* Truyện ngắn của NGUYỄN QUANG QUÂN (Tuy Phước)
1.
Ngôi biệt thự ba tầng nguy nga kiến trúc theo lối châu Âu hiện đại, tọa lạc trong một khuôn viên rộng lớn, mặt tiền khoảng trăm mét tiếp giáp với đại lộ phía nam thành phố. Phía sau là khu vườn rộng cả ngàn mét vuông vừa là những cây cao đã ra dáng cổ thụ vừa là những chậu cây cảnh với đủ loại quý hiếm. Nơi góc vườn, có một căn nhà nhỏ hai phòng, xây thô sơ, lợp tôn. Một phòng là kho chứa đồ phế thải, một phòng làm nơi ở cho người làm vườn. Sáng nào cũng vậy, bốn giờ ông Phong thức dậy, cắm ấm điện nấu nước sôi pha trà, ngồi nhẩn nha uống một mình. Năm giờ, ông bắt đầu lấy chổi đi quét những lối đi trong vườn, sau đó là tưới cây. Công việc của ông là quét dọn, chăm sóc tỉa tót cây cảnh của khu vườn này.
Cách đây vài tháng, ông Phong rời quê hương, vào thành phố với ý định kiếm việc làm. Mượn chiếc xe đạp của người quen, ông đạp tà tà dạo quanh khu phố. Đi qua ngôi biệt thự hoành tráng này, ông để ý ngắm nhìn, tình cờ thấy một tấm bảng nhỏ treo nơi cánh cửa cổng: “Nơi đây cần một người làm vườn”, ông nhíu mày suy nghĩ trong thoáng chốc, và quyết định vào nhà xin việc. Chủ nhà là một trung niên trạc khoảng 50, lạnh lùng chỉ ghế bảo ông ngồi nói chuyện. Ông trình bày rất thực về hoàn cảnh của mình, và đưa cả giấy tờ tùy thân cho người chủ xem. Thấy ông vốn là một viên chức hưu trí, còn sức khỏe, dáng vẻ sạch sẽ lanh lợi, có kiến thức về cây cảnh, người chủ quyết định nhận ông vào làm, với mức lương ban đầu là ba triệu đồng; cơm nước và chỗ ở, nhà chủ lo. Ông chủ dẫn ông Phong ra thăm vườn cây, chỉ phòng ở, nói rõ công việc và cung cách sinh hoạt. Nhìn khu vườn, ông Phong thấy thích quá! Ở quê, ông cũng có mảnh sân nhỏ, trồng chơi năm bảy chậu cây cảnh. Ông còn sức, làm thêm, có chỗ ở, cơm ăn nước uống, công việc cũng nhẹ nhàng, cũng giống như chăm sóc khu vườn nhỏ ở nhà, lại có thu nhập hằng tháng để dành.
Ông chủ là dân kinh doanh, không mấy khi ăn cơm nhà. Bà chủ thường ở nhà; chuyện cơm nước dọn dẹp, có người giúp việc lo. Bà chủ còn khá trẻ, có vẻ đẹp kiêu sa, lồ lộ bên ngoài. Bà có vẻ hách lắm, thể hiện trong lối nói, la mắng người làm. Ông cũng là người giúp việc, nhưng được cái sống riêng, với công việc và phạm vi trách nhiệm rõ ràng, không bị ràng buộc về giờ giấc. Cơm nước thì ngày hai bữa ông gửi chiếc cà mèn nơi bếp; cô giúp việc để sẵn cơm và thức ăn vào đấy, đến giờ, ông đến lấy, đem về phòng ăn, dọn rửa một mình. Vài lần gặp, ông thấy sao bà có vẻ quen quen! Tra vấn ký ức, bỗng nhiên ông chợt nhớ lại một chuyện cách đây đã lâu lắm rồi, dễ đến gần hai mươi năm rồi thì phải?
2.
