Thắp tình yêu đàn tranh
23:45', 3/3/ 2012 (GMT+7)

Hình ảnh một người phụ nữ với đôi mắt mơ màng, mái tóc dài buông lãng mạn, ngồi say sưa bên phím đàn thập lục đã quen thuộc tại các chương trình thơ, nhạc trong tỉnh. Đó là Nguyễn Thị Thanh Hoàng (sinh năm 1964), nhạc công đàn tranh hiếm hoi ở Bình Định.

 

Đất biểu diễn cho đàn tranh rất hiếm, nhưng Thanh Hoàng luôn giữ thói quen luyện đàn để tiếng đàn không “nhạt”.

 

1.

Nguyễn Thị Thanh Hoàng sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc; cha, chú, các anh chị em ruột trong nhà đều có năng khiếu, sở thích đặc biệt với một số loại nhạc cụ. “Hồi anh chị em tôi chưa lập gia đình, đến khi thành gia thất, ra riêng, ngôi nhà chung của ba mẹ là nơi mỗi cuối tuần chúng tôi tổ chức sinh hoạt âm nhạc để nuôi dưỡng năng khiếu và sống với sở thích của mình. Anh trai lớn - Nguyễn Văn Nghiệp (đã mất) - chơi organ, guitar; em trai Văn Phúc chơi violon, măng-đô-lin; Hoàng Lộc chơi piano, tôi và chị gái Quỳnh Như cùng chơi đàn tranh. Tôi luôn nhớ về những năm tháng các thành viên trong gia đình quây quần bên chiếu nhạc ấm cúng đó, về những chương trình “hòa nhạc tại gia” không thể quên”, Thanh Hoàng trải lòng.

Chị kể tiếp: “Giờ mỗi người đều có gia đình, công việc riêng phải lo toan, dẫu trong nhà không thiếu nhạc cụ gì, song những dịp hội ngộ âm nhạc như vậy rất hiếm. Lâu lâu, có dịp đoàn viên, anh chị em lại lôi đàn ra, nhìn nhau: “còn nhớ không?”; sau cái gật đầu của mọi người là không gian âm nhạc nổi lên. Hòa tấu, song tấu rồi độc tấu, mỗi thành viên phô diễn sở trường của mình, cứ miên man, quyến luyến như tiếc nhớ ngày xưa”.

Những năm 1990, anh em nhà Thanh Hoàng mời thêm một số nhạc công và lập ra ban nhạc gia đình - bè bạn, đệm đàn biểu diễn tại các tụ điểm ca nhạc, nhà hàng, khách sạn trong thành phố. Trong dàn nhạc ấy, Thanh Hoàng luôn góp mặt cùng cây đàn tranh, với những ca khúc quen thuộc như: Bình minh trên rẻo cao, Bà mẹ quê, Hoa đào ca, Sakura…

 

Thanh Hoàng (người ngồi) đệm đàn tranh cho một tiết mục ngâm thơ.

 

2.

Thanh Hoàng có lẽ là người duy nhất ở Quy Nhơn chơi đàn tranh, dạy đàn tranh và đệm đàn tranh cho các chương trình thơ, nhạc. Đàn tranh không phổ biến như guitar, organ; so với các nhạc cụ dân tộc khác như bầu, nhị, sáo cũng ít đất diễn hơn. Vậy mà, bao năm qua, Thanh Hoàng vẫn lặng lẽ gắn bó với cây đàn thập lục như mối duyên nợ.

Khi cô nữ sinh Thanh Hoàng vừa tốt nghiệp cấp 2 cũng là lúc Học viện Quốc gia âm nhạc Huế (nay là Học viện âm nhạc Huế) vào Quy Nhơn tuyển sinh. Thanh Hoàng háo hức đăng ký “thi thử cho biết”. Để rồi mới bước vào học lớp 10, Trường THPT Trưng Vương, Thanh Hoàng nhận được giấy báo trúng tuyển của Học viện. Thế là 15 tuổi, Thanh Hoàng một thân một mình ra Huế học nhạc chuyên ngành đàn tranh trong 4 năm rưỡi.

Tốt nghiệp ra trường về lại quê nhà, một thời gian dài Thanh Hoàng tham gia văn nghệ phong trào tại các địa phương trong tỉnh. Vẫn xuất hiện với cây đàn tranh trên sân khấu văn nghệ quần chúng. Sau đó, chị về Quy Nhơn mở lớp dạy đàn tại nhà, tại các nhà sinh hoạt văn hóa đến nay. Tốt nghiệp chuyên ngành đàn tranh nhưng hiện tại ngoài đàn tranh, Thanh Hoàng vẫn đứng lớp dạy cả guitar, organ, piano. Chị bảo đó là kết quả của những năm ở Học viện Huế, chị miệt mài học thêm một số loại nhạc cụ khác, để bây giờ có thể sống bằng nghề.

