Dưới dàn bông huỳnh anh
10:36', 4/3/ 2012 (GMT+7)

* Truyện ngắn của NGUYỄN ĐỨC THIỆN

Một cuộc chơi đưa anh đi quá xa. Anh đã thú nhận với Hoa như vậy. Có gì đâu. Anh phải tiếp khách. Một cái quán kín đáo. Mấy cô tiếp viên. Rót bia. Lau mặt. Cười. Và cặp môi lướt trên mái tóc người ta. Thế thôi. Nhưng thế cũng đủ làm cho Hoa buồn. Hoa ngồi khóc một đêm nức nở. Nước mắt Hoa sao nhiều đến thế. Cứ chảy dài ướt cả đêm khuya. Cô ngồi dưới dàn bông huỳnh anh. Dưới dàn bông huỳnh anh là cái xích đu. Ngày làm xong căn nhà này, anh bảo, phải có một cái xích đu ở cái sân này. Anh tự vẽ kiểu và đi đặt tiệm sắt. Khi nhận về, anh tự dựng lên. Thấy anh lui cui với cái xích đu, Hoa không nói được đã thương anh thế nào mà chỉ biết làm cho anh một ly cam vắt sánh vàng. Nó khác với bao cái xích đu khác bởi một cái dàn phía trên và bây giờ là dây bông huỳnh anh, quanh năm nở vàng tươi như nước cam vắt. Trên chiếc xích đu này vợ chồng Hoa đã có những ngày thật đẹp. Thế mà hôm nay Hoa ngồi đây và khóc…

*

*   *

Bây giờ là Khoa. Anh ngồi dưới dàn huỳnh anh và nhìn vào nhà mong đợi. Hoa đã chạy vào nhà khi anh bước tới và định ngồi chung trên chiếc xích đu với cô. Ngồi ngoài này anh vẫn nghe tiếng khóc của Hoa vọng ra. Tiếng khóc cứ chảy dài nhão cả không gian. Đêm thườn thượt buồn, như chẳng thể buồn hơn. Bao nhiêu nỉ non rơi vào đêm loãng. Nước mắt chảy vào thăm thẳm làm cho đêm mặn chát giận hờn. Với Khoa lúc đó đêm là một nhà tù căng chật, cửa vào không mà cửa ra cũng không. Không thể đổi ngàn cuộc vui, lấy một đêm yên ả. Một đêm chỉ còn hai đứa. Gom cả đất trời cho mình yêu nhau. Khoa đứng dậy, vào nhà, gọi khẽ tên Hoa.

*

*   *

Dưới dàn bông huỳnh anh bây giờ không có ai. Dàn huỳnh anh lúc này chỉ là một mớ bòng bong trong đêm tối. Không thấy những bông hoa vàng. Không thấy những dây leo cứng cáp. Không thấy những chiếc lá xanh cứng cáp chỉ rụng xuống khi đã héo vàng. Dưới dàn huỳnh anh xuất hiện một con đom đóm. Chuyện này lạ ở nơi phố xá đông đúc như thế này. Mà con đom đóm cũng thật lạ thường. To và sáng. Mỗi lần nhấp nháy, nó làm biến dạng luôn cả cái dàn bông. Cái xích đu ẩn hiện lung linh. Có lúc xích đu giống như một cái nôi xinh xinh bé nhỏ đung đưa. Lại có lúc bỗng hào nhoáng, hoành tráng như một sân khấu mà là sân khấu đời, rậm rạp. Đêm nay, cái sân khấu ấy thần bí lạ kỳ:

- Con đừng hỏi mẹ nhiều. Ngày ấy, khi bệnh viện chê, mẹ được đưa về nhà. Hàng xóm đến thăm mẹ đông lắm. Hình như họ biết đấy là lần cuối cùng gặp mẹ. Mẹ cười nói huyên thuyên. “Bác Lư đó hả, bác có khỏe không? Thằng Bình nhà bác học giỏi lắm hả? Em mừng cho bác. Kia bác Thanh. Em nghe thằng Toản nhà bác xin đi làm phi công phải không. Nó giỏi quá. Dạ. Thằng bé nhà em được cái học giỏi lắm. Em mừng…”. Vậy mà khi bà nội con tới, nghe tiếng gậy lộc cộc khua và nghe bà nội con hỏi: “Nụ về đó con…”. Thế là mẹ nín luôn cho đến lúc…

