Dù ai đi ngược về xuôi…
23:6', 30/3/ 2012 (GMT+7)

Trong suy nghĩ của mỗi người con dân nước Việt, hẳn ai cũng ước một lần trong đời được hành hương về đất Tổ, chiêm bái những vị vua Hùng thời dựng nước, đắm mình trong không gian truyền thuyết bánh chưng, bánh dày… Còn với những người đã từng tham dự Lễ giỗ Tổ, một lần được đến Phong Châu, hẳn khó mà quên được… 

1. Chiêm bái đền ơn Vua

Dày công lao mở cõi

Kim Giao đầy hương khói

Ân đức sáng muôn đời…

Đó là những câu thơ trong bài thơ “Về đền Hùng” mà ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định, đã “tức cảnh sinh tình” khi lần đầu tiên ông về tỉnh Phú Thọ, tham dự Lễ giỗ Tổ vua Hùng mùng 10 tháng 3 âm lịch năm 2008. 

 
Đoàn Bình Định tham dự Lễ giỗ Tổ vua Hùng mùng 10 tháng 3 âm lịch năm 2008.  Ảnh: H.X

Lần ấy, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức chuyến hành hương về Đền Hùng giỗ Tổ và ông Thắng được cử làm Trưởng đoàn. Phẩm vật giỗ Tổ gồm 18 mâm quả bánh ít lá gai, 2 bầu rượu đại Bàu Đá trứ danh - toàn là đặc sản Bình Định. Lễ giỗ Tổ năm ấy, chương trình hoạt động tại Đền Hùng rất quy mô và hoành tráng. Ngoài lễ cúng Tổ và viếng Tổ, còn có chương trình thi sản vật của các địa phương trong nước…

Mỗi đoàn đại diện cho một tỉnh, thành phố đều cố gắng tìm chọn những đặc sắc về sản vật cũng như văn hóa của quê hương mình để cúng Tổ. Nét khác biệt và đặc sắc nhất của đoàn Bình Định so với các đoàn khác chính là sự chuẩn bị công phu và thành kính dâng lễ lên các vua Hùng. 18 cô gái mặc áo dài đỏ bưng 18 quả bánh ít đi trước, theo sau là đoàn nhạc lễ của Bảo tàng Quang Trung tấu nhạc trong suốt quãng đường lên đền. Mọi người trong đoàn đều mặc áo dài khăn đóng, làm lễ chiêm bái, thể hiện sự thành kính đối với các vị vua Hùng đã có công dựng nước. “Đoàn của các địa phương khác rất ngạc nhiên và thán phục trước sự chuẩn bị công phu, bài bản của đoàn Bình Định…”- ông Thắng kể lại.

2. Chúng tôi đã tìm gặp bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất thực phẩm Hương Quê, đơn vị đã tiến cúng 18 mâm quả bánh ít dâng vua Hùng ngày ấy. Bà Hoa cho biết, tình cờ bà biết Sở Công Thương đang tìm đến các cửa hàng bánh ở TP Quy Nhơn để đặt khoảng 2.000 chiếc bánh ít lá gai để dâng lên Quốc tổ. Các cơ sở bánh ít khác từ chối nhận đơn đặt hàng vì họ không đủ lực lượng, nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh đó, thông thường dù là bánh ít lá gai nhưng cũng chỉ giữ được vài ba ngày, còn bánh ít dâng lễ phải bảo đảm cả tuần lễ không hỏng. Tuy nhiên bằng kinh nghiệm và năng lực sản xuất của mình, bà Hoa đã mạnh dạn đến gặp lãnh đạo Sở Công Thương, đề nghị được tiến cúng toàn bộ số bánh ít lá gai 2.200 cái.

Theo bà Hoa, cơ sở sản xuất của bà đã được trang bị máy móc hiện đại nên công đoạn giã nhuyễn lá gai được chuyển sang máy xay nhuyễn. Lò hấp lớn được thiết kế riêng với bếp nấu giữ nhiệt cao; đội ngũ nhân viên làm bánh lành nghề. Đặc biệt, các chủ cơ sở cung cấp nguyên liệu đã giúp đỡ hết mình, huy động đầy đủ nguyên liệu nếp, lá gai, dừa, đậu xanh, lá gói... theo yêu cầu. Còn bí quyết để giữ bánh ngon trong vòng 7 ngày là từ nguyên liệu đến khâu sản xuất, chế biến đều phải bảo đảm thật sạch sẽ.

 
Đoàn Bình Định đưa lễ vật lên dâng cúng Tổ Hùng Vương tại Lễ hội Đền Hùng năm 2008.

Bà Hoa tâm sự: “Tôi và nhân viên của mình đã làm việc hơn 14 giờ/ngày để hoàn thành 2.200 chiếc bánh ít lá gai trong vòng hai ngày. Giờ ngẫm lại, tôi thấy mình hơi liều, bởi nếu chỉ sơ sẩy một chút thôi thì thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”. Năm đó, sản phẩm bánh ít lá gai “Hương Quê” được du khách đi lễ giỗ Tổ Hùng Vương hết lời khen ngợi. Sau này, bà Đào Thị Vũ, Trưởng đoàn giỗ Tổ của TP Hồ Chí Minh, đã lặn lội tìm mua bánh ít lá gai thương hiệu Hương Quê nhân Festival Tây Sơn - Bình Định.

