"Mùi cỏ cháy" đại thắng tại Cánh diều Vàng 2011
15:51', 18/3/ 2012 (GMT+7)

Một cảnh trong "Mùi cỏ cháy" (Nguồn ảnh: Đoàn làm phim cung cấp)

"Mùi cỏ cháy" đã đại thắng tại Lễ trao giải Cánh diều Vàng 2011 tối nay ngày 17.3 với bốn Diều vàng cho: phim điện ảnh xuất sắc, âm nhạc xuất sắc (nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân), biên kịch xuất sắc (Hoàng Nhuận Cầm) và quay phim xuất sắc nhất (NSƯT Phạm Thanh Hà).

Phim mở ra với câu chuyện về bốn chàng trai Hoàng-Thành-Thăng-Long đang ngồi trên ghế giảng đường đại học theo lệnh tổng động viên, ngày 6/9/1971, bốn chàng sinh viên cùng hàng nghìn bạn bè đồng trang lứa đã lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị.


Bộ phim bi tráng nhưng đậm chất thơ đã gây nhiều xúc động cho người xem khi nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm lấy nguyên mẫu liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc vào nhân vật Thăng, còn Hoàng mang hình ảnh của ông.


“Mùi cỏ cháy” với cao trào là đoạn phim tái hiện sự ác liệt trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Bom nổ liên tục, những đoàn quân vẫn lần lượt vượt sông Thạch Hãn sang bảo vệ thành cổ. Đoàn quân có 107 chiến sĩ thì lúc sang đến bờ bên kia chỉ còn lại 49. Các chiến sĩ vượt sông bên cạnh xác những đồng đội hy sinh trôi theo dòng nước…


Phim truyện điện ảnh "Long ruồi" về nhì với ba Diều vàng cho các hạng mục: đạo diễn xuất sắc (Charly Nguyễn), nữ diễn viên phụ xuất sắc (Tina Tình) và nam diễn viên chính xuất sắc (Thái Hòa).


Có lẽ, bất ngờ nhất ở hạng mục nữ diễn viên chính xuất sắc nhất phim truyện điện ảnh khi Cánh diều Vàng đã thuộc về Quỳnh Hoa (vai Kim) trong “Sài Gòn Yo!” Trước đó, diễn xuất của cô không mấy gây ấn tượng với công chúng.


Chàng diễn viên rất có duyên với màn ảnh Hiếu Hiền đã giành được Cánh diều cho hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc thể loại phim điện ảnh với vai chàng câm trong phim "Hotboy nổi loạn, thằng cười, cô gái điếm và con vịt.”...


Lễ trao giải năm nay diễn ra đúng như những chia sẻ của đạo diễn chương trình Trịnh Lê Văn, rằng để khống chế thời gian của chương trình, không tạo cảm giác dàn trải, sẽ chỉ có những giải thưởng cao nhất (Cánh diều Vàng hoặc Cánh diều Bạc, trong trường hợp không có giải vàng) được xướng tên. Ngoài ra, thay vì trao giải cho các cá nhân, tác phẩm một cách riêng rẽ, năm nay giải thưởng được trao theo từng hạng mục phim tranh giải.


Quả thực, với một Lễ trao giải có quy mô cấp “hội” như Cánh diều Vàng, những thiết kế về sân khấu, ánh sáng, các tiết mục nghệ thuật… dường như được “tiết chế” tối đa. Sự giản dị này trước đó được đạo diễn Trịnh Lê Văn lý giải do sự hạn hẹp về kinh phí tổ chức của Hội Điện ảnh.


Nhìn chung, Lễ trao giải Cánh diều năm nay tuy đã bớt… lê thê nhưng cũng không tạo được điểm nhấn nào ấn tượng dù không khí của chương trình cũng đã “mềm mại” hơn nhờ một số tác phẩm âm nhạc được chọn từ 11 phim truyện dự giải được dàn dựng trình diễn trên sân khấu như âm nhạc phim "Mùi cỏ cháy," "Bí mật của eva"


Với sự áp đảo về số lượng phim tư nhân (10 phim) so với phim Nhà nước (02 phim) ở mùa giải năm nay, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải nhận định rằng, trong bối cảnh khó khăn về tài chính của ngành Điện ảnh Việt Nam thì sự góp mặt của các hãng phim tư nhân và các đạo diễn Việt kiều thực sự đã tạo nên một luồng sinh khí mới, diện mạo mới cho nền điện ảnh trong nước.


Và, ông Hải cũng không quên bày tỏ kỳ vọng, sự góp sức của các hãng phim tư nhân, các đạo diễn Việt kiều với Hội Điện ảnh sẽ cùng đưa ngành công nghiệp điện ảnh Việt cất cánh trong tương lai.


Lễ trao giải Cánh diều Vàng cho tác phẩm và người làm phim điện ảnh, truyền hình xuất sắc năm 2011 còn trao cho các thể loại: công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh; phim khoa học, tài liệu điện ảnh-truyền hình; phim hoạt hình; phim ngắn; phim truyền hình.

 

. Theo Vietnam+

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vết chàm  (18/03/2012)
Dấn thân trên những miền sáng tạo  (17/03/2012)
Hội Nhà báo Bình Định đoạt 2 giải cao  (17/03/2012)
Cánh diều Vàng: Đừng kỳ vọng về sự ấn tượng  (17/03/2012)
Đặt bia đá tại di tích Văn chỉ Hoài Ân  (16/03/2012)
Cần được quan tâm hơn  (15/03/2012)
Việt Nam có thêm kênh truyền hình Đài Tiếng nói   (15/03/2012)
Bảo tồn và phát huy còn khó khăn  (14/03/2012)
Nâng cao chất lượng, làm mới nội dung chương trình các sự kiện lớn…  (14/03/2012)
Chi tiền tỷ cho dự án bảo tồn di sản dân ca quan họ  (13/03/2012)
Đôi nét về võ Bình Định dưới triều Nguyễn  (12/03/2012)
Những bức ảnh tình người  (12/03/2012)
Tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động   (12/03/2012)
Quà của má  (10/03/2012)
Người ham chơi!  (10/03/2012)