Tình
23:37', 10/3/ 2012 (GMT+7)

Truyện ngắn của MẪU ĐƠN (Đại học Quy Nhơn)

Anh nằm đây đã được một đêm, trên cái giường trắng tinh ở bệnh viện. Anh quên mất mình đã vào từ lúc nào, chỉ biết giờ đây chỉ có mình anh trong căn phòng với những vật dụng xa lạ. Anh liếc mắt nhìn ra ngoài hành lang và bắt gặp vợ anh đang ở đó. Anh khẽ nghiêng người nhưng dường như có một tảng đá đang đè nặng lên người anh. Anh muốn kêu vợ và con lại để hỏi tại sao anh lại nằm ở đây mà không phải trên chiếc giường của chính anh, được nhìn thấy màu sơn vàng nhạt của căn nhà mới xây khang trang đẹp đẽ… Nhưng miệng anh lại khô khốc khiến anh chẳng nói được lời nào.

 
 

Anh nghe loáng thoáng tiếng khóc, tiếng của đứa con gái lớn nhà anh nghẹn ngào: “Mổ sao bác sĩ?”. Anh nghe được câu trả lời, nước mắt anh lại chảy dài xuống gò má đen xạm. Thế là hết thật sao? Di chứng của một vụ tai nạn hai tháng trước, anh nằm liệt nhưng nhất quyết chẳng chịu đi bệnh viện vì chẳng muốn tốn kém, dù nhà anh thuộc hàng khá giả.

“Máu chảy trong não!” - tiếng con gái thảng thốt làm anh bừng tỉnh giấc. Máu chảy trong não ư? Vợ con anh ngoài kia. Mấy đứa nhỏ khóc mắt sưng húp, tiếng khóc như cứa vào tim gan anh. Nó khóc như anh sắp phải rời xa nó. Vợ anh vẫn bình thản, chốc chốc lại lấy gương ra soi. Chị ta có gương mặt to, đầy phấn, cháy đen vì nắng và cả mỹ phẩm, trên cổ đeo sợi dây chuyền đính hạt kim cương, tay đầy nhẫn vàng…

«

Ngày xưa chị lấy anh vì ba mẹ sắp đặt. Chị cũng thuộc dạng xinh xắn nhưng ngang bướng lắm, chẳng chịu nhường ai dù là ba mẹ mình. Nếu không vì nhà anh khá giả, anh lại có tiếng chăm chỉ làm lụng thì chị cũng chẳng dính vào làm gì cho mệt thân ra. Chị thầm trách mình, tại sao không đưa anh đi bệnh viện sớm, để bây giờ mổ não tốn kém. Ở với anh hai chục năm, chị sinh được ba đứa con. Đứa lớn học đại học, đứa út mới chập chững biết đi thì nhà gặp cái nạn này.

Nghe tin chi phí cuộc mổ lên đến trăm triệu, chị muốn xỉu. Bác sĩ hỏi chị tính sao, chị viện cớ hơi chóng mặt để kéo dài thời gian trả lời. Trời đất ơi, bao nhiêu năm nay tiền bạc dành dụm… Chị bật khóc, chị khóc hụ hụ. Hóa ra, bao nhiêu năm nay chạy ngược chạy xuôi, lừa lọc, mánh khóe, ngay cả cái việc thất đức là từ chối nuôi mẹ chồng già, chị cũng làm được để có tiền, giữ tiền. Vậy mà giờ đây… Chị muốn ngất đi!

Nhưng chị chợt bừng tỉnh, chị nhớ lời bác sĩ: ca mổ có 90% là không vượt qua. Nếu đồng ý mổ thì chị phải ký giấy để chịu nhận kết quả dù trường hợp xấu nhất. Chị lẩm nhẩm 90% ư, vậy là chết chắc rồi còn gì, chồng chị phen này xuống suối vàng thật rồi. Nhưng, khoan đã, còn số tiền mấy trăm triệu thì sao, chị trắng tay à? 

