Hồ Việt Quốc là một cán bộ văn hóa cơ sở đa năng. Dù ở sở trường là biên đạo múa, viết kịch bản, dàn dựng tiểu phẩm kịch tuyên truyền, hay “lấn sân” sang nhiếp ảnh nghệ thuật, anh đều cống hiến hết mình bằng ngọn lửa đam mê và đã gặt hái những thành công nhất định.
|
Hồ Việt Quốc
|
“Cách mạng cho tôi mạch nguồn nghệ thuật”
Tròn 40 năm trước, Hồ Việt Quốc - khi ấy 9 tuổi - đã rất thích thú khi được xem Đoàn Văn công Quân khu V biểu diễn tại làng Bình Hòa, xã Ân Hảo, huyện Hoài Ân. “Trong khoảng hơn một tháng, tôi tìm cách gần gũi với các thành viên trong đoàn để được học múa, học hát dân ca, hô bài chòi. Sau đó, tôi tham gia đội văn nghệ xã Ân Hảo đi biểu diễn phục vụ bà con vùng giải phóng trong huyện và bộ đội. Cách mạng đã cho tôi mạch nguồn nghệ thuật, để rồi cái chất nghệ sĩ trong tôi nảy nở, ngấm dần theo năm tháng”, Việt Quốc tâm sự.
Năm 1976, Việt Quốc theo học lớp sơ cấp nghệ thuật múa của Trường nghiệp vụ văn hóa thông tin tỉnh Nghĩa Bình. Năm 1979, anh được Ty Công an tỉnh Nghĩa Bình tuyển dụng vào công tác ở Phòng công tác chính trị, tham gia làm diễn viên ca, múa, nhạc, kịch. Anh đã thể hiện được tài năng trong Hội diễn ngành Công an toàn quốc năm 1980, khi đoạt huy chương Vàng tiết mục tự biên tự diễn dân ca bài chòi Hạt lúa nghĩa tình. Vài năm sau, điều kiện gia đình khó khăn nên Việt Quốc xin chuyển về Phòng Văn hóa- Thông tin huyện An Lão. Anh mê sưu tầm, khai thác chất liệu nhạc dân ca, điệu dân vũ của đồng bào dân tộc Hrê ở huyện An Lão để sáng tác nhiều tác phẩm múa và đạt giải cao trong các hội diễn văn nghệ quần chúng cấp tỉnh và khu vực miền Trung.
|
Một tác phẩm múa do Việt Quốc dàn dựng.
|
Từ năm 1990 đến nay, Việt Quốc công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Hoài Ân. Anh có nhiều đóng góp cho việc phát triển phong trào văn nghệ quần chúng không chỉ ở huyện Hoài Ân, mà còn ở các địa phương khác qua những lần được mời đi dàn dựng. Anh mê sáng tạo múa từ chất liệu văn hóa dân gian trong lao động, sinh hoạt, lễ hội, tín ngưỡng… Ví như tác phẩm Giữ mãi tiếng khèn, anh khai thác âm nhạc truyền thống của đồng bào dân tộc, đề cao hình ảnh người chiến sĩ công an chiến đấu quyết liệt trên mặt trận chống ma túy ở biên giới phía Bắc, đã đoạt huy chương Vàng Hội diễn nghệ thuật quần chúng ngành Công an toàn quốc năm 1999. Hay một số tác phẩm thành công khác của Việt Quốc như múa Ra khơi đạt giải A, múa Điểm hẹn đạt huy chương Vàng trong các hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc và nhiều tiết mục đạt giải thưởng trong các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng cấp tỉnh.
Đam mê và cống hiến
Thời kì bao cấp khó khăn, Việt Quốc đã biết tận dụng năng khiếu hội họa để vẽ truyền thần, vẽ tranh, sao chép tranh kiếm tiền vừa chữa bệnh cho người thân, vừa tích lũy được một khoản kha khá cưới vợ. Sau đó, anh quyết tâm đi học lớp văn hóa quần chúng chuyên ngành âm nhạc, múa và sân khấu ở Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Nghĩa Bình để thỏa đam mê và cống hiến.
Sự đa năng đã giúp Hồ Việt Quốc viết, hoặc chuyển thể từ nói sang hát, rồi truyền đạt cho lớp diễn viên quần chúng để dàn dựng những tiểu phẩm hay, lên án những vấn đề tiêu cực, hướng về xây dựng cuộc sống tốt đẹp như: Đảng cho ta niềm tin đạt giải A Hội thi đưa thông tin về cơ sở tỉnh năm 2006; kịch hát dân ca Niềm vui người công nhân đạt giải A Hội diễn nghệ thuật công nhân, viên chức, lao động tỉnh năm 2007…
|
Tác phẩm Vọng ngàn của Việt Quốc đạt giải Khuyến khích Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Bình Định năm 2010.
|
Việt Quốc cũng không ngừng bồi đắp niềm đam mê văn hóa văn nghệ dân gian. Anh trăn trở: “Phải khai thác từ trong dân gian thì mới biết được nguồn cội, để góp phần bảo tồn và chấn hưng những vốn quý của dân ca, dân vũ”. Trong các ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số miền núi, Việt Quốc đã “neo” lại ấn tượng với người xem bằng những tác phẩm múa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống như: Suối hoa, Khóc trâu, Ngày hội hóa trang Dyoongdư, Vào hội tế thần Ba Na...
Dù đã rất thành công, nhưng chưa bao giờ thấy Hồ Việt Quốc ngừng nghỉ. Anh ấp ủ dự định tìm hiểu sâu hơn những loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian có nguy cơ mai một như hát ru, hát hơ mon, hát giao duyên, hô bài chòi. Rồi, vài năm gần đây, lại thấy Việt Quốc bắt đầu thử sức với nhiếp ảnh nghệ thuật. Dù bảo đến với nhiếp ảnh nghệ thuật là để “tìm thêm niềm vui”, nhưng anh làm việc rất nghiêm túc và mê thực sự, với hàng loạt giải thưởng: giải Khuyến khích Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Bình Định năm 2010 qua tác phẩm Vọng ngàn; giải Nhì tác phẩm Thác nước lương đạt và giải Khuyến khích tác phẩm Lễ hội đô thị Nước Mặn trong Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Bình Định năm 2011.
Hồ Việt Quốc là vậy, luôn sống hết mình cho những niềm đam mê, khát khao vươn đến những đỉnh cao mới trên hành trình sáng tạo nghệ thuật.
|