Chị
20:15', 7/4/ 2012 (GMT+7)

Nhà nghèo, mồ côi cha, lại là chị cả nên chị nhường quyền được đi học cho các em. Tuổi thơ của chị từ ấy đong đầy nắng gió trên những cánh đồng, triền sông, trên đôi vai gầy gánh nhọc nhằn, vất vả.

Dậy thì. Chị thành thiếu nữ, không sắc nước hương trời nhưng mặn mà đằm thắm trong nét duyên thầm con gái. Chiếc răng khểnh. Suối tóc đen mượt, óng ả chảy tận chấm lưng đã níu lòng bao chàng trai các xóm. Chị vào đội văn nghệ. Câu dân ca cất lên có xanh thẳm đồng lúa ngút ngàn, có trắng muốt cánh cò thong thả, rập rờn với cau thẳng, dừa nghiêng. Vai kịch của chị kéo người xem kín bãi, diễn đi diễn lại hoài vẫn cứ làm khán giả rơi nước mắt như được xem lần diễn đầu tiên. Em gái bao lần theo xem chị hát, vẫn cứ ngỡ ngàng: “Ôi, là chị Hai mình đó sao!”.

Giữa buổi xuân thì tình đầu chị… dang dở. Câu “môn đăng hộ đối” chia cắt lòng người. Trái tim đau, chị thẫn thờ… buốt nhói. Nước mắt rơi làm câu ca chùng nghẹn bao lần. Có ai biết chị hát cho mình, cho người hay cho nỗi đau con nhà nghèo một thuở? Xốn xang lòng, trĩu nặng câu :“Người ở, người ơi…”

Tan bão giông. Dừng cuộc chơi. Chị đi lấy chồng. Nỗi đau riêng để lại bên bờ tre ruộng lúa. Phận gái quê ai cũng bảo mong chờ 12 bến, trong nhờ, đục chịu, làm… chiếc bóng người ta. Từ độ sang sông, chị tôi chẳng còn… xuân sắc. Làm lụng, sinh con, tất thảy đều theo ý muốn của người nhà. Câu dân ca bị bỏ quên bên vành nôi lặng lẽ. Suối tóc dài chẳng còn đung đưa trong ánh cười lúng liếng làm duyên. “Tòng phụ”, “tòng phu”, “tòng tử”, ba “vòng xích” nặng như vận hết vào đời chị, chẳng biết đâu là nguồn vui và khát vọng sống của riêng mình.

Bốn mươi. Chị tôi thành góa phụ, liễu rũ, thân cò gánh nặng cái con. Việc lớn nhỏ, trong ngoài, mình chị chèo chống. Ngược gió, ngược dòng, thương chị không đủ sức sẽ quỵ ngã, buông xuôi. Vậy mà trong cái âm thầm như thân “tầm gửi” vẫn tiềm tàng sức mạnh yêu thương. Chị đứng dậy, chạy vạy, đắp vá, không ngại rảo chân với vé số, không ngại đi giúp việc cho người chỉ với mưu cầu con cái được đến trường, có nghề nghiệp, cuộc đời sáng sủa hơn mẹ cha.

Sang nửa đời người, chị tôi thấy “thèm” đi học, thú y, nuôi trồng, lớp tập huấn nào chị cũng háo hức như trẻ được đến trường buổi đầu tiên. Học cho mình, biết bắt đầu sẽ không bao giờ là muộn. Giờ đây, chị đã tự tin sống giữa bao người. Họp lớp của chồng dẫu ở xa, không áo lượt quần là, lẻ bóng chị vẫn luôn có mặt, dẫu nghèo, nghĩa tình với người vẫn trọn vẹn trước sau.                                                                                                                          

Thương chị khổ, bao lần em gái than thở, cầu mong có kiếp sau cho chị được đổi đời. Chị cười như gió nhẹ thênh: Đời người nào phải hạt mưa. Mơ về đài cát mà chê… ruộng cày!

  • VÕ HẠNH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hạnh phúc được có chỗ đứng trong lòng khán giả  (07/04/2012)
Báo Tiền Phong xin lỗi Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn  (06/04/2012)
Thành Hoàng Đế và những tồn nghi  (05/04/2012)
Nhạc sĩ Thanh Sơn qua đời  (05/04/2012)
Bình Định có 5 nghệ sĩ, nhà nghiên cứu   (04/04/2012)
Tháp Thầy Bói xưa và nay  (04/04/2012)
Sôi động phong trào   (04/04/2012)
Tháp Thầy Bói xưa và nay  (04/04/2012)
Công bố kết quả xét giải thưởng Hồ Chí Minh  (04/04/2012)
Bình Định tham gia Festival Dừa Bến Tre  (02/04/2012)
Bí ẩn gạch xây dựng tháp Chăm  (02/04/2012)
Góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở  (02/04/2012)
Xây dựng khu vui chơi, giải trí dưới nước tại hồ Bàu Sen  (02/04/2012)
Ngày sinh của bé Nghĩa Phương  (31/03/2012)
Dáo dác cánh chim trời  (31/03/2012)