Anh đau xót nhìn vợ đầu tóc rũ rượi, mắt mũi nhòe nhoẹt, người ỉu xìu. Anh không muốn chết nhưng nào ai biết được số phận run rủi. Khi tóc trên đầu đã được cạo sạch, anh thấy cuộc sống cũng như đang dần rời xa mình. Anh nhắm nghiền mắt, muốn mọi chuyện qua nhanh. Anh nghĩ tới mẹ, người đã nuôi anh bao nhiêu năm cho anh trưởng thành vậy mà khi bà tuổi già và bệnh tật, anh đã bỏ mặc bà sống ở xó chợ vì sợ mất tiền bạc mà vợ anh đang cất giữ. Anh tổ chức đầy tháng cho đứa con trai thật linh đình và chẳng biết ngày xưa mẹ anh cũng nâng niu, cưng chiều anh như thế. Anh có biết đâu ngày anh mở hội cũng là ngày mẹ anh nằm co ro nơi một góc tối tăm ở chợ mà khóc.

«

“Kìa, chú Sáu đến đấy ư? Chú vào thăm tôi à? Tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa. Sao chú lại khóc? Chú tưởng tôi không biết hay sao mà cúi xuống mở giày cho tôi. Chú giống tôi quá, cứ hở ra là khóc. Chú làm tôi não ruột. Đời người như chiếc lá bay. Mà sao dạo này chú cũng gầy thế nhỉ! Tôi còn nhớ, khi mời chú ăn thôi nôi con trai, chú đã mắng tôi té tát! Lúc ấy chú say nhưng quả là mẹ tôi còn nằm ở xó chợ mà tôi lại mừng con tôi to thế kia, chú mắng là phải. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Bây giờ con tôi lại cũng hững hờ với tôi. Còn vợ tôi thì tôi biết, nó có mong gì tôi khỏe, nó chỉ chăm chăm cái túi tiền thôi. Kìa, chú đừng có nhìn tôi như thế; tôi không nói được với chú đâu; tôi cứng miệng rồi; tôi cũng chả biết mình bị thế này từ bao lâu cả! Tôi sắp về với ba tôi mà chịu lỗi với ổng rồi. Chú đừng có kéo áo mà khóc hoài như vậy nữa. Tôi biết tôi và chú dù không cùng cha mẹ sinh ra nhưng cũng là anh em họ một thời thân ái…”.

Bác sĩ yêu cầu người nhà bệnh nhân nhanh chóng quyết định để ca mổ được tiến hành. Lần này chẩn đoán có vẻ chắc chắn hơn, nếu mổ thì khả năng sống cũng không bao nhiêu mà không mổ thì cầm chắc cái chết. Người nhà và họ hàng nhìn nhau băn khoăn. Nhưng băn khoăn hơn cả là vợ anh. Chị đang miên man trong giấc ngủ bỗng bị kêu dậy, chị hoàn hồn và cay đắng chấp nhận sự thật, chị phải tiếp tục đối mặt với nó. “Chị quyết định thế nào?”- vị bác sĩ hỏi lại, phá tan không gian nặng nề bao trùm. “Tôi đồng ý!”- tiếng chú Sáu vang lên làm mọi người ngỡ ngàng. Bác sĩ nhìn vào đôi mắt đỏ hoe của chú Sáu: “Anh là gì của bệnh nhân?”, “Tôi là em”. Liệu chú Sáu có gánh nổi không khi quyết định một việc vô cùng hệ trọng như vậy, một con người, cả một đống tiền, nhỡ không may ca mổ không thành công thì ai đây, ai là người chịu trách nhiệm. Giờ phút này đây đối với chú Sáu không còn quan trọng ở trách nhiệm, mà đó là tình thương - tình thương với người anh em thời nối khố. Thế là chú Sáu quyết định. Nhanh chóng, ca mổ được tiến hành. Mọi người lặng im ngồi một chỗ. Chị vợ không nói lời nào nhưng quái lạ, giờ đây chị lại không ngủ thiếp đi được nữa, lòng chị cũng nao nao khó tả. Chị đang mừng thầm trong bụng, nhưng cũng ngạc nhiên tại sao có người lại mang gánh nặng ấy giùm cho mình… Chị nghĩ hoài không ra bởi bấy lâu nay gia đình chú Sáu có mắc nợ gì gia đình chị cho cam mà giờ đây phải trả nợ. Chị càng thắc mắc hơn khi chú ấy lại dứt khoát cứu chồng chị đến thế!

