Năm 2009, huyện Tuy Phước triển khai Đề án 02 về củng cố và phát triển ngành truyền thanh. Xuất phát từ yêu cầu tăng cường thông tin về cơ sở và thực trạng hoạt động kém hiệu quả của hệ thống đài truyền thanh cơ sở, Đề án 02 hướng tới hai mục tiêu: Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và nâng cao năng lực hoạt động của cán bộ các đài truyền thanh cơ sở.
Theo Đề án 02, xã Phước Hiệp được huyện hỗ trợ 60 triệu đồng cùng với ngân sách xã đã đầu tư mua 1 máy phát sóng công suất 100W, 25 cụm thu, 50 loa phóng thanh, máy tính, máy thu thanh kỹ thuật số… để thay thế toàn bộ hệ thống truyền thanh hữu tuyến bằng hệ thống phát - truyền thanh vô tuyến. Ông Võ Văn Quý, Trưởng Đài Truyền thanh xã Phước Hiệp, cho biết: “Trước đây chúng tôi sử dụng hệ thống truyền thanh hữu tuyến, hiệu quả tuyên truyền rất thấp. Sau khi thực hiện Đề án 02, Đài Truyền thanh xã được lắp đặt hệ thống phát vô tuyến, hiệu quả được nâng cao rõ rệt, đáp ứng 95% đối tượng bạn nghe đài”.
|
Nhân viên Đài Truyền thanh xã Phước Hiệp đang thu chương trình phát sóng. |
Từ ngân sách của huyện kết hợp với ngân sách xã gần 1,8 tỉ đồng, đến nay, 13/13 đài truyền thanh xã ở Tuy Phước đã sử dụng hệ thống vô tuyến. Trong đó, các xã Phước Sơn, Phước An, Phước Quang, Phước Lộc và thị trấn Tuy Phước không thuộc diện hỗ trợ đầu tư của huyện đã tự đầu tư hơn 200 triệu đồng để nâng cấp trang thiết bị.
Việc đầu tư đã mang lại hiệu quả truyền, phát thanh trong thực tế ở các khâu mở rộng diện phủ sóng, chất lượng sóng phát, chất lượng sản xuất chương trình và điều kiện tác nghiệp, nhất là với các xã được đầu tư để chuyển từ hệ thống truyền thanh hữu tuyến sang phát sóng FM. Đến nay, Tuy Phước đã có 6 xã có tỉ lệ người dân nghe đài từ 90% trở lên, trong đó, cao nhất là Phước Hòa với 98%.
Đề án 02 còn đặt mục tiêu phát triển đội ngũ kỹ thuật viên, biên tập viên. Đài Truyền thanh huyện đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ ngắn ngày về biên tập và kỹ thuật cho cán bộ đài cơ sở. Việc đào tạo trình độ sơ cấp nghiệp vụ và trình độ cao hơn nữa chưa thể thực hiện được vì hiện trong tỉnh chưa có cơ sở đào tạo nghiệp vụ, còn gởi đào tạo ở ngoài tỉnh thì không kham nổi kinh phí. Vì thế, trình độ nghiệp vụ của hầu hết cán bộ đài truyền thanh cơ sở không đạt yêu cầu. Trong khi đó, chế độ chính sách đối với đội ngũ này rất thấp, các chế độ khác như bảo hiểm y tế (chỉ trưởng đài được hỗ trợ), bảo hiểm xã hội, chế độ trực ngoài giờ hành chính… đều không có. Những bất cập đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Vì thế, đầu tư hoàn chỉnh cơ sở vật chất, trang thiết bị và thực hiện chính sách đào tạo, đãi ngộ ở mức hợp lý, phát huy tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ đài truyền thanh cơ sở là những vấn đề đặt ra hiện nay để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động truyền, phát thông tin ở cơ sở.
|