Hát ru - tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ
20:52', 7/3/ 2012 (GMT+7)

Khi hát ru, người phụ nữ đã trở thành “nghệ sĩ” để tâm hồn bay bổng cùng những câu ca dao, đồng dao, câu thơ hoặc hò dân gian… theo thể hiện riêng để đưa trẻ thơ vào giấc ngủ ấm áp tình cảm yêu thương ngọt ngào.

Đưa trẻ thơ vào giấc ngủ êm đềm

Hát ru không đơn thuần là một truyền thống trong khuôn khổ sinh hoạt gia đình mà còn là nếp thuần phong mỹ tục, đạo lý làm người. Trong nghệ thuật hát ru có hát ru em, hát ru tình đời, hát ru tình người, hát ru hạnh phúc… Và mỗi vùng, miền lại có những bài hát ru khác nhau; rất đa dạng về nội dung và điệu nhạc nhưng đều tạo nên giá trị chung là “đưa trẻ thơ vào giấc ngủ êm đềm”. Hát ru có chức năng giáo dục thẩm mỹ cao, góp phần hình thành, nuôi dưỡng và phát huy nhân cách, tâm hồn, kể cả thái độ ứng xử của con người từ khi còn bé. Bằng những lời ru êm đềm, những người phụ nữ là mẹ, bà, chị… đã gieo vào tâm thức tuổi thơ những ký ức và hình ảnh tốt lành về lòng nhân ái, đạo lý làm người, tình yêu quê hương đất nước.

 

Hội LHPN phường Hải Cảng tổ chức Hội thi Tiếng hát ru và hát dân ca (năm 2009). 

 

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nhận xét: chẳng có bài hát hay nào trên thế giới vượt qua được “bài hát ru của mẹ”. GS.TS Trần Văn Khê thì cho rằng thanh niên, thiếu nữ nông thôn không hề học nhạc ở trường lớp nào, vậy mà khi lớn lên trong lúc đi cày đi cấy cất lên được những câu hò tình tứ đưa duyên, chính là nhờ vốn liếng thi ca tiếp thu từ những bài hát ru từ thuở còn nằm nôi.

Các làn điệu hát ru Bình Định rất phong phú và đặc sắc, hiện đang được khá nhiều nghệ nhân trong tỉnh gìn giữ. Tại vòng chung kết Liên hoan Dân ca Toàn quốc lần thứ II - năm 2007, tiết mục Ru con Bình Định của nghệ nhân Đặng Thị Thoại (huyện Phù Mỹ) đạt giải C, đã gây nhiều ấn tượng cho người nghe bởi sự độc đáo là có đến ba điệu hát ru trong ba tình huống khác nhau. Nghệ nhân Đặng Thị Thoại cho biết, đã hát Ru con Bình Định theo lối hát bài chòi cổ: Ở điệu ru thứ nhất là ru xốc, tức là con đang khóc ru cho nín, nên người hát phải hát thật nhanh để át tiếng khóc. Điệu ru thứ hai là ru đưa, lúc này con đã nín, nên lời hát bắt đầu chậm lại để ru con ngủ. Điệu ru thứ ba là ru mùi, khi ấy con đã ngủ rồi nhưng ru thêm cho con ngủ ngon hơn qua cách hát ngân nga kéo dài…

Tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ

Theo anh Hồ Việt Quốc, cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Hoài Ân, hát ru Bình Định rất phong phú, có nhiều cách hát nhịp tự do, luyến láy thật ngọt ngào tùy theo cách xử lý riêng của mỗi người. Nhiều người phụ nữ cột dây vào võng để vừa kéo đưa võng hát ru con, vừa tranh thủ làm công việc như đan đát, may vá… Có người mỗi lần đưa võng ru con nằm ngủ xong, liền tranh thủ ra ngoài sân phơi lúa và hát vọng vào… tạo nên hình ảnh đẹp về sự dịu dàng, đảm đang của người mẹ”.

Những điệu hát ru ngày xưa của mẹ, của bà đã mãi mãi in sâu vào ký ức tuổi thơ của nhiều người. “Tôi sinh ra trên mảnh đất Quy Nhơn và tất nhiên rất đỗi bình thường là thuở nhỏ được mẹ hát ru để đi vào giấc ngủ. Bà mẹ Bình Định ru con “sao mà thương mà nhớ”, rất da diết... Một số bài hát ru mà dù tôi có đi đâu, ở đâu cũng khắc khoải mang theo trong lòng, và có lẽ những người con Bình Định nào cũng từng được nghe những lời hát ru như: “Mẹ ơi đừng đánh con đau/ Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ/ Bắt ốc, ốc nhảy lên bờ/ Hái rau, rau héo, mẹ nhờ làm chi””, tâm sự trên một diễn đàn mạng này đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm, chia sẻ.

Liên hoan Hát ru và hát dân ca tỉnh Bình Định lần I (năm 2005) và lần II ( năm 2008) do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức rất thành công. Đây là sân chơi để nhiều thế hệ bày tỏ tình cảm qua những điệu hát ru ngọt ngào, sâu sắc. Nhiều nghệ nhân lớn tuổi đã tham dự liên hoan không phải để thi thố, mà chỉ muốn nhắn gửi đến các thế hệ sau, hãy biết trân trọng, bảo tồn lời hát ru để gìn giữ cội nguồn truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Hội LHPN phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn đã xây dựng CLB Hát ru – hát dân ca để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị hát ru…

Tuy nhiên các hoạt động thiết thực như trên vẫn còn quá ít trước tình trạng hát ru ngày càng mai một trong đời sống hiện đại. Từ phố thị đến làng quê, hình ảnh các bà mẹ ru con ngày càng ít đi. Vì vậy, cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn những giá trị tốt đẹp của di sản hát ru bằng nhiều hoạt động cụ thể ở khắp các địa phương trong tỉnh. Mong rằng trong tương lai, sẽ có thêm nhiều liên hoan, hội thi hát ru được tổ chức vào ngày Phụ nữ Việt Nam (20.10) hoặc ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) để góp phần tôn vinh những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thông qua quy hoạch di tích chùa Ông Nhiêu  (07/03/2012)
Bộ VH-TT-DL đề nghị xếp hạng 13 di tích quốc gia đặc biệt  (06/03/2012)
Phát huy tinh thần đoàn kết, thương yêu, đưa văn học - nghệ thuật tỉnh nhà phát triển  (05/03/2012)
Ông Nguyễn An Pha được bầu làm Chủ tịch Hội  (07/03/2012)
Cô gái Giẻ Triêng hát tuồng  (04/03/2012)
Dưới dàn bông huỳnh anh  (04/03/2012)
Thắp tình yêu đàn tranh  (03/03/2012)
12 phim truyện điện ảnh tranh giải Cánh diều 2011  (02/03/2012)
Rộng nhưng chưa sâu  (01/03/2012)
Nội lực ở một đoàn tuồng không chuyên  (01/03/2012)
Hướng đến mục tiêu cụ thể, hiệu quả lâu dài  (29/02/2012)
“Tiếp sức” cho thơ  (27/02/2012)
Một năm nhìn lại  (27/02/2012)
Người dân tự huy động nguồn lực từ cộng đồng  (27/02/2012)
Sự chống đối giữa tinh thần và thể xác  (26/02/2012)