Nếu tiếng kèn, tiếng nhị của Lưu Hạnh mô phạm, quy tắc, bài bản; Văn Bá Anh có nhiều “ngón độc”, thì ở cố nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Nguyễn Hoài Ân là sự mướt mát, bay bổng thông qua sự kết hợp uyển chuyển các thủ pháp luyến, láy, vuốt, vỗ, nhấn, rung, làm cho âm nhạc tuồng ngoài tính chất chủ đạo là bi - hùng còn rõ thêm chất trữ tình của dân nhạc…
NSƯT Nguyễn Hoài Ân - nghệ danh Tám Kèn - sinh năm 1924, quê quán thôn Thanh Giang, xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn. Lúc nhỏ, vì mê nghệ thuật, ông đã theo học và trở thành nhạc công kèn, nhị trong các gánh hát làng quê. Năm 21 tuổi, ông gia nhập quân ngũ, công tác, chiến đấu ở các đơn vị rồi tập kết ra Bắc. Năm 1959, ông được điều về Nông trường 1.5 (thuộc Trung đoàn 93, Sư đoàn 324) làm nhiệm vụ sản xuất và văn công bán chuyên nghiệp của đơn vị.
Tài nghệ nhạc công của Tám Kèn được nhiều đồng nghiệp cũ biết đến. Tháng 6.1960, ông được thu nhận về Đoàn Tuồng Liên khu V. Năm 1962, Đoàn Tuồng Liên khu V và Đoàn Tuồng Bắc Trung ương hợp nhất thành Nhà hát Tuồng Việt Nam (đóng tại Khu văn công Mai Dịch, Hà Nội), tiếng kèn, tiếng nhị của ông lại hòa vang cùng các nhạc công khác của Đoàn đi biểu diễn phục vụ hầu hết các địa bàn ở miền Bắc và tuyến lửa khu IV.
Năm 1973, nghệ sĩ Nguyễn Hoài Ân được Vụ Nghệ thuật điều về tăng cường cho dàn nhạc Đoàn Dân ca kịch Liên khu V (cùng ở Khu văn công Mai Dịch). Lúc ấy, lớp nghệ sĩ trẻ chúng tôi mới biết ông còn là nhạc công thông thạo đờn nhạc dân ca bài chòi. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông cùng Đoàn Dân ca kịch Liên khu V vào Bình Thuận đứng chân, tiếp tục hoạt động nghệ thuật; sau đó, được mời về làm nhạc công cho Nhà hát Tuồng Nghĩa Bình - Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Tiếng kèn, tiếng nhị điệu nghệ của ông một lần nữa trở về phục vụ sự nghiệp nghệ thuật truyền thống trên quê hương mình.
Là người có tác phong “quân sự”: nghiêm túc, thẳng thắn, dứt khoát, cứng rắn, năng nổ, nên ông được cử làm tổ trưởng sản xuất (tổ trưởng nhạc), tổ trưởng Đảng, được bầu vào cấp ủy, rồi Phó Bí thư Chi bộ của hai đơn vị nghệ thuật. Cũng có người cho tác phong “quân sự” của ông là khô cứng, nhưng đó là trong công việc, còn ngoài đời, ông sống hòa đồng, thân ái, quan tâm, chia sẻ. Ông còn có năng khiếu kể chuyện và pha trò tiếu lâm, làm dịu đi những căng thẳng mỗi khi gặp khó khăn, vất vả.
Tưởng nhớ ông, tôi không sao quên được hình ảnh ông những lần ốm nặng, trong cơn mê sảng, người chiến sĩ - nghệ sĩ Tám Kèn lại hô: “Xung phong!… Tạch!.. Tạch!.. Tạch!”.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng và nghệ thuật của mình, NSƯT Nguyễn Hoài Ân được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huy hiệu Chiến sĩ văn hóa, Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa…
Vào ngày 3.2 Âm lịch năm nay (tức ngày 24.2.2012), NSƯT Nguyễn Hoài Ân từ biệt cõi đời, thọ 89 tuổi. Ông ra đi nhưng âm điệu tiếng kèn, tiếng nhị của ông còn vang vọng trong lòng các thế hệ học trò nhạc công tuồng, ca kịch bài chòi ở nhiều đơn vị nghệ thuật trong cả nước từng được ông truyền dạy; trong tâm trí các đồng nghiệp và những người từng được thưởng thức ngón nghề của ông; đặc biệt là trong lòng các con ông: NSND Thu Hiền, NSƯT Hoài Huệ, NSƯT Hồ Thu - những nghệ sĩ tài hoa mà chắc chắn trong tài năng nghệ thuật hiện hữu của mình có một phần tố chất nghề nghiệp từ người cha thân yêu.
|