Phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) thiếu nhi, thiếu niên không chỉ tạo sân chơi cho các em sáng tạo nghệ thuật, mà còn góp phần phát hiện những năng khiếu sáng tác trẻ. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động này có phần chững lại…
Thưa vắng sân chơi năng khiếu
Hiện ở tỉnh ta, sân chơi, hội thi năng khiếu cho thiếu nhi, thiếu niên còn được duy trì rất khiêm tốn, chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Xôm tụ” nhất có lẽ là lĩnh vực âm nhạc với các sân chơi: Hội thi Tiếng hát Hoa phượng đỏ; Hội thi Tiếng hát giáo viên, học sinh ngành Giáo dục - Đào tạo; một vài liên hoan tiếng hát dân ca quy mô nhỏ thỉnh thoảng được tổ chức tại một số trường học. Ở lĩnh vực mỹ thuật, từ năm 2010, Nhà Văn hóa Lao động tỉnh bắt đầu tổ chức định kỳ hàng năm Hội thi Vẽ tranh thiếu nhi hè theo chủ đề dành cho học sinh tiểu học và THCS toàn tỉnh.
|
Ở lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên, ý thức về năng khiếu nghệ thuật còn rất non nớt, cần được khích lệ, bồi dưỡng, định hướng phát triển.
- Trong ảnh: Học sinh tham gia Cuộc thi vẽ tranh theo chủ đề tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh năm 2010. |
Mảng văn học vẫn là khoảng trống từ sau Cuộc vận động Sáng tác văn học dành cho lứa tuổi thiếu nhi năm 2005-2006. Dự định về việc tổ chức Hội nghị những người viết trẻ ở Bình Định làm nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sáng tác; tổ chức trại sáng tác, trại viết vào dịp hè cho thiếu nhi… cũng bất thành.
“5 năm trở lại đây, các sinh hoạt văn học cầm chừng, lẻ tẻ và mang xu hướng tự phát. Những Câu lạc bộ (CLB) có phong trào mạnh như CLB Văn học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, CLB Văn nghệ Trường Đại học Quy Nhơn chỉ sinh hoạt trong phạm vi nhà trường; một số CLB có xu hướng tan rã như CLB Trường Trung học VHNT tỉnh, CLB Trường Thi của Trường Tư thục Quy Nhơn” - ông Trần Hà Nam, Phó Ban sáng tác trẻ, Hội VHNT tỉnh, nhìn nhận.
Mới dừng lại ở… phát hiện
Các sân chơi ca hát, hội họa… như đã nói ở trên, dù ít, sức lan tỏa chưa cao, nhưng qua đó, phần nào tạo điều kiện cho các em thể hiện năng khiếu. Điều quan trọng là trong khi số lượng, quy mô các sân chơi còn hạn chế, những năng khiếu đã được phát hiện càng cần được vun trồng, bồi dưỡng để tiếp tục theo đuổi sở thích sáng tác. Nhà văn Nguyễn Văn Chương- người viết khá nhiều cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng - từng cho rằng, những hoạt động bồi dưỡng kiến thức sáng tạo, trao đổi kinh nghiệm, để phát triển năng khiếu, tài năng là rất quan trọng với lứa tuổi măng non bắt đầu sáng tác.
Khoảng 10 năm trở lại đây, học sinh của Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (Quy Nhơn) liên tục mang về nhiều giải cao tại các cuộc thi vẽ tranh toàn tỉnh, toàn quốc. Ngoài đáp ứng thời lượng bộ môn 1 tiết/tuần, Trường còn lập CLB hội họa để bồi dưỡng năng khiếu cho những học sinh thực sự đam mê. Trong điều kiện sân chơi trong tỉnh hạn chế, Trường đã khuyến khích, tích cực bồi dưỡng các em tham gia các cuộc thi khác ngoài tỉnh để có cơ hội thể hiện năng khiếu của mình.
Cô Nguyễn Thị Mừng, giáo viên mỹ thuật Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, trăn trở: “Tôi cho rằng, các cuộc thi vẽ tranh trong tỉnh ta mới dừng lại ở việc… phát hiện năng khiếu; trong khi việc bồi dưỡng kỹ năng sáng tác, học tập, trao đổi kinh nghiệm với nghệ sĩ cùng lĩnh vực… sẽ giúp các em có ý thức phát triển năng khiếu đó rõ ràng hơn”.
Cần “đầu tàu” dẫn dắt
Vấn đề phát triển VHNT lứa tuổi thiếu niên, thiếu nhi đặt ra cho Hội VHNT, các chi hội chuyên ngành, cùng đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh trách nhiệm dìu dắt, nâng đỡ những sáng tác trẻ. Việc gắn kết hoạt động sáng tác và bồi dưỡng kỹ năng sáng tác cho hội viên với phong trào sáng tác của quần chúng, nhằm phát hiện và bồi dưỡng nhân tố mới là một trong những nhiệm vụ mà Hội VHNT đặt ra trong nhiệm kỳ mới 2012-2017.
Kinh nghiệm phát triển VHNT trẻ cho thấy, các năng khiếu VHNT rất dễ bị “thui chột” nếu không được khích lệ và bồi dưỡng sáng tác. Cây bút thơ trẻ Đặng Thiên Sơn chia sẻ: “Ngoài sáng tác theo cảm hứng, tôi thường tham gia các cuộc thi thơ, bình thơ như một cách rèn ngòi bút của mình và tham gia các sinh hoạt văn nghệ. Tôi nghĩ rằng, một người viết vì có năng khiếu khác với người sáng tác chuyên nghiệp ở chỗ khi tách khỏi môi trường sinh hoạt văn chương, không đứng trước các cuộc thi, trước các đề tài sáng tác để “con mắt thơ” làm việc thì rất dễ bị nguội lạnh cảm xúc, lâu ngày năng khiếu cũng bị bào mòn”.
Hồ Ngọc Phương Uyên, Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, đoạt giải A mỹ thuật thiếu nhi quốc gia năm 2009 chủ đề “Thiếu nhi vẽ về Bác Hồ”; Ngô Trúc Quỳnh, Trường THCS Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân), đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi viết thư quốc tế UPU toàn quốc lần thứ 40 năm 2011; Nguyễn Trần Thiên Lộc (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) đoạt giải Ba (không có giải Nhất, Nhì) Cuộc thi “Cùng Room to Read sáng tác truyện cho thiếu nhi” năm 2012; Phan Nguyễn Ngọc Đoan (Trường Tiểu học Lê Lợi, TP Quy Nhơn), đoạt giải Xuất sắc Liên hoan đàn piano kỹ thuật số toàn quốc lần thứ nhất khu vực phía Nam… Những giải thưởng VHNT ấy của thanh thiếu nhi Bình Định cho thấy tiềm năng VHNT trẻ của tỉnh nhà. Các em cần có nhiều sân chơi để thể hiện sở thích sáng tác của mình. Quan trọng hơn, việc phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho các em cần được thực hiện một cách bài bản.
|