* Truyện ngắn của NGUYỄN MỸ NỮ
Quê anh ở ngoài kia. Là người nhà quê đã hằng bao đời. Từ ông cao, ông cố, ông nội đến bố anh, rồi anh. Và không chừng cả nữa, các con anh. Thì không phải sao! Thằng cả nhà anh đã vợ con đùm túm nơi thôn dã. Đã cắm chặt đời mình với bó mạ, chân ruộng, cái ao, khoảnh vườn… Thằng này đã có trên chục lần bỏ quê ra Hà Nội làm đủ thứ việc nhưng không sao phù hợp nổi mà tiền bạc, kiếm được có nhiều nhặn gì cho cam. Một ngày có việc, ba ngày chơi không. Nên co co kéo kéo, vá chằng vá đụp đủ kiểu mà thân mình còn lo chưa rồi, nói gì!… Thế là tếch về quê ở hẳn. Bảo, dẫu gì cũng còn có mái nhà, còn vợ con, ruộng vườn… Trai trẻ như thằng cả ở nhà còn nghĩ sâu sắc được thế, huống là anh.
Chẳng qua, cũng do cái sự cùng quẫn quá mới phải rời gia đình, họ mạc, quê hương mà đi. Mới chịu cảnh tha phương cầu thực. Hồi mới vào đây, anh đã nghĩ thôi thì gắng lấy một thời gian và trông mau chóng được về lại nhà. Cũng do, hết cả cái năm trước đấy vợ anh ốm nặng quá! Chữa trị cho vợ chưa rồi đã nợ. Ở nông thôn nhà nào lại chẳng thế! Với cái mức đủ sống mà gia đình có việc khẩn là nợ nần ngay. Rồi thằng Út lại bị xe tông. Khổ thân con anh! Cái thằng này vốn lành nhất trong bốn đứa ở nhà mà tội nợ chứ! Có phải cháu nó bị ngay giữa đường lộ với xe cộ qua lại liên hồi, đã đỡ phải tức. Đây! Chỉ là con đường làng. Đường đất hẹp bé quanh co mà có dài dặc là bao. Chưa được cây số từ nhà anh sang bên ngoại. Là anh sai con đem quả mít vừa chín tới sang bên đó biếu ông bà ấy mà. Cái thằng đi xe máy tông vào con anh, nghe bảo mới từ một đám cỗ trong xóm xiên xẹo phóng ra. Say khướt. Nó cũng được bố mẹ dẫn đến và cả ba quỳ lạy anh như tế sao. Gia cảnh nhà nó thật là thảm hại. Lấy gì cơm thuốc cho con anh và lấy gì sửa cái xe mượn của bạn. Người ta quỳ khóc còn anh đứng ngồi không yên, cũng khóc. Vợ nằm khoa nội, con nằm khoa ngoại ở bệnh viện tỉnh giao khoán hết cho các con chăm sóc. Anh mỗi việc duy nhất là chạy tiền khắp chỗ, mượn tiền các nơi.
Mới đó mà dăm năm đã trôi qua cái vèo. Nhanh thật! Thời gian anh ở đây và nhanh thật, khoảng ngày họ dính dáp vào đời nhau. Chị ấy mà. Người phụ nữ lỡ thì và không đẹp. Cũng cùng một cảnh như anh. Phải rời đồng ruộng, quê nhà khoác lên người tấm áo công nhân để mưu cầu cuộc sống. Chị còn cha già, đám cháu dại ngơ. Anh còn người vợ yếu bệnh liên miên, đứa con quặt quẹo và những khoản nợ chất chồng ở nhà.
Buồn cười cái hôm anh gặp chị ở nhà ăn khu công nghiệp. Đàn bà gì mà hung dữ, oái ăm. Chị xách cả cái ghế phang vào mặt thằng cha quản đốc. Cái thằng này chúa là sách nhiễu cánh công nhân nam và thường giở trò dê xồm với đám thợ nữ. Chú em cùng quê, nheo mũi: “Anh thấy chưa. Là con gái xứ này bằng có võ cả đấy!”. Anh hỏi nhỏ chị một lần hai người cùng đứng trong nhà xe:
- Cô dạy hộ tôi vài thế, nhé!
- Đàn ông mấy người học chi?
- Để lỡ có gặp phải phụ nữ như cô. Còn biết đằng mà đỡ chứ!
- Thì giả đò… dê đi là biết ngay đó mà!
- Mà dê ai chứ?