3. Một lần được về với Phong Châu, Phú Thọ, kinh đô của nhà nước Văn Lang dưới thời của các vua Hùng, đặc biệt được chiêm bái Lễ giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3, và đắm mình trong các truyền thuyết “Con rồng cháu tiên”, hoàng tử Lang Liêu trong “Sự tích bánh chưng, bánh dày”, hẳn là mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, nhiều người Bình Định chưa có dịp thực hiện được ước mơ ấy… Thành kính hướng về đất Tổ, nghĩ về cội nguồn và những giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc, nêu cao tinh thần Hùng Vương trong cuộc sống, ấy cũng là một cách thành tâm hướng về ngày giỗ Tổ: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba…”… 

  • HOÀNG LAN - HẢI YẾN

 

Hôm nay, giỗ Tổ...

Hôm nay (mùng 10 tháng 3), cả nước cùng giỗ Tổ. Tất cả các đền thờ, tổ đình thờ vua Hùng, cả những trường học, công viên, khu du lịch..., những nơi có niềm tự hào được mang tên Hùng Vương đều tổ chức Lễ giỗ Tổ.

Dẫu chỉ là huyền sử nhưng niềm tự hào về tổ tiên con Lạc cháu Hồng, về 18 vị vua Hùng anh minh lỗi lạc của người Việt là rất thật. Chẳng thế mà chỉ Việt Nam mới có ngày Quốc giỗ (mùng 10 tháng 3), ngày để hàng triệu người dân tưởng nhớ tổ tiên của mình. 

 

Lễ hội Đền Hùng tại Khu di tích Đền Hùng, tỉnh  Phú Thọ.

Cách đây hơn 15 năm, lần đầu tiên, tôi được dự Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Vua Hùng ở Thảo Cầm Viên, thuộc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, TP Hồ Chí Minh. Lần ấy, tôi đi giỗ Tổ với một cảm thức rất sinh viên: được biết thế nào là một Lễ giỗ Tổ và được vào Thảo Cầm Viên mà không phải mua vé. Nhưng rồi, không khí lễ hội với những nghi thức trang nghiêm, mùi trầm hương, nhang khói cùng hội trò chơi dân gian như múa sạp, ô ăn quan, bịt mắt đập niêu, biểu diễn lân sư rồng... đã tạo nên trong tôi một cảm giác khó tả, vừa vui, vừa thành kính, thay thế cho suy nghĩ vô tư ban đầu. Để rồi, suốt thời gian là sinh viên, năm nào tôi cũng đi giỗ Tổ. Và đến giờ, nhóm bạn chúng tôi ngày ấy, những ai còn ở lại TP Hồ Chí Minh, năm nào đến mùng 10 tháng 3 cũng đi dự Lễ giỗ Tổ Hùng Vương ở Thảo Cầm Viên.

Thường trong mỗi gia đình, ngày giỗ ông bà là dịp quan trọng để con cháu quây quần, trước là tưởng nhớ tổ tiên, sau là hàn huyên, thắt chặt tình ruột thịt họ hàng. Thì giỗ Tổ cũng vậy. Bác Hồ kính yêu đã từng căn dặn chúng ta: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Để có được một nước Việt Nam độc lập hôm nay, công lao to lớn đầu tiên là công dựng nước của các vua Hùng. “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”, tự câu ca dao ấy đã nói lên tất cả lòng trân trọng và sự biết ơn tổ tiên của người Việt Nam từ xưa đến nay.

Yêu tổ tiên mình, biết ơn những người mở cõi, dựng nước, cũng là để thấy mình phải có trách nhiệm hơn với đất nước hôm nay. Trách nhiệm ấy là sự đoàn kết, gắn bó, gìn giữ nghĩa đồng bào - nghĩa của những người con được cùng sinh ra từ bọc trứng của mẹ Âu Cơ ngàn ngàn năm trước, để ra sức đóng góp công sức, trí tuệ cùng nhau xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Nhưng giữ nước cũng còn có nghĩa là phải xây dựng đất nước trong sạch, vững mạnh. Ngẫu nhiên, nhưng lại vô cùng ý nghĩa, trùng với Lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm nay cũng là thời điểm các tỉnh, thành trong cả nước đang tổ chức phổ biến quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, mà cốt lõi là sửa chữa các khuyết điểm, yếu kém đã trở thành vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng.

Giỗ Tổ và nghĩ về Quốc tổ là dịp để những con dân đất Việt thêm thấu hiểu sâu sắc giá trị của độc lập, tự do và khắc ghi vào tâm khảm những hy sinh to lớn của ông cha đã dựng nước, bảo vệ và xây dựng đất nước.

* NGUYÊN SƯƠNG

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chưa hiệu quả  (29/03/2012)
Bồi đắp tình yêu văn chương  (29/03/2012)
Mơ một “mái nhà” cho múa  (28/03/2012)
Hấp dẫn với văn nghệ quần chúng  (26/03/2012)
Tình công nhân  (25/03/2012)
Lửa đam mê  (25/03/2012)
Tuy Phước: Nâng cao chất lượng truyền thanh, phát thanh cơ sở  (22/03/2012)
Công nhận BCH Hội VH-NT tỉnh khóa IV  (21/03/2012)
Đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị các di tích  (21/03/2012)
Vẫn còn khó khăn  (21/03/2012)
Hoàn thành nâng cấp, mở rộng đường Tháp Đôi  (21/03/2012)
Họ Phạm tích cực xây dựng dòng họ tiến bộ  (19/03/2012)
Những bước tiến mới  (19/03/2012)
Thông báo về việc nghỉ lễ và treo Quốc kỳ nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2012  (19/03/2012)
"Mùi cỏ cháy" đại thắng tại Cánh diều Vàng 2011  (18/03/2012)