Dương Viết Hòa:
Bản giao hưởng thầm lặng
20:15', 21/4/ 2012 (GMT+7)

Làng Quảng Xá (thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) được mệnh danh là “làng nhạc sĩ”, bởi những nhạc sĩ tài hoa của dòng họ Dương. Họ lập nghiệp ở khắp nơi, tập trung nhiều nhất tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế. Duy nhất nhạc sĩ Dương Viết Hòa dừng chân ở Bình Định.

1. Nhạc sĩ Dương Viết Hòa hiện là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Chi hội Âm nhạc Bình Định. Ông từng chia sẻ, gia đình và dòng họ là “gia tài âm nhạc” lớn nhất, với người bác ruột Dương Viết Á là GS - Nhạc sĩ - Nhà giáo ưu tú hàng đầu của ngành âm nhạc nước nhà, cùng cô, chú, em, cháu là những nhạc sĩ đã định danh tài năng trong giới âm nhạc cả nước.

Chính cái nôi đó đã hun đúc lửa đam mê, nuôi dưỡng nên “dáng dấp” của một nhạc sĩ Dương Viết Hòa hôm nay. “Tôi được học nhạc năm 7 tuổi, lên 13 tuổi đã có 3 tác phẩm đầu tay được chọn phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và phổ biến rộng rãi. Từ đó, tôi hăng say sáng tác ca khúc cho các bạn cùng lớp tham gia văn nghệ. Nhập ngũ, tôi sáng tác cho đồng đội đêm đêm ôm đàn ghita hát” - nhạc sĩ trải lòng.

 

Nhạc sĩ Dương Viết Hòa (thứ hai, từ phải qua) cùng em gái Dương Nguyệt Ánh (phía sau) và các học trò: nhạc sĩ Quốc Hùng, NSƯT Như Quỳnh và ca sĩ Vân Khánh.

Rời quân ngũ, Dương Viết Hòa học khoa Sáng tác - Lý luận của Học viện Âm nhạc Huế. Những ngày đầu, ông viết nhiều ca khúc thể loại romance, serenatde; về sau, các sáng tác của ông đa dạng thể loại, độc đáo thủ pháp khai thác chất liệu âm nhạc như những bản hợp xướng nhiều chương; tác phẩm khí nhạc cho dàn nhạc dân tộc, các preluyte và fuguo cho đàn piano, uwertuya, tứ tấu; cả những giao hưởng thơ, sonata viết cho piano và rapsodi viết cho sáo trúc…

14 tác phẩm trong số đó đã được một số nhạc viện và trường nghệ thuật trong nước đưa vào giáo trình giảng dạy. Đặc biệt, 3 tác phẩm: Romance “Đảo xa”, Preluyte piano “Sự sống của cái chết” và Thème 5 variation “Trống đồng Ngọc Lũ” đã được Nhạc viện Tchaikovsky (Nga) - một trong những nhạc viện lớn nhất thế giới - chọn đưa vào giáo trình.

Dương Viết Hòa còn có nhiều sáng tác cho quần chúng đoạt giải cao của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tại các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và được dùng trong các lễ hội lớn như: Festival Huế, Lễ hội Phong Nha - Kẽ Bàng, Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Một số hợp xướng: “Hạm đội”, “Trên rừng biên giới” cùng các ca khúc “Tâm tình con sáo sang sông”, “Lời ru con suối gió ngàn”, “Cổ tích Phong Nha - Kẽ bàng”… được phổ biến rộng rãi trong nước. Ông cũng cho ra đời nhiều ca khúc hay về Bình Định, như: “Tiếng trống Quang Trung”, “Tình yêu Apsara”, “Bến bờ Hội Vân”, “Lời ru Phước Sơn”…

2. Nói về Dương Viết Hòa, nhạc sĩ Hoàng Hải cho rằng, đó là một người có khả năng sáng tác tốt, đặc biệt ở thể loại khí nhạc và giao hưởng. Để làm được điều này, người sáng tác không chỉ có vốn kiến thức chuyên môn vững vàng, am hiểu tính năng của tất cả các loại nhạc cụ, mà còn phải có khả năng sáng tạo phong phú, một vốn sống, vốn tri thức nhiều mặt.

