Cỏ may
20:9', 21/4/ 2012 (GMT+7)

Những chiều dọc triền sông quê, cỏ may múa hát có gió reo khúc hoan ca. Cỏ vẫy tay chào các mục đồng, cỏ làm nơi ém quân bí mật cho lũ trẻ chăn bò lập trận giả chia phe đánh nhau.

Quê tôi, bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn của người dân diễn ra ven sông, ven bãi bồi, cỏ may đều biết hết. Cỏ may ghi vào ký ức, hòa vào niềm vui chung của con người và buồn với nỗi buồn của riêng ai ngồi một mình bên bờ sông vắng lặng.

Chiều chiều lũ trẻ lùa bò sang sông. Có đứa bám lấy đuôi bò lội theo cho qua con nước; có đứa ngồi hẳn trên lưng bò, miệng hò hét vang sông. Lũ con gái tóc đuôi gà nón cời, nón lá. Con trai thì cóc ngán cái nắng chang chang như đổ lửa giữa ngày hè, cởi trần phóng xuống sông thi nhau bơi ào ào rồi tự chấm giải…

Chán chê, lũ trẻ lại ào lên bờ đuổi bắt nhau mệt nhoài. Nhìn lại quần áo đứa nào cũng găm đầy cỏ may. Những bông cỏ đơn sơ, hiền lành, găm vào quần áo. Cả lũ ngồi tỉ mẩn gỡ cỏ may, gỡ hoài, gỡ mãi trong câu chuyện râm ran không đầu không cuối. Dường như cỏ may chỉ thích găm vào nền vải, không trầy xước chân tay nên chẳng ai nỡ giận.

Rồi, có những chiều lũ trẻ chúng tôi men theo bờ sông mải mê câu cá. Cá chẳng cắn câu, lũ trẻ tức giận cắm cần, đi đào khoai đất soi, lấy cỏ khô chụm lại thổi lửa pho pho. Đến khi khoai nức mùi thơm mới chia nhau ăn, miệng đứa nào cũng đen xì. Cả lũ cười sảng khoái.

Có những chiều, tôi và cô bé nhà hàng xóm loay hoay trong mảnh vườn nhỏ đầy cỏ may và hoa dại. Chúng tôi ngắt những bông hoa li ti với đủ sắc màu cắm vào các chai, lọ, sắp thành hàng làm “lối hoa” rồi ngồi đá gà bằng cỏ gấu. Sau những lần tôi quấn quít với cỏ may, mẹ phải ngồi hàng giờ gỡ từng bông cỏ, mắng yêu: “Chó con của mẹ lúc nào quần áo cũng dăng dít cỏ may. Mẹ chẳng sống được lâu dài để gỡ cỏ cho con”.

Tôi không nhớ nổi có bao nhiêu lần mẹ ngồi gỡ bông cỏ may trên quần áo của tôi. Rồi, tôi nhận ra mắt mẹ không còn sáng như xưa. Từ ấy, mỗi bận rong chơi trên đồng về, tôi ngồi lặng lẽ gỡ cỏ may. Loài cỏ đem lại sự phiền toái cho tôi và lũ nhóc, nhưng không ai kêu ca bao giờ, vì nó dệt nên sự hồn nhiên, trong trẻo của tuổi thơ.

Sau này, tôi cùng lũ bạn học đốt lửa trại ngoài bãi đất soi ven sông, nghe tiếng cá quẫy, tiếng nước róc rách, nghe thời gian đọng lại những phút giây đẹp nhất của lứa tuổi học trò. Chợt thấy có đôi bạn ngồi gỡ cỏ may cho nhau bên sông. Vậy là, bông cỏ may làm vật chứng cho những cuộc hẹn hò lúc chiều tà.

Cỏ may đi vào nỗi nhớ của tôi bằng cảm giác bồi hồi: “…Vôi nồng thấm miếng trầu cay/ Cỏ may nệm gối hương say tóc thề…”. Một chút tình vẩn vơ của thời trai trẻ không ngờ nặng nợ một đời thật khó gỡ ra!

  • TRẦN QUỐC CƯỠNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ấm áp tình đồng đội  (21/04/2012)
Rộn ràng ngày hội lịch sử  (20/04/2012)
Trưng bày “Hoài Ân- 40 năm xây dựng và phát triển”  (18/04/2012)
40 năm âm vang tiếng hát  (18/04/2012)
“Góc nhìn quê hương” của Võ Chí Hà  (16/04/2012)
Diện mạo mới, tầm vóc mới  (16/04/2012)
VTV1 làm phim về Bình Định  (16/04/2012)
Hồ Thế Phất - đường cày, đường thơ  (14/04/2012)
Khánh thành và trao bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh Văn chỉ Hoài Ân  (14/04/2012)
Triển lãm ảnh nghệ thuật “Góc nhìn quê hương”  (12/04/2012)
Hoài Ân: Rộn ràng hướng về Lễ hội  (12/04/2012)
Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (Quy Nhơn) đoạt 3 giải  (11/04/2012)
Lên vùng cao chiếu phim về Bác Hồ  (11/04/2012)
Cần được bồi dưỡng, khích lệ  (11/04/2012)
Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học  (11/04/2012)