Ông vào thành phố thăm chơi mấy người bạn thân từ thời trung học, rồi cùng vào đại học. Học xong, họ ở lại thành phố làm việc và bây giờ rất thành đạt và gia đình khá giàu sang. Gặp nhau vui lắm, nhậu nhẹt lu bù. Hôm ấy, một người bạn được tiếng đại gia, có salon buôn bán ô tô, chiêu đãi tại khách sạn. Say rồi, họ bố trí cho ông một phòng nghỉ ở đó. Ông đang mơ màng lơ mơ sắp ngủ, thì có tiếng gõ cửa và một cô gái xin vào. Vừa bước vào phòng, cô gái đã bước đến ngồi ghế, nói bạn anh bảo cô đến với anh đêm nay. Ông rất ngạc nhiên, dù mấy người bạn đã có những tín hiệu báo trước, nhưng ông tưởng họ chỉ nói cho vui. Ông im lặng ngắm nhìn: cô gái trạc tuổi đôi mươi, dáng dấp thanh mảnh, khuôn mặt xinh xắn. Cô nhìn ông mỉm cười, hỏi: “Anh đã tắm chưa? Em đi tắm đây!”. Rất tự nhiên, cô trút bỏ bộ đồ mặc trên người, bước vào phòng tắm. Khi bước ra, cô quấn nhẹ chiếc khăn tắm trên thân hình trẻ trung, cân đối. Cô đến ngồi bên ông. Nhìn khuôn mặt xinh xắn còn non trẻ của cô, tự nhiên ông thấy xót xa. Nó chỉ đáng tuổi con cháu của mình! Ông nhẹ nhàng bảo: “Tôi không có nhu cầu, cô mặc quần áo lại đi, chúng ta chỉ nói chuyện cho vui!”. Qua câu chuyện, cô gái bảo là người ở quê, lên thành phố học, bị sa ngã một lần, khó khăn quá thỉnh thoảng phải làm thêm chuyện này, nhưng chỉ với các đại gia trả giá cao thôi. Không biết cô ấy nói thật, hay dựng chuyện, diễn vở đau thương như bao cô gái khác khi sa chân vào vũng lầy. Dù sao, nhìn vẻ mặt có chút thơ ngây, buồn buồn của cô, ông cố tin đó là sự thật và đã thành thực khuyên cô nên từ bỏ việc làm này, tìm một công việc gì lương thiện làm thêm, ráng học đi để sau này có một tương lai tốt đẹp. Hôm đó họ nói chuyện thân mật với nhau như anh em. Cô gái có vẻ cảm động lắm. Nửa giờ sau cô ra về, sau khi nhận thêm chút tiền nhỏ ông cho, ngoài số tiền cả triệu đồng bạn ông trả trước. Ông không biết những bước tiếp theo trong cuộc đời cô thế nào, nhưng dù sao ông cũng thấy hôm ấy mình làm thế là đúng, và tránh được một hành vi có tội, nhất là đối với vợ. Đến nay ông vẫn nhớ thân hình khá đẹp ấy với một vết chàm hằn rõ trên ngực trái của cô. Phải rồi, bà chủ này có những nét gợi nhớ cô gái đã gặp năm xưa.
3.
Một hôm, không biết cô bé người làm đã sai chuyện gì, bị bà la hét, chửi mắng, cô gái chạy ra ngồi bệt ở gốc cây ngoài vườn, ôm mặt khóc. Ông lại gần hỏi chuyện. Cô gái chùi nước mắt, trả lời trong tiếng nấc: “Dạ, có gì đâu! Cháu đi chợ mua trúng con cá không được tươi, bà không ưng ý nên bị mắng vậy thôi! Nhưng bà nói ác khẩu quá! Nhiều lần như vậy! Nếu mẹ cháu không bị ốm đau kéo dài, chắc cháu đã nghỉ việc rồi, bác ạ!”.
Ông định an ủi vài câu, nhưng bà chủ đã đi ra tận nơi, đứng chống nạnh hét bảo: “Còn không vào dọn dẹp, chuẩn bị cơm nước đấy à? Khóc lóc cái gì? Ngữ mày đi ở cũng không xong, sảy nhà này, chỉ còn nước đứng đường, làm đĩ mà thôi!”. Khi bà cúi xuống kéo tay cô gái, chiếc áo cổ rộng trệ xuống, rất tình cờ từ trên nhìn xuống, ông Phong thấy cả bộ ngực trần nây nẩy, với một vết chàm in dấu trên ngực trái. Ông sửng sốt, chuyển nhanh cái nhìn vào khuôn mặt quen thuộc của bà chủ đang rất gần và buột miệng kêu nho nhỏ: “Trời ơi!”.
|