«

“Lúc vào đây, tôi thấy thương cho anh nhiều lắm. Anh hấp hối thế kia mà bọn chúng chẳng buồn thương. Tôi nói thật, có vợ như vợ anh cũng bằng không. Mà thôi, anh đừng buồn, tôi thương thì tôi khóc thế thôi, chứ không phải là do bệnh anh khó chữa. Tôi đã nói chuyện với bác sĩ rồi, họ sẽ cố hết sức cứu sống anh. Anh tin tôi đi, không sao đâu mà. Ấy, chân anh làm sao thế này, anh mỏi chân à, thôi, đừng có cử động, anh không nhấc lên được đâu, để tôi bóp chân cho anh, khổ, chân với cẳng sao mà lại… Đừng lo nhé, không sao thật mà. Thôi, để tôi ôm anh cho anh tin nhé, tôi có nói sai bao giờ…”.

«

Thế rồi anh vào phòng mổ. Một tiếng. Hai tiếng…

Chú Sáu đi ra ngoài hút thuốc, khói thuốc lan rộng, dày đặc như những nỗi niềm. Chẳng thể nào quên được hình ảnh ấy, lúc người ta đưa anh đi, gần nhau gang tấc mà như xa vời vợi. Nói là nói cho anh an lòng thế chứ có biết đâu lỡ như đây là lần gặp cuối cùng…  

Đời người cũng có những phút cuối như thế, những phút cuối chia lìa thật xót xa. Nhưng may mà anh không chết, anh vẫn còn ở đây, sống qua những cơn đau dữ dội của cuộc mổ. Anh còn nợ nhiều lắm, những ân tình, anh cần làm một điều gì đó để sửa lỗi với mẹ anh, với chú Sáu.

Anh mở mắt sau cơn mê dài, anh cảm nhận được đôi tay nhăn nheo, già nua đang lần mò trên gương mặt anh, anh ứa nước mắt khi biết đó chính là người mà anh đã bội bạc bao nhiêu năm trời. Và bên cạnh là vợ con anh, họ hàng. Nhưng anh không nhầm lẫn vào đâu được cái dáng người nhỏ nhắn của chú Sáu. Anh máy môi nhưng vẫn chẳng nói được gì!

  • M.Đ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tháp cổ mùa nắng vàng  (10/03/2012)
Nhiệt huyết Lê Trọng Nghĩa  (10/03/2012)
Vọng mãi tiếng kèn, tiếng nhị  (08/03/2012)
Sôi nổi, nhiều màu sắc  (07/03/2012)
Hát ru - tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ  (07/03/2012)
Thông qua quy hoạch di tích chùa Ông Nhiêu  (07/03/2012)
Bộ VH-TT-DL đề nghị xếp hạng 13 di tích quốc gia đặc biệt  (06/03/2012)
Phát huy tinh thần đoàn kết, thương yêu, đưa văn học - nghệ thuật tỉnh nhà phát triển  (05/03/2012)
Ông Nguyễn An Pha được bầu làm Chủ tịch Hội  (07/03/2012)
Cô gái Giẻ Triêng hát tuồng  (04/03/2012)
Dưới dàn bông huỳnh anh  (04/03/2012)
Thắp tình yêu đàn tranh  (03/03/2012)
12 phim truyện điện ảnh tranh giải Cánh diều 2011  (02/03/2012)
Rộng nhưng chưa sâu  (01/03/2012)
Nội lực ở một đoàn tuồng không chuyên  (01/03/2012)