Nghệ sĩ Hoàng Việt:
Hạnh phúc được có chỗ đứng trong lòng khán giả
20:11', 7/4/ 2012 (GMT+7)

Biên đạo Hoàng Việt được nhiều người biết đến bởi tài năng và sự cống hiến cho nghệ thuật múa. Song một niềm đam mê khác cũng không hề kém trong anh, đó là nghệ thuật tuồng. Tất cả hòa quyện tạo nên một nghệ sĩ Hoàng Việt luôn trăn trở, sống hết mình cho nghệ thuật. 

 

Hoàng Việt đang thể hiện vai Khổng Minh trong vở Huê Dung lộ của đoàn tuồng Trần Quang Diệu (biểu diễn ngày 4.4).

Tuồng ở trong tim

Cách đây vài ngày, diễn viên Hoàng Việt lại “tái xuất” trên sân khấu tuồng với vai Khổng Minh trong vở Huê Dung lộ của đoàn tuồng Trần Quang Diệu, tại lễ cúng Thanh Minh ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn. Với cách diễn hành chấn mạch lạc, sâu sắc, Hoàng Việt đã chinh phục khán giả. Cách đây hơn 5 năm, trong Liên hoan tuồng không chuyên toàn tỉnh, Hoàng Việt đã để lại ấn tượng sâu sắc khi làm đạo diễn chương trình của đoàn tuồng Hà Thanh và đoàn tuồng Trần Quang Diệu. Đến ngày diễn, người đóng vai Lữ Bố của đoàn tuồng Hà Thanh trong trích đoạn Lữ Bố hí Điêu Thuyền bị bệnh, Hoàng Việt phải đóng thế. Anh thể hiện vai rất hay, được trao giải đặc biệt. Sau buổi diễn, NSƯT Ngọc Cầm (đã mất) – người gắn liền tên tuổi với vai Lữ Bố -  đã ôm hôn và khen ngợi: “Cô đã xem nhiều người đóng vai Lữ Bố nhưng diễn xuất của con làm cô thích nhất!”. Hồi còn làm diễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn, Hoàng Việt cũng đã nhiều lần đóng thế kép chính, lại toàn những vai mực thước. Hoàng Việt tâm sự: “Cảm ơn cha mẹ đã truyền nghề kỹ lưỡng. Những đòn roi của cha khi tôi tập sai đã nhắc nhở tôi phải khổ luyện mới có thể phục vụ tốt khán giả. Dù theo nghề khác nhưng tuồng vẫn luôn ở trong tim, có cơ hội là tôi sẵn sàng cống hiến…”.    

Có năng khiếu văn, lại được cha bồi đắp qua việc dạy Hán ngữ, cổ văn, làm thơ đường, phân tích ý nghĩa câu từ trong tuồng nên Hoàng Việt có nền móng vững chắc để tập sự viết kịch bản, chỉnh biên một số kịch bản tuồng sưu tầm trong dân gian. Những kịch bản dựa vào tuồng tích xưa như vở Bầu độc dược, Chung Vô Diệm, Tây Thi… của anh đã được Nhà hát tuồng Đào Tấn, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định dàn dựng, thu hút khán giả. Anh đang cố gắng hoàn thành kịch bản tuồng cổ Dương Gia nữ tướng gồm 2 hồi. Với anh, viết kịch bản đơn giản chỉ vì sự thôi thúc của con tim yêu tuồng, mộ văn học cổ…

Nhiều năm qua, Hoàng Việt cũng âm thầm đầu tư công sức, kinh phí để phục hồi các bộ trang phục tuồng cổ Bình Định từng in đậm trong ký ức. Nhà Hoàng Việt vì thế đã tiếp đón nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh đến tìm hiểu về phục trang tuồng.

 

Một tác phẩm múa Chăm của biên đạo Hoàng Việt.

Tìm chỗ đứng trong lòng khán giả

Là con của cặp nghệ sĩ tài danh hát bội Bình Định: NSƯT Hoàng Chinh - Hồng Thu nhưng Hoàng Việt lại gắn bó với nghệ thuật múa. Lần đầu tiên anh đưa vũ đạo tuồng và võ Bình Định vào động tác múa khi dàn dựng, biểu diễn tác phẩm Dưới cờ đào Tây Sơn và tiết mục đã đoạt Huy chương Vàng toàn quốc. Anh cũng là người tiên phong đưa múa Chăm về Bình Định. Tác phẩm múa Chăm đầu tay của Hoàng Việt là Huyền thoại tháp đôi được dàn dựng dựa trên sự tích tháp Đôi và các phù điêu trên tháp cũng đoạt Huy chương Vàng toàn quốc. Ngoài ra, Hoàng Việt còn dàn dựng nhiều tác phẩm múa khai thác các mảng đề tài dân gian phong phú, đạt chất lượng nghệ thuật cao.

Hoàng Việt sớm bộc lộ tài năng nhưng lại lận đận khi Đoàn ca múa nhạc Chim Yến tan rã. Về làm diễn viên ở Nhà hát tuồng Đào Tấn, rồi chuyển công tác đến Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao TP Quy Nhơn. Anh đã có nhiều cống hiến cho phong trào múa không chuyên bằng việc đào tạo đội ngũ diễn viên múa, tham gia biên đạo trong các chương trình sự kiện, lễ hội lớn trong và ngoài tỉnh. Đã bước qua tuổi 53, anh vẫn giữ được sự trẻ trung nhờ tính cách vui vẻ, nhiệt tình trong công việc. Sau khi tham gia lớp tập huấn hội đánh bài chòi cổ dân gian, Hoàng Việt đã tích cực đóng góp vào việc tổ chức thành công Hội đánh bài chòi cổ dân gian ở TP Quy Nhơn trong dịp Tết Nhâm Thìn. 

Không được hoạt động trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp cũng khiến Hoàng Việt chịu nhiều thiệt thòi. Anh thẳng thắn thừa nhận mình không tránh khỏi bị “lụt” về thủ pháp và kỹ thuật chuyên môn múa. “Nhiều bạn bè đồng môn giờ đã là nghệ sĩ ưu tú luôn bảo thấy tiếc cho tôi. Nhưng tôi sống toàn tâm toàn ý cho công việc mình đã chọn, nghệ thuật mình đã yêu và thực sự hạnh phúc khi tìm được chỗ đứng trong lòng khán giả”, Hoàng Việt tâm sự.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Báo Tiền Phong xin lỗi Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn  (06/04/2012)
Thành Hoàng Đế và những tồn nghi  (05/04/2012)
Nhạc sĩ Thanh Sơn qua đời  (05/04/2012)
Bình Định có 5 nghệ sĩ, nhà nghiên cứu   (04/04/2012)
Tháp Thầy Bói xưa và nay  (04/04/2012)
Sôi động phong trào   (04/04/2012)
Tháp Thầy Bói xưa và nay  (04/04/2012)
Công bố kết quả xét giải thưởng Hồ Chí Minh  (04/04/2012)
Bình Định tham gia Festival Dừa Bến Tre  (02/04/2012)
Bí ẩn gạch xây dựng tháp Chăm  (02/04/2012)
Góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở  (02/04/2012)
Xây dựng khu vui chơi, giải trí dưới nước tại hồ Bàu Sen  (02/04/2012)
Ngày sinh của bé Nghĩa Phương  (31/03/2012)
Dáo dác cánh chim trời  (31/03/2012)
Góc quê  (31/03/2012)