Sau thành công của bộ ngẫu tượng Linga-Yoni đặt tại tháp Đôi, Lê Trọng Nghĩa một lần nữa gây chú ý với tác phẩm nghệ thuật sắp đặt có chủ đề “Biển của niềm chắt chiu”, đang trưng bày ở đồi Thi Nhân trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam tại Bình Định 2012. Đúng là một Lê Trọng Nghĩa luôn dấn thân vào những thử thách.
1. Nếu bộ ngẫu tượng Linga - Yoni là bước đột phá về kích cỡ thì “Biển của niềm chắt chiu” là một nỗ lực vươn tầm của Lê Trọng Nghĩa, vì nghệ thuật sắp đặt đòi hỏi không gian nghệ thuật rộng lớn, người sáng tạo phải có tư duy nghệ thuật cao, khả năng xử lý không gian tốt, đặc biệt phải xúc cảm với chất liệu và biết kết hợp khéo léo để cho ra những hình thể “biết nói”. Lê Trọng Nghĩa luôn mong có cơ hội thử sức với thể loại này, vì vậy đã dồn rất nhiều tâm sức vào “Biển của niềm chắt chiu”.
|
Lê Trọng Nghĩa và sinh viên mỹ thuật Lê Hoàng Phi đang hoàn thành tác phẩm nghệ thuật sắp đặt trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày thơ Việt Nam lần thứ X tại Bình Định. |
Anh chia sẻ: “Hồ nước đặt chính giữa tượng trưng cho mặt biển, bên trong là những mảnh vỡ tạo hình chữ S. Trên mặt nước, có 1 cái bát ở một bên góc gợi hình ảnh một quần đảo giữa biển khơi. Nền muối trắng bao bọc quanh hồ khẳng định thêm hình dung về biển mặn quê hương. 250 hũ bùng binh được sắp đặt xung quanh nói đến sự chắt chiu, có điều đây là sự chắt chiu biển cả. Bốn góc hồ là 4 hũ bùng binh bị đập vỡ, bên trong sóng sánh màu nước biển xanh thể hiện rõ điều này. Tất cả nhấn đến ý tưởng tác giả muốn gởi gắm là hãy chắt chiu, gìn giữ biển cả quê hương. Chất liệu tôi dùng là đồ đất nung, rất mộc mạc và gần gũi với người dân Việt Nam, có ý nghĩa “từ ngàn đời”, cũng như biển cả của Việt Nam từ ngàn đời luôn được người dân chắt chiu, bảo vệ”.
Với “Biển của niềm chắt chiu”, Lê Trọng Nghĩa đã trở thành nghệ sĩ điêu khắc đầu tiên của tỉnh sáng tác thể loại này. Họa sĩ Chơn Hiền nhìn nhận Lê Trọng Nghĩa là một nghệ sĩ có tài. Thế mạnh sáng tác của Lê Trọng Nghĩa là nghệ thuật đi vào hướng tìm tòi phong cách mới, ý tưởng lạ. Anh được Hội Mỹ thuật Việt Nam kết nạp làm hội viên năm 2011 sau khi có nhiều tác phẩm được chọn trưng bày tại các kỳ Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc tại Hà Nội và Khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên qua các năm.
2. Nghiệm ra, trong giới văn nghệ, dân điêu khắc và họa sĩ thường là “những tài năng ở ẩn” vì công chúng của họ rất riêng và rất ít. Nhưng Lê Trọng Nghĩa luôn có thể “nổi” với đám đông bởi ngoài sở trường điêu khắc, anh còn vẽ tranh, làm thơ và sáng tác nhạc. Những người quen biết anh từ nhỏ còn nhớ hình ảnh cậu bé Lê Trọng Nghĩa tham gia ca khúc sáng tác in trên Đặc san Áo Trắng và được ngợi khen. Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định trước Tết Nguyên đán 2012 đã giới thiệu 2 ca khúc “Em Monaliza của lòng anh” và “Nụ cười trên tượng Phật” của Lê Trọng Nghĩa, tạo được ấn tượng với người xem.
Lê Trọng Nghĩa cho biết: “Những kênh sáng tạo đó giúp tôi nhen cảm hứng cho sở trường điêu khắc và trở thành những thứ không thể thiếu trong cuộc sống”. Xác định vậy nhưng chưa bao giờ anh hàm hồ chữ nghĩa và dễ dãi trong âm nhạc, mà ngược lại các bài thơ và nhạc phẩm của anh luôn được giới văn nghệ và công chúng đón nhận bằng thái độ trân quý, xem đó là kết quả của quá trình hoạt động chân thực, nghiêm túc của một nghệ sĩ đích thực.
Tiếp xúc với Lê Trọng Nghĩa, tôi thường được anh chia sẻ thật nhiều ý tưởng, dự định, có cảm giác mạch nguồn sáng tác luôn tuôn chảy, bầu nhiệt huyết với nghệ thuật mãi hừng hực, sục sôi trong anh.
Tháng 3 này, anh sẽ sang Thái Lan học cao học mỹ thuật chuyên ngành Nghệ thuật thị giác. Từ cơ sở này, có thể hy vọng trong tương lai, người nghệ sĩ nhiệt huyết này sẽ còn tiến xa trong hành trình đi tìm cái đẹp; qua đó góp phần làm sôi động nghệ thuật điêu khắc nói riêng và đời sống văn hóa nghệ thuật của tỉnh nhà.
|