Dưới thời Nguyễn, để phục vụ cho vương triều của mình, nhà Nguyễn đã tổ chức các trường thi võ chọn nhân tài, đào tạo quan lại, võ tướng phục vụ cho bộ máy cai trị từ Trung ương đến địa phương…
Quy định về việc thi Hương võ được vua Minh Mệnh đề ra đầu tiên; sau đó, tiếp tục được bổ sung vào thời vua Thiệu Trị và vua Tự Đức. Năm 1837, vua Minh Mệnh cho mở khoa thi Hương võ và khoa thi Hội võ với những quy định khá chặt chẽ; định lệ lấy các năm Dần, Tỵ, Thân, Hợi thì mở khoa thi Hương võ; lấy các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu mở khoa thi Hội võ. Đến thời vua Thiệu Trị, lại quy định lấy các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu làm khoa thi Hương võ; các năm Sửu, Thìn, Mùi, Tuất làm khoa thi Hội võ và đều được cử hành sau khi việc thi trường văn xong. Năm 1867, do yêu cầu cấp thiết đào tạo võ tướng, vua Tự Đức cho mở thêm một trường thi võ tại Bình Định; cùng Huế, Hà Nội, Thanh Hóa trở thành 4 nơi thi Hương võ.
|
Võ “vườn” được hình thành từ cách tồn tại ẩn danh của võ Bình Định dưới triều Nguyễn.
- Trong ảnh: Cha con võ sư miệt vườn Hồ Sừng, Hồ Sỹ đang tập luyện. Ảnh: S.L |
Để có người dự các kỳ thi võ, nhà Nguyễn tổ chức các trường luyện tập võ để tập hợp các võ cử, võ sinh của các tỉnh. Hiện nay, ở Bình Định, vẫn còn di tích trường luyện tập võ tại xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn. Trường được xây quanh bằng đá ong, rộng 193 trượng, cao 4 thước 5 tấc. Nhiều võ sinh, võ cử ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận được tuyển chọn về đây luyện tập để dự các kỳ thi.
Theo tác giả Nguyễn Thúy Nga (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) trong tài liệu “Về nguồn tài liệu đăng khoa lục cử võ” (Thông báo Hán Nôm học năm 1996, Nxb Khoa học xã hội, H.1997), số lượng người đỗ đạt trong các kỳ thi võ dưới thời Nguyễn lên đến hàng trăm người, chỉ riêng hai khóa năm 1865 và năm 1868 (dưới thời Tự Đức) đã có tới 33 người.
Theo một tấm bia tiến sĩ võ dưới thời Tự Đức hiện còn ở Võ miếu (Huế), trong danh sách 8 vị tiến sĩ võ đỗ trong khoa Mậu Thìn (năm 1868) và Kỷ Tỵ (năm 1869), có hai người Bình Định. Người thứ nhất là Nguyễn Văn Tứ (thôn Trung Hậu, tổng Nhơn An, huyện An Nhơn) sinh năm Đinh Sửu (1817). Năm Giáp Tý (1864), ông thi đỗ cử nhân võ. Năm Mậu Thìn (1868), ông vào Võ học đường để ôn thi, đỗ hạng thứ trúng cách xếp thứ năm; sau đó, vào thi Đình, được xếp thứ nhì, hạng võ tiến sĩ đệ tam giáp. Người thứ hai là Đặng Đức Tuấn (thôn An Lạc, tổng Trung Bình, huyện Phù Mỹ) sinh năm Giáp Ngọ (1834). Năm Giáp Tý (1864), ông thi đỗ Cử nhân võ lúc 31 tuổi, được vào học võ ở Võ học đường. Năm Kỷ Tỵ (1869), ông dự Hội thí, đỗ đầu hạng trúng cách; vào thi Đình, ông đỗ đình nguyên.
Dưới thời Nguyễn, do xã hội không ổn định, khởi nghĩa nông dân thường xuyên diễn ra, rồi nạn thổ phỉ, cướp bóc hoành hành, nên việc tuyển chọn võ quan rất được coi trọng. Thời Tự Đức năm thứ 16-18 (từ năm 1863-1865) còn định lệ bổ quan cho võ tiến sĩ và phó bảng. Sau khi vua Tự Đức mất, triều đình lập, phế vua luôn, nên việc luyện võ ở các trường bị xao nhãng. Tháng giêng năm Giáp Thân (1884), triều đình Huế ra lệnh “bãi bỏ những võ cử, võ sinh ở các tỉnh Bình, Nam, Ngãi, Hà Tĩnh, cho về quê…”. Từ đó, việc luyện tập cũng như kén chọn người giỏi võ thuật của triều đình Huế không thực hiện được nữa.
Một hiện tượng đáng chú ý là, để tránh những con mắt nhòm ngó của nhà Nguyễn, một bộ phận võ Bình Định giới hạn hoạt động trong phạm vi gia đình. Những người dạy và học võ đều phải tập luyện kín đáo trong rừng, trong vườn, nên còn được gọi là võ “vườn”. Nhưng càng bị dồn nén, truyền thống võ Bình Định lại càng âm ỉ, chờ thời cơ để bùng lên. Nhiều anh hùng, võ sĩ, sĩ phu yêu nước, võ sư người Bình Định tham gia lãnh đạo các phong trào Cần Vương, Duy Tân, Đông Du… sau này. Một số võ sư Bình Định khác di cư vào Nam, làm nên sự phát triển võ Bình Định khá mạnh nơi đây. Cũng thời kỳ này, thông qua quan hệ thương mại giữa nhà Nguyễn và Trung Quốc, võ dân tộc có điều kiện giao lưu với võ thuật Trung Hoa, đặc biệt là dòng võ Thiếu Lâm Tự.
(Bảo tàng Tổng hợp Bình Định)
|