Cũng vì mê đắm tiếng đàn thập lục mà bao năm qua, Thanh Hoàng vẫn giữ thói quen luyện đàn, dẫu nhiều khi chỉ cho mình nghe, để tiếng đàn không “nhạt”. “Tôi có niềm yêu thích đặc biệt với đàn tranh ở âm điệu êm ái, thánh thót, réo rắt, sự trau chuốt trong tiếng đàn. Cái buồn thương da diết hay tươi vui hoan ca, đàn tranh đều diễn tả ở mức độ cao và sâu nhất. Nhạc cụ nào cũng có cái hay riêng, song có thể vì yêu mến đàn tranh, tôi nghĩ rằng sự biểu cảm của tiếng đàn này ở những nhạc cụ khác khó bì lại”, Thanh Hoàng chia sẻ. Theo chị, trong 20 người ở nhiều độ tuổi đăng ký học nhạc, xác suất chỉ 1 người chọn đàn tranh, và sự học ấy cũng chỉ dừng lại ở chỗ học vì thấy đàn này lạ và hay, học cho biết, học theo sở thích chứ không phải chọn lựa nghề nghiệp, đam mê đeo đuổi lâu dài.

Thanh Hoàng tâm sự không giấu giếm rằng, có đôi lúc chị không tránh khỏi cảm giác cô đơn khi “ngón nghề” sở trường của mình ít có cơ hội vận dụng, biểu diễn. “Tuy ít ỏi nhưng vẫn có một số thanh thiếu nhi, đa phần là nữ theo học đàn tranh vì yêu thích. Không chỉ dạy cổ nhạc, làn điệu dân ca, mình biên soạn đàn tranh tân nhạc để người học rộng đường tiếp cận; với các bé thiếu nhi, mình biên soạn bài dạy là các bài hát thiếu nhi quen thuộc, nhờ đó bé thấy gần gũi, học hào hứng hơn. Tôi “thèm” có những học trò “ruột”, đam mê đàn tranh thực thụ để chia sẻ, truyền đạt”, Thanh Hoàng cho biết.

Cuối tháng 10.2010, Thanh Hoàng là đại diện duy nhất của Bình Định tham gia chương trình Hội ngộ đàn tranh toàn quốc lần 1 tại TP Hồ Chí Minh. Dịp gặp mặt và biểu diễn trong chương trình hòa tấu đàn tranh với 120 nghệ sĩ đàn tranh trong cả nước lần ấy càng làm tình yêu với đàn tranh trong Thanh Hoàng trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Thanh Hoàng nói về ao ước ấp ủ từ lâu: “Khi có điều kiện, tôi sẽ thành lập một CLB đàn tranh. Tập hợp người biết chơi, người yêu thích nhạc cụ này đến luyện tập, sinh hoạt. Xa hơn, một môi trường ứng dụng, biểu diễn rộng rãi hơn, một đời sống sôi động hơn cho đàn tranh luôn là giấc mơ của tôi!”.

  • SAO LY
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
12 phim truyện điện ảnh tranh giải Cánh diều 2011  (02/03/2012)
Rộng nhưng chưa sâu  (01/03/2012)
Nội lực ở một đoàn tuồng không chuyên  (01/03/2012)
Hướng đến mục tiêu cụ thể, hiệu quả lâu dài  (29/02/2012)
“Tiếp sức” cho thơ  (27/02/2012)
Một năm nhìn lại  (27/02/2012)
Người dân tự huy động nguồn lực từ cộng đồng  (27/02/2012)
Sự chống đối giữa tinh thần và thể xác  (26/02/2012)
Ông chủ nhiệm thôn nghèo nhất xã nhận giải thưởng  (26/02/2012)
Tiếng mõ gió  (25/02/2012)
“Vàng” của bài chòi cổ  (25/02/2012)
Cần nỗ lực nhiều hơn  (24/02/2012)
Công đoàn cơ sở Chi cục Kiểm lâm tỉnh đạt giải Nhất toàn đoàn  (24/02/2012)
Thông tin mới về 3 khẩu súng thần công ở Bảo tàng Bình Định  (23/02/2012)
“Một” và “nhiều”  (23/02/2012)