quản lý.
Quan điểm của Bộ VH-TT&DL khi triển khai thực hiện Đề án tại các địa phương là Nhà nước không làm thay mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tác động và tạo môi trường thuận lợi, phù hợp để bảo tồn, phát triển văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Việc triển khai Đề án phải được thực hiện theo hướng từ dưới lên, từ cộng đồng, trong cộng đồng là chính. Trong đó, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và lồng ghép, kết hợp với các chương trình, dự án có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số để gắn kết, tạo sức mạnh tổng hợp phát triển kinh tế - văn hóa.
|
Người dân làng Klotpok, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh dệt thổ cẩm tại nhà. |
Nâng cao nhận thức cho đồng bào
Khi thực hiện Đề án, muốn kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc thiểu số hiệu quả, cần có các nhà nghiên cứu, cán bộ am hiểu về văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu thiếu đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu kiểm kê, công việc càng phải được tiến hành cẩn trọng hơn. Các di sản văn hóa phi vật thể không nên chỉ kiểm kê hiện trạng mà còn phải kiểm kê luôn cả những điều đã mất để có cơ sở phục hồi lại. Chẳng hạn, cần kiểm kê, đánh giá cụ thể kiến trúc nhà rông của đồng bào dân tộc Bana ở Bình Định hiện đã bị “cách tân” ra sao, ảnh hưởng tiêu cực như thế nào với việc bảo tồn những giá trị di sản nhà rông truyền thống…
Trong các dự án, Dự án “Bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” (thực hiện từ năm 2011-2020) có ý nghĩa quan trọng, cần hoàn thành sớm. Đây sẽ là tiền đề để giải quyết vấn đề nhân lực và phát huy hiệu quả việc khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở.
Việc thực hiện Dự án “Giới thiệu quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật và các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số và đưa giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc vào trường học” (thực hiện từ năm 2012-2020) ở Bình Định có những yếu tố thuận lợi ban đầu. Hiện đang có nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm về văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh ta có giá trị đang chờ được xuất bản, quảng bá; lực lượng nghệ nhân đồng bào các dân tộc thiểu số ở các địa phương trong tỉnh am hiểu, tâm huyết với việc bảo tồn di sản văn hóa cũng còn khá nhiều. Dự án này, do vậy, cần được tiến hành nhanh, khoanh vùng triển khai ở các địa bàn trọng tâm, ưu tiên tập trung ở các trường học trong khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Thực tế việc bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở tỉnh ta thời gian qua cho thấy, không chỉ cần đầu tư mở lớp dạy nghề, tìm hướng tiêu thụ sản phẩm… mà còn phải làm sao để đồng bào thấy trân trọng hơn với trang phục truyền thống, thực sự muốn mặc trang phục truyền thống. Do vậy, yếu tố quan trọng nhất để thực hiện thành công Đề án là phải có kế hoạch cụ thể, hoạt động hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số, để họ thực sự trở thành lực lượng chính thực hiện công tác bảo tồn, phát triển văn hóa của dân tộc mình.
|