Di sản văn hóa ở thị xã An Nhơn:
Bảo tồn và phát huy còn khó khăn
20:27', 14/3/ 2012 (GMT+7)

Di sản văn hóa trên địa bàn thị xã An Nhơn khá đa dạng, phong phú, với nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị cao. Những năm qua, dù đã có những cố gắng nhưng công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở đây vẫn còn khó khăn. 

Thị xã An Nhơn hiện có 16 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 9 di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên, phần lớn các di tích này đều ở dạng phế tích hoặc có nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng. Trên địa bàn thị xã còn có 24 làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, nhiều làng nghề nổi tiếng như làng rượu Bàu Đá, làng đúc đồng, làng gốm, làng nón… tạo nên nét đặc trưng văn hóa làng nghề của địa phương.

 

                                      Một góc thành Hoàng Đế. Ảnh: VĂN LƯU

Thị xã An Nhơn còn có nhiều lễ hội dân gian; 3 đoàn tuồng không chuyên đang hoạt động; nhiều làn điệu hát ru, hò đối đáp, bài chòi được nhân dân gìn giữ. Võ cổ truyền cũng là di sản văn hóa nổi bật của thị xã với 17 cơ sở dạy võ cổ truyền đang hoạt động.

Ông Phạm Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, cho biết: “Những năm qua, thị xã đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng; trùng tu, tôn tạo một số di tích, phát triển làng nghề; gìn giữ các di sản văn hóa phi vật thể; đẩy mạnh tuyên truyền về gìn giữ di sản văn hóa… Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên việc trùng tu, tôn tạo các di tích còn gặp nhiều khó khăn; việc nghiên cứu, sưu tầm các di sản văn hóa phi vật thể và phát triển các làng nghề truyền thống còn nhiều bất cập; chưa khai thác được tiềm năng to lớn của di sản văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. 

Những khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nói trên xuất phát từ việc các di tích lịch sử - văn hóa phần lớn là phế tích, khu vực bảo vệ khá rộng; một số di tích ở trên núi cao, khó đi lại; có di tích xuống cấp trầm trọng chưa được khoanh vùng bảo vệ… nên chưa khai thác được giá trị di tích để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Các làng nghề truyền thống tuy đã được duy trì, phát triển nhưng quy mô còn nhỏ, sức cạnh tranh trên thị trường yếu. Các di sản văn hóa phi vật thể chưa được quan tâm nghiên cứu, gìn giữ, nên một số loại hình có nguy cơ mai một. Một số lễ hội còn đơn điệu, chưa thu hút đông đảo người dân tham gia.

Trước thực trạng này, UBND thị xã An Nhơn đã ban hành Đề án phát triển văn hóa, văn nghệ, TDTT giai đoạn 2011-2015. Đề án chú trọng thực hiện tốt công tác kiểm kê các di sản trên địa bàn một cách khoa học và có hệ thống, nhằm xác định giá trị và sức sống của di sản văn hóa trong cộng đồng. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án bảo tồn và phát huy di sản một cách có hiệu quả. Hàng năm, thị xã An Nhơn phân phối ngân sách để thực hiện việc quy hoạch, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, cắm cột mốc khoanh vùng bảo vệ di tích, hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống.

Ông Phạm Văn Trung đề nghị:  “UBND tỉnh có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn cho thị xã An Nhơn thu hút các nhà đầu tư kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa, dịch vụ văn hóa và phát triển các làng nghề truyền thống. Đồng thời, sớm có quy hoạch chi tiết vòng 2 thành Hoàng Đế; khai quật khảo cổ các di tích lò gốm Cây me, lò gốm Gò Sành, thành Cha… để làm cơ sở bảo vệ và phát huy giá trị. Tháp Mẫm đã được khai quật năm 2011 với nhiều phát hiện có giá trị, đề nghị sớm có hỗ trợ cụ thể để bảo vệ, khai thác giá trị di tích. Sở VH-TT&DL hỗ trợ thị xã tiến hành khôi phục Lễ hội Đổ giàn…”.

  • MAI THƯ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nâng cao chất lượng, làm mới nội dung chương trình các sự kiện lớn…  (14/03/2012)
Chi tiền tỷ cho dự án bảo tồn di sản dân ca quan họ  (13/03/2012)
Đôi nét về võ Bình Định dưới triều Nguyễn  (12/03/2012)
Những bức ảnh tình người  (12/03/2012)
Tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động   (12/03/2012)
Quà của má  (10/03/2012)
Người ham chơi!  (10/03/2012)
Hoạt động kỷ niệm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam  (10/03/2012)
Tình  (10/03/2012)
Tháp cổ mùa nắng vàng  (10/03/2012)
Nhiệt huyết Lê Trọng Nghĩa  (10/03/2012)
Vọng mãi tiếng kèn, tiếng nhị  (08/03/2012)
Sôi nổi, nhiều màu sắc  (07/03/2012)
Hát ru - tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ  (07/03/2012)
Thông qua quy hoạch di tích chùa Ông Nhiêu  (07/03/2012)