Nội lực ở một đoàn tuồng không chuyên
6:59', 1/3/ 2012 (GMT+7)

Được thành lập tháng 7.2001, khi mà trong tỉnh đã có 15 đoàn tuồng không chuyên hoạt động, song bằng nỗ lực trau dồi chuyên môn và tinh thần đoàn kết, Đoàn tuồng Trần Quang Diệu (Quy Nhơn) dần khẳng định mình.

Những năm đầu mới thành lập, Đoàn tuồng Trần Quang Diệu không vội tìm hợp đồng biểu diễn, kiếm doanh thu mà dành thời gian, công sức để học tuồng, tạo vốn liếng nghề bài bản; đồng thời tinh lọc, ổn định nhân sự. Một trong những lợi thế của đoàn là có được dàn diễn viên vững nghề, tâm huyết và gắn bó với đoàn từ những ngày đầu mới ra đời: Huỳnh Thị Kim Chung, Hà Thị Hạnh, Lê Thị Tuấn, Nguyễn Thanh An, Phan Ngọc Bạn, Võ Hùng Cườm, Nguyễn Hữu Diên…

 

Cảnh trong vở “Chung Vô Diệm” do Đoàn tuồng Trần Quang Diệu biểu diễn tại Liên hoan sân khấu tuồng không cuyên toàn tỉnh lần VII - năm 2011.

Diễn viên Hùynh Thị Kim Chung cho biết: “11 diễn viên, 3 nhạc công gắn bó với đoàn từ những ngày đầu. Sân khấu bật đèn, diễn viên đếm mấy nhịp chân bước ra lúc nào là nhạc công trống đã nằm lòng, trống nổi lên không lỡ nhịp. Đội ngũ diễn viên ổn định nên mọi vở diễn của đoàn đều được phân vai phù hợp cho từng người; từng vai diễn, vở diễn, vì vậy, tinh và sâu. Tuy diễn viên của đoàn vẫn “chạy sô”, cộng tác với những đoàn tuồng khác khi rảnh nhưng hễ khi “đoàn nhà” cần là họ có mặt. Trong đoàn có đến 4 cặp vợ chồng nghệ sĩ nông dân, đấy cũng là một cái thuận tiện. Hơn 10 năm cùng chia ngọt sẻ bùi, nghệ sĩ chúng tôi rất tự hào về “đoàn nhà” Trần Quang Diệu!”.

Là đơn vị hoạt động nghệ thuật trực thuộc quản lý của Phòng Văn hóa - Thông tin TP Quy Nhơn, Đoàn tuồng Trần Quang Diệu còn có lợi thế rất lớn là sự trợ giúp về nghệ thuật tuồng của nghệ sĩ Hoàng Việt, con trai cố NSƯT Hoàng Chinh. “Không chỉ hỗ trợ về mặt kịch bản, tuồng tích, diễn viên của đoàn được nghệ sĩ Hoàng Việt thị phạm, trao truyền nhiều miếng nghề, ngón diễn hay nên tiến bộ nhanh, vững nghề, đặc biệt là khắc phục nhược điểm “bộng” tuồng cổ, diễn cương” - anh Phan Ngọc Bạn, Trưởng đoàn, cho biết.

Sau hai năm ra đời, năm 2003, lần đầu tiên, tham gia Liên hoan sân khấu tuồng không chuyên toàn tỉnh lần thứ V, Đoàn tuồng Trần Quang Diệu chọn vở “Đào Phi Phụng”- một vở tuồng rất khó - song đã đoạt giải Nhất. Tại các kỳ liên hoan sau, đoàn tiếp tục thế mạnh khai thác các vở tuồng cổ và lại mang về thành công: giải Nhất trích đoạn “Địch Thanh qua ải” (Liên hoan lần VI, năm 2005), giải A tập thể vở “Chung Vô Diệm” (Liên hoan lần VII, năm 2011), nhiều diễn viên của đoàn cũng đoạt giải A cá nhân. “Qua ba lần tham gia Liên hoan sân khấu tuồng không chuyên toàn tỉnh, Đoàn tuồng Trần Quang Diệu luôn thể hiện là đoàn mạnh về tuồng cổ, diễn chuẩn mực. Ra đời muộn nhưng đoàn tiến bộ nhanh; cạnh tranh ở sân khấu tuồng nghiệp dư, đoàn ký được nhiều hợp đồng biểu diễn, được khán giả, nhất là những người am hiểu tuồng mến mộ và có phản hồi tốt ” - ông Nguyễn An Pha, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết.

Trong số 12 đoàn tuồng dân lập, diễn viên Đoàn tuồng Trần Quang Diệu có độ tuổi “trẻ” hơn (trung bình 40 tuổi) - độ tuổi sung sức nhất trong lĩnh vực sân khấu truyền thống. Tâm nguyện chung của các nghệ sĩ trong đoàn là tìm được những người trẻ yêu tuồng để trao nghề, nối nghiệp.

  • SAO LY
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hướng đến mục tiêu cụ thể, hiệu quả lâu dài  (29/02/2012)
“Tiếp sức” cho thơ  (27/02/2012)
Một năm nhìn lại  (27/02/2012)
Người dân tự huy động nguồn lực từ cộng đồng  (27/02/2012)
Sự chống đối giữa tinh thần và thể xác  (26/02/2012)
Ông chủ nhiệm thôn nghèo nhất xã nhận giải thưởng  (26/02/2012)
Tiếng mõ gió  (25/02/2012)
“Vàng” của bài chòi cổ  (25/02/2012)
Cần nỗ lực nhiều hơn  (24/02/2012)
Công đoàn cơ sở Chi cục Kiểm lâm tỉnh đạt giải Nhất toàn đoàn  (24/02/2012)
Thông tin mới về 3 khẩu súng thần công ở Bảo tàng Bình Định  (23/02/2012)
“Một” và “nhiều”  (23/02/2012)
Hiệu quả tích cực từ mô hình thư viện nông dân  (20/02/2012)
“Chúng tôi vui mừng trước sức sống của di sản bài chòi Bình Định”  (20/02/2012)
Ca sĩ mặc trang phục phản cảm sẽ bị cấm biểu diễn  (20/02/2012)