|
Hồ Thế Phất trong một đêm giao lưu thơ. Ảnh: Đào Tiến Đạt |
Trong số các nhà thơ hiện đang sống và sáng tác ở Bình Định, có không ít người được bằng hữu gắn thêm cái định ngữ “nông dân” đằng sau danh từ “nhà thơ” hay “thi sĩ” như: Khổng Vĩnh Nguyên, Đào Viết Bửu, Trịnh Hoài Linh, Nguyễn An Đình… nhưng có lẽ sự chính danh nhất cho cái danh từ ghép 4 chữ này phải dành cho Hồ Thế Phất mới đúng! Bởi phần lớn thơ ông bật lên từ những luống cày, xúc cảm thơ ông là xúc cảm chân thành mang đậm tính quê kiểng của một người gắn gần trọn đời với ruộng rẫy!
Sinh năm 1941, tại thôn Phú Kim, xã Cát Trinh (giờ là thị trấn Ngô Mây) huyện Phù Cát, Hồ Thế Phất đã có hơn 50 năm đi theo “con đường thơ” tưởng chừng không phải là của mình! Sinh ra trong một gia đình đông anh em, trong tình cảnh cha Bắc mẹ Nam, lại là người con lớn, ông đã không thể theo đuổi trọn vẹn con đường học vấn. Chưa hết cấp hai ông đã phải nghỉ học để tự lập thân. Ông tiếp cận với thơ từ sách báo gom nhặt được, đọc trong lúc chăn trâu, cắt cỏ trên cánh đồng làng. Rồi ông làm thơ. Chẳng giống những nhà thơ chuyên nghiệp phải đèn sách, thư phòng, những tứ thơ của ông thường xuất hiện trong lúc ông đang lao động hay nằm gác tay sau một ngày mệt mỏi. Vậy nên trong túi ông lúc nào cũng gắn cây bút, tờ giấy hay chí ít là bao thuốc lá. Ông làm thơ cả trong khi đang ví, thá cùng bò, trâu trên những luống cày! Mùa đông đi cày gió giật nón tơi/Mưa ướt người lạnh cúm/Mùa hè đi cày nắng táp mặt mày/Mồ hôi mặn chát/ Mùa xuân người nông dân lái chuôi cày/ Đường roi in vầng mống/ Đôi bò ưỡn cổ rướn tám chân/ Đường cày ải lật trần - mở đất/ Thẳng hàng / “Những câu thơ”… (Thơ xuân trên những luống cày)
Trước năm 1975, Hồ Thế Phất đã cho ra đời 4 tác phẩm: Chứng tích, Hái mộng, Cõi niềm u u và Bước giữa chiêm bao. Ở những tác phẩm này, các cung bậc của tình yêu, tuổi trẻ ngân rung bằng nhiều sắc thái, càng về sau càng đẫm chất trữ tình đời tư và thế sự. Hình ảnh người mẹ tảo tần cùng quê hương, làng mạc giữa cuộc chiến tranh đồng hiện qua những câu thơ đầy trăn trở của ông. Và sau giải phóng Hồ Thế Phất mới thật sự khẳng định mình bằng con đường thơ. Ông lặng lẽ theo thơ bằng sự nhập cuộc của cái mới cả trong cuộc sống và thi pháp. Bài thơ đầu tiên của ông được đăng trên báo Nghĩa Bình vào tháng 10.1981. Đó là bài Nón Gò Găng. Nhớ lần qua Gò Găng/ Thấy em chằm nón lá/ Bàn tay em trắng quá/ Ngoài trời nắng mùa xuân/ Ơi chiếc nón Gò Găng/ Trắng ngần như núi tuyết/ Trắng muốt như cánh cò/ Dáng tròn như mặt nguyệt/ Thơm trên màu lá mới/ Từng sợi chỉ se duyên/ Là tơ lòng em gửi/ Tới những người chưa quen/ Ra về từ buổi ấy/ Thương suốt những mùa trăng/ Nắng mưa khơi nỗi nhớ/ Nón Gò Găng và em. Bài thơ sau này được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc, NSND Thu Hiền thể hiện trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Rồi ngày 1.1.2012 vừa qua, bài hát lại được biểu diễn ngay trong lễ hội công bố quyết định thành lập thị xã An Nhơn làm xúc động bao người dự lễ.
Từ cái mốc thời gian này, thơ Hồ Thế Phất bắt đầu xuất hiện đều đặn trên các trang thơ báo Nghĩa Bình, báo Bình Định, tạp chí Văn nghệ Bình Định và nhiều tờ báo trung ương cũng như địa phương khác với sự chuyển dần về cấu tứ và ngôn từ.
Trải bao thăng trầm của cuộc đời, giờ tuổi đã ngoài 70 ông vẫn gắn cuộc đời với nhà nông, với đất dù có thời gian dài ông làm đội trưởng đội sản xuất, cũng từng là nông dân sản xuất giỏi… Ông gom góp, chắt lọc những bài thơ của mình để rồi tròn ba mươi năm sau giải phóng, nhờ sự tài trợ kinh phí của người em ruột: Phó giáo sư, Tiến sĩ văn học Hồ Thế Hà cho ra đời tập thơ Mưa xuân thì và 5 năm sau nữa (2010), cũng với cách làm đó, ông cho ra đời tiếp tập thơ Chao sóng. Hai tập thơ này, Hồ Thế Phất đã chứng tỏ sự chín lại và cả sự tươi mới trong cảm xúc cũng như tiếp cận cao hơn với thơ hiện đại. Những “mộng”, những “ảo” không còn thấy xuất hiện trong thơ! Thơ ông, giờ đời hơn và trần trụi hơn nhưng không kém phần trữ tình, sâu lắng: Con chim gieo hạt non ngàn/ Anh gieo lục bát cho tràn thơ ca/ Em gieo cây lúa đồng xa/ Cây ngàn- hạt lúa- thơ- là của nhau. (Gieo hạt)
Dù thơ Hồ Thế Phất cũng còn đó những bài mang âm hưởng cổ kiểu thể hành và thơ Đường của Trung Hoa như: Đường sương vô cùng tận/Ta đi vô cùng đời/ Cố nhân vô cùng ẩn/Giọt sương vô cùng rơi (Vô cùng ) nhưng cũng lại có những bài khá hiện đại: Em/là cây thánh giá/ là chuỗi tràng hạt/ Đêm đêm/ Anh nhìn cây thánh giá/ Anh lần chuỗi tràng hạt/ Nguyện cầu (Nguyện cầu) hay: Vút lên bầu trời/ Trăng/ trong cốc ngọc/ Vời vợi mắt em/ long lanh giọt rượu/ Thẳm sâu tim anh/ ắp rượu và trăng. (Rượu trăng).
Không có ý so sánh Hồ Thế Phất với những nhà thơ nông dân khác của Bình Định song quá trình làm mới mình với một xuất phát điểm như ông tự nhận là trường đời, là cuộc sống và những sách, báo “gặp đâu đọc đó” để khẳng định một sự nghiệp thơ như ông thật đáng trân trọng!
|