Mẹ làm dâu khổ lắm con ơi. Sáng sớm tinh mơ đã ra đồng. Trưa hấp tấp trở về. Nấu cơm, dọn ăn. Ngồi đầu mâm bới cơm cho cả nhà. Mà nhà thì đông như vậy. Chén này bới xong tới liền chén kia. Khi mọi người no, mẹ vẫn chưa hạt nào vào bụng. Rồi cuối cùng là mấy miếng cơm cháy. Chiều lại như thế. Mẹ ăn cơm cháy cho đến khi thoát ra ở riêng. Vất vả bao nhiêu mẹ cũng chịu được. Nhưng nhục thì không, con ơi. Một hôm có trận mưa gió lớn. Chiếc áo mới may của cô con bị gió cuốn đi. Bà nội con bảo: mẹ đã giấu đi, chờ dịp mang bán. Bất chợt mẹ gặp anh bạn thuở nhỏ. Bà nội con bắt gặp. Bà la lên, mẹ theo trai phản bội cha con. Chiếc áo rồi tìm thấy trên đọt cây chuối sau nhà. Anh bạn mẹ uất ức thay cho mẹ mà đến tận nhà đối chất giải oan cho mẹ. Nhưng đến chuyện quả trứng gà thì mẹ hết chịu nổi. Con có nghe chuyện một người đàn bà ngoại tình bị chồng bắt quả tang chưa? Người chồng không làm gì cả, chỉ kêu anh chàng kia đưa nạp một đồng xu. Mỗi ngày, người chồng bắt người vợ đặt đồng xu kia lên chiếc dĩa đưa lên bàn thờ và thắp nhang cúng khấn. Anh chồng đứng cạnh cũng khấn: “Thưa ông bà, tổ tiên. Con thắp nén nhang này để trình với ông bà, tổ tiên nhờ con vợ con nó làm đĩ mà cha con sống được đến ngày hôm nay…”. Mỗi ngày một lần như thế. Cho đến một hôm, đến giờ thắp nhang thì không thấy người vợ đâu nữa. Người chồng chạy tìm. Chị ta đã treo mình trên cây xoài sau nhà mà chết. Chuyện cái trứng gà khiến mẹ nhục không kém. Mẹ biết cái trứng gà trong ổ vì sao mà mất. Cô con đã lấy nó, hấp vào nồi cơm và ăn lén sau nhà. Mẹ nấu cơm nên mẹ biết. Nhưng có dám nói gì đâu, khi chiều ấy bà nội la lên: “Đứa nào lấy cái trứng của bà thì cha nó chết mắc cổ, mẹ nó chết vì ó đâm… Cả nhà nó bệnh tật mà chết mòn chết mỏi”. Rồi không hiểu vì sao mà chiều ấy khi chưa kịp bữa ăn, cha con bị bà con gọi lên. Rồi mẹ cũng bị gọi lên. Bà bảo: “Bây giờ tôi coi anh dạy vợ anh ra sao đây. Anh phải nói cho vợ anh biết tôi nuôi con gà vất vả thế nào nó mới đẻ được cái trứng… Anh hiểu chưa?”. Và bà đứng cạnh chì chiết. Mỗi câu chì chiết bà bắt cha con quất lên mình mẹ một roi. Những ngọn roi làm mẹ đau ít, nhưng những giọt nước mắt của cha con làm mẹ đau hơn nhiều. Rồi từ hôm đó mỗi chiều, bà bắt mẹ thắp nhang lên bàn thờ và khấn thật to: “Thưa mẹ, con có lỗi. Từ nay con không dám…”. Cái bàn thờ, nén nhang đeo đẳng những ác cảm vào mẹ rất lâu.

Cho đến ngày mẹ được cha con đưa ra ở riêng. Một nếp nhà tranh, mấy cái chén và hai cái nồi nhỏ. Nhưng thế cũng đủ cho mẹ sung sướng rồi.

*

*   *

Dưới dàn huỳnh anh bây giờ có Khoa và Hoa. Phải đến gần sáng Hoa mới theo Khoa ra chiếc xích đu.

- Anh bảo sao? Chuyện ấy của mẹ?

- Ừ! Lúc lạnh nửa người mẹ kêu anh bảo bà nội đến gần. Mẹ xua tay kêu anh đi chỗ khác. Anh nghe mẹ và bà khóc với nhau. Khóc nhiều lắm trước khi mẹ tắt thở.

- Nhưng khóc chuyện gì anh? Hay mẹ nói được điều oan ức xưa?

- Lúc đó còn bao thời gian mà nói chuyện đó!

- Hay là, hay là…

- Thôi mà! Cả bà và mẹ cũng đã mất rồi. Biết đâu lúc đó mẹ không còn giận bà nữa thì sao? Có khi trước lúc qua đời, mẹ muốn mình thanh thản…

Trời bắt đầu sáng. Ánh nắng sớm chan hòa, làm những bông huỳnh anh vàng lên sáng lấp lánh. Hoa bỗng thấy trên mái tóc Khoa đã có những sợi tóc bạc. Nó cũng sáng lên lấp lánh dưới ánh nắng sớm mai.

Hoa bỗng thấy lòng mình thanh thản hơn.

Cánh cửa bật mở. Những đứa con chạy ra, xán lại ngồi bên cha mẹ. Hai đứa cười tươi như nắng sớm mai. Chúng không hề biết chuyện gì đã xảy ra giữa cha mẹ mình trong đêm qua.  Mắt đứa nào cũng sáng long lanh…

  • N.Đ.T
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thắp tình yêu đàn tranh  (03/03/2012)
12 phim truyện điện ảnh tranh giải Cánh diều 2011  (02/03/2012)
Rộng nhưng chưa sâu  (01/03/2012)
Nội lực ở một đoàn tuồng không chuyên  (01/03/2012)
Hướng đến mục tiêu cụ thể, hiệu quả lâu dài  (29/02/2012)
“Tiếp sức” cho thơ  (27/02/2012)
Một năm nhìn lại  (27/02/2012)
Người dân tự huy động nguồn lực từ cộng đồng  (27/02/2012)
Sự chống đối giữa tinh thần và thể xác  (26/02/2012)
Ông chủ nhiệm thôn nghèo nhất xã nhận giải thưởng  (26/02/2012)
Tiếng mõ gió  (25/02/2012)
“Vàng” của bài chòi cổ  (25/02/2012)
Cần nỗ lực nhiều hơn  (24/02/2012)
Công đoàn cơ sở Chi cục Kiểm lâm tỉnh đạt giải Nhất toàn đoàn  (24/02/2012)
Thông tin mới về 3 khẩu súng thần công ở Bảo tàng Bình Định  (23/02/2012)