Sau khi Hoài Ân hoàn toàn giải phóng (19.4.1972), các đội văn nghệ quần chúng được hình thành và hoạt động tích cực, đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho quân và dân trong huyện cùng các chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng làm nên “ngàn ngày giữ đất”.
Ngày ấy, Đoàn Văn công Quân khu V đã về biểu diễn phục vụ quân và dân huyện Hoài Ân. Ban ngày, đoàn giúp dân khai hoang vỡ hóa, dựng nhà, chữa bệnh; đêm xuống tập trung chia thành từng nhóm, tổ luyện tập và dàn dựng các chương trình biểu diễn. Đoàn Văn công cũng hướng dẫn, khích lệ phong trào văn nghệ quần chúng của huyện Hoài Ân phát triển mạnh mẽ với hàng loạt các đội văn nghệ ở các xã: Ân Hảo, Ân Hòa, Ân Tín, Ân Đức, Ân Nghĩa, Ân Phong…
|
Các cựu thành viên Đội văn nghệ xã Ân Hảo thời kháng chiến biểu diễn trong ngày họp mặt 14.4. Ảnh: Hồ Việt Quốc |
Ông Nguyễn Văn Trí, Đội trưởng Đội văn nghệ xã Ân Hảo (nay tách thành xã Ân Hảo Đông và Ân Hảo Tây), nhớ lại: “Đội văn nghệ của xã là đội duy nhất có 18 thiếu niên tham gia biểu diễn trong tổng số hơn 40 thành viên. Các thành viên của đội lao động, làm công để lập quỹ mua sắm phục trang, đạo cụ, đi diễn thì góp gạo nhà, nhưng ai nấy đều rất hăng hái tham gia”.
Đội văn nghệ xã Ân Hảo có nhiều hạt nhân, như: Nguyễn Văn Trí giỏi ca kịch, Nguyễn Thị Kim Thành với giọng hát ngọt ngào làm mê mẩn người nghe; Hồ Việt Quốc ở tuổi thiếu niên nhưng đã sớm bộc lộ năng khiếu hát múa… cùng lực lượng nhạc công biểu diễn các loại nhạc cụ phong phú như đàn mandolin, accordion, violon, đàn cò, đàn bầu, sáo, đàn kiềm. Các chương trình ca, múa, nhạc, kịch của Đội khá chuyên nghiệp, được nhiều nơi mời đi biểu diễn.
|
Cựu chiến binh Phạm Thị Thành là “giọng ca vàng” của Đội văn nghệ xã Ân Hảo xưa. Ảnh: Hồ Việt Quốc |
Những ngày sau giải phóng, quân và dân Hoài Ân bắt tay vào công cuộc tái thiết quê hương, trở thành hậu phương vững chắc phục vụ đắc lực sức người và của cải cho tiền tuyến. Vì thế, các đội văn nghệ quần chúng cũng hoạt động tích cực để phục vụ bà con, tạo nên phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”. Anh Hồ Việt Quốc, cựu thành viên Đội văn nghệ xã Ân Hảo, hồi tưởng: “Không thể nào quên những năm tháng phục vụ dân công, bộ đội chiến đấu kiên cường trong “ngàn ngày giữ đất”. Chúng tôi đào những hố tròn xung quanh nơi biểu diễn, mỗi khi địch bắn pháo, ném bom thì nhảy xuống hầm trú ẩn, xong lại lên cất cao tiếng hát. Có những trận đánh ác liệt, thương binh nhiều, các thành viên đội văn nghệ giặt áo cho thương binh mà máu nhuộm đỏ con mương. Mọi người chia nhau đón thương binh ngay điểm vận chuyển, vừa khiêng cáng vừa hát những bài hát Kết đoàn, Giải phóng miền Nam để xoa dịu những cơn đau thể xác”.
Sau năm 1975, các đội văn nghệ quần chúng ở các xã của huyện Hoài Ân lại tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào văn nghệ quần chúng. Những ngày tháng 4, kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng huyện Hoài Ân, cựu thành viên các đội văn nghệ quần chúng khi xưa đã cùng tụ họp, sẻ chia những câu chuyện một thời hoạt động máu lửa và hào hùng.
“Ngày 14.4, các cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng ở xã Ân Hảo xưa đã có cuộc gặp mặt đầy xúc động. Nhiều người giờ đã lên chức ông bà nhưng vẫn vẹn nguyên tinh thần hăng say biểu diễn”, anh Hồ Việt Quốc tâm sự.
|