Ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Định:
Phát huy tinh thần đoàn kết, thương yêu, đưa văn học - nghệ thuật tỉnh nhà phát triển
20:41', 5/3/ 2012 (GMT+7)

Ông Nguyễn An Pha, người vừa được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật (VH-NT) tỉnh khóa IV (nhiệm kỳ 2012-2017) khi nói về mục tiêu chương trình hoạt động của Hội trong thời gian đến đã xác định vậy.

 

Tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong đại đa số hội viên là thắng lợi lớn của Đại hội lần này.

 

* Ông đánh giá như thế nào về kết quả Đại hội Hội VH-NT tỉnh khóa IV?

- Tỉnh ta có bề dày truyền thống về VH-NT, thêm vào đó, sáng tạo VH-NT là nhu cầu tự thân nên trong hoàn cảnh Hội VH-NT tỉnh có những mất ổn định kéo dài như trong thời gian qua, nhiều văn nghệ sĩ vẫn miệt mài sáng tạo, một số hội viên vẫn tích cực sáng tác và đạt nhiều giải thưởng về VH-NT ở cấp địa phương và cả tầm quốc gia, quốc tế; một số hội viên được kết nạp vào các hội chuyên ngành Trung ương.

Tôi nghĩ, mong muốn được sinh hoạt trong một tổ chức nghề nghiệp ổn định để được sáng tạo có hiệu quả của các văn nghệ sĩ là nguyên nhân chính cho sự thành công của Đại hội lần này. Tinh thần đoàn kết, thống nhất cao của đại đa số hội viên thể hiện ở tỉ lệ phiếu bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra rất tập trung và cả sự sôi nổi, tâm huyết trong những ý kiến đóng góp cho Báo cáo Tổng kết công tác Hội từ năm 2002 đến năm 2011 cũng như phương hướng nhiệm kỳ 2012-2017 và Điều lệ Hội sửa đổi, bổ sung. Hầu hết các ý kiến thể hiện tinh thần quyết tâm xây dựng Hội phát triển, vì sự phát triển của nền VH-NT tỉnh nhà. Đó là thắng lợi rất lớn của Đại hội. Việc Điều lệ Hội được sửa đổi, bổ sung tại Đại hội lần này với nhiều chương, điều quy định chặt chẽ, sẽ là cơ sở vững chắc cho hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ mới.

* Đại hội lần này là khởi điểm cho một giai đoạn mới của tổ chức nghề nghiệp dành cho văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Vậy trong giai đoạn mới này, Hội đề cao nhiệm vụ gì, thưa ông?

- Từ thực tiễn công tác Hội trong gần chục năm qua, tôi cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là tăng cường sự đoàn kết, triển khai công việc nhịp nhàng giữa Ban Chấp hành Hội và Văn phòng Hội; từ đó, phát huy tốt tinh thần đoàn kết ở các chi hội và toàn thể anh chị em hội viên.

Công tác xây dựng tổ chức Hội cũng sẽ được chú trọng. Thời gian tới, các chi hội chưa tổ chức được đại hội sẽ tiến hành đại hội; từ đó, đề ra chương trình hoạt động cụ thể. Sau một thời gian gián đoạn, công tác kết nạp hội viên mới sẽ được quan tâm nhiều hơn. Nguyện vọng thành lập Chi hội Múa của một số anh chị em hoạt động trong lĩnh vực múa sẽ được Ban Chấp hành lắng nghe, xem xét để xúc tiến thành lập. Các hoạt động thực tế sáng tác, đề xuất những giải thưởng VH-NT cho tỉnh và các hội chuyên ngành Trung ương, bồi dưỡng phong trào VH-NT quần chúng, trong đó quan tâm đến VH-NT miền núi, văn nghệ sĩ nữ, văn nghệ sĩ trẻ… sẽ được tổ chức quy củ; thúc đẩy sự thi đua sáng tạo, nâng cao chất lượng tác phẩm VH-NT.

* Kết thúc Đại hội, chức danh Phó Chủ tịch Hội vẫn còn khuyết. Nguyện vọng của nhiều hội viên và cả Ban Chấp hành cho rằng, nên bầu hai Phó Chủ tịch thay vì một như quy chế Đại hội, để tăng cường năng lực, sức mạnh lãnh đạo cho Hội; đồng thời, cáng đáng nhiều công việc, hoạt động của Hội được dự đoán là sẽ bề bộn, nặng nề. Quan điểm ông về vấn đề này?

Trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước nhân dân hết sức nặng nề nhưng cũng hết sức vẻ vang. Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội VH-NT, đảm bảo cho sự phát triển của VH-NT tỉnh nhà. Chúng tôi kêu gọi văn nghệ sĩ Bình Định phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, bằng hoạt động sáng tạo nghệ thuật, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tạo được tiếng vang tốt trên diễn đàn văn hóa văn nghệ cả nước (Trích phát biểu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Thanh Thắng tại Đại hội Hội VH-NT tỉnh khóa IV)

- Về nhân sự Phó Chủ tịch, theo quy chế của Đại hội dựa trên số lượng thành viên Ban Chấp hành chỉ có một. Nhưng qua nhu cầu từ thực tế hoạt động Hội, cũng như nguyện vọng chính đáng của đại đa số hội viên, tôi cũng thấy cần có hai Phó Chủ tịch để có thể đáp ứng một khối lượng lớn công việc như tổ chức các sự kiện, làm công tác đối ngoại, phụ trách các chi hội, hội viên; phụ trách tạp chí Văn nghệ... Tạp chí Văn nghệ chắc chắn sẽ được xuất bản trở lại khi hoàn thành những thủ tục pháp lý theo Luật Xuất bản và Luật Báo chí.

Tuy nhiên, vì nhiều yêu cầu khách quan, việc bầu chức danh Phó Chủ tịch Hội phải chờ chủ trương của lãnh đạo tỉnh. Trong thời gian chưa có Phó Chủ tịch, Ban Chấp hành sẽ phân công các ủy viên đảm nhiệm, đảm bảo cho Hội hoạt động…

* Nhiều người cho rằng, trở thành Chủ tịch Hội trong hoàn cảnh Hội VH-NT tỉnh nhà vừa trải qua không ít lộn xộn, ông sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực. Ông có thể chia sẻ gì về vai trò mới của mình?

- Cá nhân tôi cho rằng, cách nói Hội VH-NT tỉnh vừa qua có những mâu thuẫn, lộn xộn là không chính xác. Sự lộn xộn, mất đoàn kết ấy chỉ bắt nguồn từ một số cá nhân trong Ban Chấp hành, một số ít cán bộ Văn phòng Hội, một số cá nhân hội viên có những sai phạm nhỏ không kịp thời chấn chỉnh, dẫn đến ngày một lớn thêm ra. Những tồn tại ấy kéo dài đã ảnh hưởng đến quyền lợi chung của đa số văn nghệ sĩ. Có thể khẳng định, đại đa số hội viên Hội VH-NT tỉnh rất đoàn kết.

Vì sự tin tưởng, giao phó của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, vì sự yêu mến, tín nhiệm của anh em văn nghệ sĩ; cộng với mong muốn được góp sức cho sự phát triển của nền VH-NT tỉnh nhà bằng kinh nghiệm quản lý, nghiệp vụ và vốn hiểu biết văn hóa tích lũy hơn 40 năm qua, tôi nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội. Trước đó, tôi đã trao đổi rất chân tình và thẳng thắn với lãnh đạo tỉnh cũng như trải lòng với anh em hội viên; tôi luôn mong có đồng chí nào trẻ, khỏe hơn tôi, giỏi hơn tôi về VH-NT làm Chủ tịch Hội, tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở cấp thấp hơn. Trở thành Chủ tịch Hội, tôi đặt kỳ vọng rất nhiều vào tinh thần vì sự phát triển của nền VH-NT tỉnh nhà của tất cả hội viên, từ đó mà giữ vững, củng cố tinh thần đoàn kết, thương yêu, tôn trọng sự sáng tạo và mối quan hệ nghề nghiệp với nhau. Chúng ta đã có một nền tảng VH-NT vững chắc, chúng ta phải cố gắng kế thừa và phát huy…

* Xin cảm ơn ông.

