Phong trào múa không chuyên:
Rộng nhưng chưa sâu
23:13', 1/3/ 2012 (GMT+7)

Cùng với sự lớn mạnh của phong trào văn nghệ quần chúng tỉnh nhà, nghệ thuật múa đã có đất để phát triển ngày càng rộng rãi hơn. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, phong trào múa không chuyên cũng bộc lộ nhiều hạn chế.

Múa: mọi lúc mọi nơi

Các tiết mục múa xuất hiện ngày càng nhiều trong các hội thi, hội diễn, chương trình biểu diễn văn nghệ nhân các sự kiện… tạo nên phong trào múa phát triển rộng khắp. Sự phát triển này thể hiện khá rõ trong Hội thi Tiếng hát giáo viên, học sinh ngành Giáo dục - Đào tạo Bình Định năm 2012 vừa diễn ra. Là hội thi “tiếng hát” nhưng nhiều đơn vị đã dàn dựng phần múa minh họa công phu, “lấn át” luôn cả phần hát, thậm chí hoàn toàn có thể tách ra thành một tác phẩm múa độc lập.

 

Tiết mục múa “Mưa xuân tháp cổ” của biên đạo Hoàng Việt.

Xuất hiện nhiều, nhưng theo một số biên đạo, diễn viên gắn bó nhiều năm với phong trào múa không chuyên, các tiết mục múa nhiều năm gần đây không có nhiều sự sáng tạo, mới lạ. Rất ít các tiết mục múa khai thác, tôn vinh bản sắc văn hóa địa phương. Rất nhiều tiết mục múa được dàn dựng hoành tráng nhưng chất lượng nghệ thuật không cao, thiếu chủ đề, nội dung tư tưởng.

Tình trạng múa minh họa cho các tiết mục ca hát đã xuất hiện nhiều đến mức khiến người xem “bội thực”. Đáng nói là phần lớn múa minh họa chưa có được chất lượng nghệ thuật của múa minh họa thuyết minh cho chủ đề, nội dung ca khúc mà chỉ đơn thuần mang tính chất trang trí. Một số tiết mục múa được khai thác lại nhiều lần ở nhiều chương trình trong thời gian dài nhưng không có sự cách tân, thậm chí sự dàn dựng lại còn kém cỏi hơn. “Có những tiết mục múa được biên đạo tên tuổi đầu tư công sức dàn dựng nhưng sau đó được yêu cầu diễn lại ở chương trình khác, các diễn viên diễn theo trí nhớ nên chất lượng giảm sút, dấu ấn của biên đạo không còn…” - một diễn viên múa trẻ cho biết.   

Cần một đội ngũ tinh nghề

Lực lượng biên đạo, diễn viên múa tỉnh nhà đang “nở rộ” về số lượng nhưng chất lượng chưa cao. Nhiều người mới chỉ có chút kiến thức âm nhạc, năng khiếu múa cũng nhận làm biên đạo, tạo ra các tiết mục múa thiếu chất lượng thẩm mĩ. Lực lượng diễn viên múa tuy đông nhưng phần lớn chỉ dừng lại ở mức năng khiếu ban đầu, rất ít người được đào tạo bài bản. Biên đạo Hoàng Việt cho biết: “Các diễn viên múa trẻ hiện nay chưa chịu khó học hỏi, rèn luyện để có thể cống hiến cho phong trào với tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc. Ngay tại nơi có phong trào múa không chuyên phát triển mạnh nhất tỉnh là TP Quy Nhơn, số lượng diễn viên múa có kỹ thuật tốt cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay…”.

Chất lượng phong trào múa không chuyên tỉnh nhà chưa cao còn do chất lượng nghệ thuật các tiết mục múa đoạt giải cao tại nhiều hội thi, hội diễn không cao, phần nhiều chỉ chú ý đến độ “hoành tráng”. Điều này phần nào dẫn đến “định hướng lệch”, không tốt cho phong trào múa không chuyên…

Làm sao để nâng cao chất lượng phong trào múa không chuyên nói riêng và nghệ thuật múa nói chung? Đây là điều đã được đặt ra nhiều năm qua. Hiện nay, khi phong trào múa không chuyên đã có những bước phát triển, thì việc tạo ra sân chơi là điều cần thiết. Liên hoan Múa không chuyên toàn quốc đã được Bộ VH,TT&DL tổ chức thành công nhiều lần, đem lại hiệu ứng tích cực cho phong trào múa. Sở VH,TT&DL cũng nên nghiên cứu tổ chức Liên hoan Múa không chuyên toàn tỉnh. Đây sẽ là sân chơi thiết thực để đánh giá sự phát triển của múa không chuyên tỉnh nhà; từ đó, có định hướng để phong trào phát triển tích cực hơn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đông đảo người dân.

  • HOÀI THU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nội lực ở một đoàn tuồng không chuyên  (01/03/2012)
Hướng đến mục tiêu cụ thể, hiệu quả lâu dài  (29/02/2012)
“Tiếp sức” cho thơ  (27/02/2012)
Một năm nhìn lại  (27/02/2012)
Người dân tự huy động nguồn lực từ cộng đồng  (27/02/2012)
Sự chống đối giữa tinh thần và thể xác  (26/02/2012)
Ông chủ nhiệm thôn nghèo nhất xã nhận giải thưởng  (26/02/2012)
Tiếng mõ gió  (25/02/2012)
“Vàng” của bài chòi cổ  (25/02/2012)
Cần nỗ lực nhiều hơn  (24/02/2012)
Công đoàn cơ sở Chi cục Kiểm lâm tỉnh đạt giải Nhất toàn đoàn  (24/02/2012)
Thông tin mới về 3 khẩu súng thần công ở Bảo tàng Bình Định  (23/02/2012)
“Một” và “nhiều”  (23/02/2012)
Hiệu quả tích cực từ mô hình thư viện nông dân  (20/02/2012)
“Chúng tôi vui mừng trước sức sống của di sản bài chòi Bình Định”  (20/02/2012)