Hướng đến kỷ niệm 40 năm giải phóng huyện Hoài Ân, thời gian qua, nhiều di tích lịch sử của huyện được phục dựng, đặt bia, xây Nhà lưu niệm… làm bật lên diện mạo mới, tầm vóc mới.
1. Ngày 31.3, tại thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín, công trình Nhà lưu niệm Chi bộ Vạn Đức, nơi ghi dấu sự ra đời của tổ chức cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên trên đất Hoài Ân, và là một trong những chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Bình Định, đã được khánh thành. Khu di tích nơi thành lập Chi bộ Vạn Đức được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2007. Sau khi được công nhận, xếp hạng, UBND huyện Hoài Ân đã xây dựng, triển khai thực hiện đề án đầu tư xây dựng các hạng mục tại khu di tích này. Cùng với việc khánh thành đưa vào sử dụng công trình quan trọng nhất trong tổng thể các hạng mục này, phần việc sưu tầm kỷ vật, tài liệu lịch sử, hình ảnh… liên quan đến sự kiện để trưng bày tại Nhà lưu niệm cũng đang được tiến hành. “Mong muốn của lãnh đạo và nhân dân huyện nhà là đưa di tích trở thành một trong những thiết chế văn hóa của địa phương để giá trị di tích được phát huy hiệu quả. Đây không chỉ là nơi tưởng niệm, ghi dấu một sự kiện lịch sử, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương, kế thừa và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ”, Giám đốc Trung tâm VH- TT- TT huyện Hoài Ân Trần Thế Nhân cho biết.
|
Nội dung sinh hoạt của Di tích lịch sử Văn chỉ Hoài Ân mang tính phục vụ cộng đồng cao. |
2 . Một công trình văn hóa quan trọng khác cũng đã kịp hoàn thành trong dịp chào mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng huyện nhà là Văn chỉ Hoài Ân. Tọa lạc ngay trên nền Văn chỉ xưa (được thành lập vào năm Tự Đức thứ 20-1867), Văn chỉ Hoài Ân tiếp tục thực hiện sứ mệnh khuyến khích sự học, vinh danh hiền tài. Đến dự khánh thành công trình này, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, người cung cấp nhiều sử liệu quan trọng về Văn chỉ, đã nhắn nhủ “mong những người làm thầy ở Hoài Ân hãy xem đây như từ đường của mình!”. Ngày 6.3.2012, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Văn chỉ Hoài Ân. Giữa khuôn viên Khu Văn chỉ là Đình Văn chỉ, nơi thờ Khổng Tử, vị khai khoa của đất học Hoài Ân Hồ Văn Nghĩa và các vị khoa bảng của huyện ngày xưa; bên trái là Nhà cộng đồng khuyến học có trưng bày bức chân dung khổ lớn của Chu Văn An, người thầy vĩ đại của dân tộc, ảnh Bác Hồ với thiếu nhi, tủ sách, hình ảnh sự nghiệp giáo dục, khuyến học huyện Hoài Ân…; bên phải là 3 bia đá lược ghi tiểu sử, công tích của nhà yêu nước Tăng Bạt Hổ và 37 vị khoa bảng của hai huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân.
Ở công trình này, tính chất kế thừa và phát huy được thể hiện sâu đậm qua nội dung sinh hoạt phục vụ lợi ích cộng đồng. “Đây sẽ là nơi hằng năm huyện nhà tổ chức gặp mặt, tặng thưởng cho những người làm công tác giáo dục tiêu biểu của địa phương; trao học bổng cho học sinh, sinh viên xuất sắc, học sinh nghèo hiếu học từ Quỹ Khuyến học Tăng Bạt Hổ, Quỹ Khuyến học khuyến tài Tâm Châu; tổ chức các sinh hoạt ngoại khóa cho các trường trong huyện; gặp mặt sinh viên vào dịp Tết Nguyên đán; địa chỉ về nguồn để Huyện đoàn tổ chức các buổi nói chuyện về truyền thống hiếu học của Hoài Ân…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Phi Long cho biết về nội dung sinh hoạt của Văn chỉ.
3. Các di tích cách mạng khác như: Núi Chéo (xã Ân Thạnh) được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2002, Núi Bụt (xã Ân Phong) trở thành di tích cấp tỉnh năm 2009… trong tương lai cũng sẽ được đầu tư xây dựng các công trình tưởng niệm, dựng bia chiến tích. Hiện tại, bia ghi dấu chiến tích Núi Bụt đang được khẩn trương thi công. Với tầm vóc lịch sử của mình, di tích Núi Chéo sẽ được xây dựng quy mô hơn gồm: nhà tưởng niệm, dựng bia chiến tích, làm đường lên đỉnh núi, phục dựng lại di tích với quy mô tương xứng với tầm vóc lịch sử.
Là vùng đất cách mạng, hầu hết di tích trên địa bàn huyện Hoài Ân là di tích lịch sử cách mạng. Cùng với huyện láng giềng Hoài Nhơn, Hoài Ân là địa phương thực hiện xây dựng, phát huy giá trị di tích theo hướng xã hội hóa khá tốt. Với diện mạo mới khang trang, uy nghiêm của những di tích lịch sử vừa được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đây là cơ sở để các ngành, các cấp huyện Hoài Ân có những biện pháp, hình thức thực hiện, phát huy giá trị di tích hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
|