  • SAO LY (Thực hiện)

Văn nghệ sĩ Bình Định gởi gắm đến Đại hội…

Đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật (VH-NT) khóa IV (nhiệm kỳ 2012-2017) vừa diễn ra sau gần 5 năm gián đoạn là một sự kiện trong đời sống VH-NT tỉnh nhà. Văn nghệ sĩ tỉnh nhà gởi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng đến Đại hội…

 

Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh Nguyễn An Pha (giữa) đại diện Ban Chấp hành khóa IV tặng hoa và cám ơn Ban Chấp hành khóa III.

 

Ông Trần Hà Nam, Ủy viên BCH Chi hội Văn học, Phó Ban Sáng tác trẻ:

Cần quan tâm hơn đến lực lượng sáng tác trẻ

Hoạt động văn học của Hội VH-NT tỉnh nhà thời gian qua bị đình trệ kéo dài cùng với những hạn chế trong điều lệ phát triển hội viên mới dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng cầm bút trẻ trong Hội. Tuy nhiên, đáng mừng là phong trào sáng tác trong giới học sinh, sinh viên, người cầm bút trẻ vẫn tiếp tục phát triển theo xu hướng tự phát, có sự hỗ trợ tinh thần của một số cây bút tâm huyết.

Đại hội Hội lần thứ IV được tổ chức là một tín hiệu vui cho những người sáng tác trẻ. Chúng tôi mong muốn Ban Chấp hành Hội và Ban Chấp hành Chi hội Văn học cần quan tâm đặc biệt đến lực lượng sáng tác trẻ, nhất là những cây bút có tài năng đang xuất hiện rải rác trong tỉnh; có kế hoạch dài hơi đào tạo đội ngũ kế cận sự nghiệp VH-NT của tỉnh nhà.

 

Biên đẠo múa Thu Hương:

Mong sớm thành lập Chi hội Múa

Từ lâu nay, những người công tác trong lĩnh vực nghệ thuật múa chúng tôi chưa có tổ chức nghề nghiệp để sinh hoạt. Trong khi hầu như tất cả các lễ hội, chương trình VH-NT lớn, nhỏ trong tỉnh dường như không thiếu sự đóng góp của những người hoạt động trong lĩnh vực múa. Chúng tôi cần một tổ chức sinh hoạt nghề nghiệp để chia sẻ và phát triển chuyên môn, gắn kết với nhau, phục vụ phong trào nhiều hơn nữa… Từ Đại hội này, chúng tôi mong nguyện vọng thành lập Chi hội Múa sớm được hồi đáp.

 

ÔNG NGUYỄN NGỌC LỐI, ỦY VIÊN BCH KHÓA IV, CHI HỘI TRƯỞNG CHI HỘI NHIẾP ẢNH:

Cần điều chỉnh, bổ sung Chính sách phát triển VH-NT

Một trong những điều mà hội viên rất quan tâm là Chính sách phát triển VH-NT ban hành, áp dụng từ năm 1999 (có bổ sung một số quy định năm 2001) đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Văn nghệ sĩ kỳ vọng Ban Chấp hành khóa mới sẽ kiến nghị UBND tỉnh xây dựng, bổ sung, ban hành Chính sách phát triển VH-NT phù hợp hơn, kích thích văn nghệ sĩ lao động sáng tạo, nhất là quan tâm đến các tài năng trẻ.

  • TƯỜNG MINH (Ghi)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ông Nguyễn An Pha được bầu làm Chủ tịch Hội  (04/03/2012)
Cô gái Giẻ Triêng hát tuồng  (04/03/2012)
Dưới dàn bông huỳnh anh  (04/03/2012)
Thắp tình yêu đàn tranh  (03/03/2012)
12 phim truyện điện ảnh tranh giải Cánh diều 2011  (02/03/2012)
Rộng nhưng chưa sâu  (01/03/2012)
Nội lực ở một đoàn tuồng không chuyên  (01/03/2012)
Hướng đến mục tiêu cụ thể, hiệu quả lâu dài  (29/02/2012)
“Tiếp sức” cho thơ  (27/02/2012)
Một năm nhìn lại  (27/02/2012)
Người dân tự huy động nguồn lực từ cộng đồng  (27/02/2012)
Sự chống đối giữa tinh thần và thể xác  (26/02/2012)
Ông chủ nhiệm thôn nghèo nhất xã nhận giải thưởng  (26/02/2012)
Tiếng mõ gió  (25/02/2012)
“Vàng” của bài chòi cổ  (25/02/2012)