- Giả đò thôi nghe! Dê bậy tui thử coi…
Anh dê thật chứ chả cần giả bộ, giả đò gì cho nó rách việc. Đàn ông mà! Lại không được gần đàn bà đã quá lâu. Ngày còn ngoài nhà thì chịu cảnh vợ nằm viện và vào đây, nào có khác gì. Sự thèm khát trào lên, nhiều đêm, khiến đầu óc mụ mị. Đã mấy bận, anh chậc lưỡi tìm đến gái làng chơi đầy hết cả khu vực này, nhưng xót tiền rồi sợ bịnh, thế là lin lỉn đi lại lin lỉn về. Đố có ai ở phòng trọ biết. Quan hệ của anh với chị cũng chỉ quẩn quanh ở cái chuyện ấy. Ăn mãi đâm quen không có thấy nhớ. Cái nhớ dội lên đúng hai lần. Một, khi chị về quê nuôi cha ốm. Và hai, khi anh được điều theo đội xe sang tận bên Lào. Cũng chỉ là sự cố. Những đột xuất vớ vẩn. Và ở ngay trong chính những việc không theo lẽ thường. Anh nghe ra cái sự thèm khát chị không thuần nhất là một nỗi thèm khát xác thịt. Mà đã có một cái gì đấy cao hơn, xa hơn, mênh mang hơn, sâu thẳm hơn.
Anh tâm sự với chú em cùng quê, nó vung tay: “Hơi nào mà anh suy nghĩ cho nó thêm quắt người. Ở đây là vậy. Tất tần tật như thế! Chấm dứt đời thợ là chấm hết tình. Khi ấy tự khắc nó rã. Lo gì cho mệt”. Đêm đó, ở chỗ chị về dẫu rất khuya anh vẫn không sao chợp mắt. Nghĩ hay thật! Ở đây. Trong khu công nghiệp gỗ xuất khẩu này ấy mà! Với hàng bao nhiêu là cơ sở, công ty người ta vẫn thường gọi “tình công nhân” để chỉ cho mối quan hệ của cánh thợ. Dính líu với cô gái làm tiền ngoài ngã ba, nhiều hơn một lần đi khách cũng gọi tình công nhân. Thằng trai chưa vợ hơn hớn xuân xanh đeo bám mụ bà nạ dòng cũng tình công nhân. Cô gái mới lớn vừa xong cấp ba sống chung với gã đàn ông đã vợ con đùm đề cũng tình công nhân.
Và anh với chị, phải nào những tháng ngày yêu thương chăm chút cho nhau thắm thiết đến ngần này cũng đánh đồng với thứ tình bèo nhèo bá vơ đến làm vậy? Lần đầu, từ ngày rời quê vào đây làm, anh thấy lòng mình rưng rức nỗi thương thân, thương chị. Cũng lần đầu, nghĩ về vợ và con cái ở chốn quê anh nghe trồi lên rất nhiều những xót xa. Nỗi dằn vặt ló mặt lần thứ nhất để rồi thêm lần hai, ba…
Khi sự dằn vặt lên tới đỉnh điểm. Cũng đỉnh điểm tình yêu chân thành, dành cho chị. Anh nghiến răng thì thào lời cách xa. Cơn mưa nhỏ không át nổi tiếng anh nói. Căn phòng trọ tối và ẩm không thấy rõ đôi mắt anh nhìn. Chỉ có đốm lửa từ điếu thuốc, những hơi khói ngột ngạt, mùi cống và mùi thức ăn chín. Đích thị là món cá kho. Thứ cá vụn kho keo hơi xém cháy rắc rất nhiều tiêu, anh vốn thích. Anh bảo mình người nhà quê ăn khô, mặn, khổ lại ưng. Bữa cơm trưa ở nhà ăn của công ty canh lỏng bỏng mà đồ kho cũng lỏng bỏng… cứ thế nào ấy. Nhạt thênh thếch, anh ăn cho qua bữa để có thứ dằn bụng mà đi làm. Chứ chả thấy ngon miệng bao giờ. Chỉ trông chiều về ngồi lom khom bên chị và vét xoong với cái món cá vụn kho keo.
Giờ thứ thức ăn ấy, ở một phòng trọ nào gần đây xộc tới rất đậm đà, khiến lòng dạ cồn cào xót xáy. Vì đói cũng có. Mà vì đau. Cái đòn này sao mà chị không biết đằng đỡ? Như vậy là có phải? Có thật? Có hay? Có công bằng? Với chị với anh với cả hai người. Anh nào có đòi hỏi ở chị một điều gì? Và chị đâu dám? Tình bé nhỏ, họ nâng niu gìn giữ. Hạnh phúc đơn sơ, họ gắng gỏi dưỡng nuôi. Và những mặn nồng, và những quắt quay, và mầm sống đang hiện diện trong cơ thể chị, anh nào có hay!
Anh về quê ngay sau đêm ấy. Anh biết cuộc tình này sẽ chẳng dẫn đưa đến đâu. Biết rõ nhiều chuyện chỉ không biết việc này: với giọt máu của cả hai. Tình công nhân có thật là chấm hết?
|