Tháp Thầy Bói - một điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh mỗi khi về Quy Nhơn. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc một số người dân tự ý xây dựng các công trình tín ngưỡng, tôn giáo ở khu vực này đã phá vỡ chỉnh thể cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, khiến không gian tâm linh giảm phần tôn nghiêm.
Tháp Thầy Bói là một cồn đá nổi giữa đầm Thị Nại, thuộc TP Quy Nhơn. Từ bến đò Đống Đa đi ghe ra tháp Thầy Bói khoảng 10 phút. Tháp Thầy Bói là danh thắng nổi tiếng từ xa xưa.
1. Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi: “Đầm biển cạn (Thi Nại) ở phía Đông huyện Tuy Phước, chu vi 9.500 trượng, nước đầm đổ vào cửa biển Thi Nại, trong đầm có núi nhỏ, tục gọi tháp Thầy Bói”.
|
Khu tháp Thầy Bói năm 2012 với 8 công trình tín ngưỡng, tôn giáo. |
Sách “Nước non Bình Định” của Quách Tấn chép: “Trong đầm (Thi Nại) ở phía Tây, gần phía Quy Nhơn, nổi lên một cụm đá rộng, chừng vài sào, và cao chỉ trên mặt nước chừng một thước, một thước rưỡi, khi thủy triều lên. Người ta gọi là tháp Thầy Bói”.
Trong tập “Bình Định danh thắng và di tích” của bộ sách “Địa chí tỉnh Bình Định”, tháp Thầy Bói được chọn đưa vào danh mục những di tích và danh thắng tiêu biểu.
“Thầy Bói” là một giống chim, tên quen gọi là chim Bói Cá. Giống chim này thường tụ tập nơi gành đá, khóm đá để bắt mồi. Khóm đá có dáng tròn nho nhỏ trông như ngọn tháp, nên gọi là tháp Thầy Bói.
Phía Bắc tháp Thầy Bói, tại bờ phía Tây cửa Thị Nại, có một bãi cát rộng là Bãi Nhạn. Nơi đây, giống chim Nhạn thường tụ tập nghỉ ngơi sau khi no mồi, cánh mỏi.
Từ lâu, trên tháp Thầy Bói có một ngôi miếu nhỏ do ngư dân lập để thờ thủy thần và tế lễ vào dịp Thanh minh. Ngôi miếu hiện nay vẫn còn và đã nhiều lần tu tạo. Năm 2008, Công ty TNHH Quốc Thắng xây bên cạnh miếu cổ một ngôi tháp lục giác, hai tầng mái khá đẹp và khang trang.
Từ một ngôi miếu ban đầu, đến năm 2010, tháp Thầy Bói có 3 công trình, và trong hai năm 2010-2012 đã có thêm 5 công trình mới, nâng tổng số các công trình tín ngưỡng và tôn giáo trên tháp Thầy Bói lên đến con số 8. Mỗi công trình tôn giáo, tín ngưỡng xây dựng ở đây về kích thước, kiểu dáng, vị trí xây dựng, tín ngưỡng thần thánh nào… đều do người bỏ tiền xây dựng quyết định (!).
2. Đầm Thị Nại là nơi chứng kiến nhiều biến cố lịch sử qua các triều đại từ Champa đến Đại Việt và biết bao anh linh ở lại với cửa biển này. Người dân sông nước nơi đây, mấy ngàn năm qua, biết bao người “sanh nghề, tử nghiệp”. Việc xây dựng nơi hương khói trên tháp Thầy Bói là phù hợp tín ngưỡng tâm linh và đúng đạo lý truyền thống.
Cái tâm của những người bỏ tiền xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng trên tháp Thầy Bói là rất quý và đáng ghi nhận. Thế nhưng, việc làm không có tổ chức của bà con vô tình đã làm không gian tâm linh nơi đây giảm phần tôn nghiêm và làm mất đi không gian cảnh quan thiên nhiên kỳ thú vốn có từ ngàn đời của tháp Thầy Bói.
|