Hàng chục sáng tác thuộc nhiều thể loại đã thể hiện tư duy sáng tạo nghệ thuật mang tính triết lý về cuộc sống, đất nước và con người Việt Nam, cùng sự cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp sáng tác của ông. Mỗi tác phẩm của Dương Viết Hòa đều có sự làm việc nghiêm túc, đi kèm với sự phá cách, mới mẻ. Đặc biệt, với các tác phẩm khí nhạc, tiết tấu và giai điệu biến hóa trầm-bổng, nhanh-chậm, tạo sự rung động mạnh mẽ.

Giữa những trào lưu âm nhạc thời thượng, có đầy rẫy ca khúc xô bồ ít tính nghệ thuật, nhạc sĩ Dương Viết Hòa trăn trở và chấp nhận dấn thân vào lối đi riêng nghệ thuật đã chọn. Thực tế tại Bình Định, không nhiều người từng nghe nhạc Dương Viết Hòa, bởi ông thường xem nhẹ khâu quảng bá. Trừ một vài ca khúc, với đặc thù riêng các tác phẩm khí nhạc và giao hưởng, để dàn dựng thu âm, đòi hỏi phải có cả một dàn nhạc đồ sộ - việc này vượt quá khả năng tài chính hiện tại của ông. Hơn nữa, dòng nhạc giao hưởng có vẻ “quá tầm” với nhiều người. Năm 2000, ông đã vận động kinh phí từ người thân, bạn bè để tổ chức đêm nhạc thính phòng tại Trung tâm Văn hóa tỉnh nhưng chỉ lèo tèo vài người đến thưởng thức.

3. Giới nhạc sĩ của Bình Định nhận xét, Dương Viết Hòa là người trầm tính, sống khép kín, nhưng cá tính và có chút ngang tàng. Những xốc nổi thời trai trẻ; bao phù vinh, kiêu bạc trong âm nhạc và cuộc sống; sự xô lệch của số phận và cả những xộc xệch trong đời thường... tạo ra nhiều cách nhìn của người đời về Dương Viết Hòa. Duy chỉ có một điều không thể phủ nhận là tài năng và tâm huyết của ông dành cho âm nhạc.

Miệt mài sáng tác, Dương Viết Hòa còn thường xuyên được mời giảng dạy và soạn giáo trình các môn lý thuyết âm nhạc cho một số trường đại học trong và ngoài tỉnh. Ông còn là nhà nghiên cứu lý luận - phê bình âm nhạc với một số bài viết được đánh giá cao về cồng chiêng Bana, Khan Ê đê, đan giao điệu thức trong âm nhạc dân tộc, âm nhạc dân tộc H’rê (Bình Định)... Hiện tại, ông đang nỗ lực sưu tầm, nghiên cứu về nhạc võ Tây Sơn.

Nhạc sĩ Dương Viết Hòa hào hứng chia sẻ: “Tôi đang thực hiện một giao hưởng thơ theo đăng ký của Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ đầu năm và 3 kịch múa theo đơn đặt hàng của NSND Ứng Duy Thịnh và NSND Lê Huân”.

Hơn nửa cuộc đời cống hiến cho âm nhạc, đến giờ, người nhạc sĩ này vẫn xác định: “Sẽ không bao giờ dừng lại!”.

  • NGỌC TÚ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cỏ may  (21/04/2012)
Ấm áp tình đồng đội  (21/04/2012)
Rộn ràng ngày hội lịch sử  (20/04/2012)
Trưng bày “Hoài Ân- 40 năm xây dựng và phát triển”  (18/04/2012)
40 năm âm vang tiếng hát  (18/04/2012)
“Góc nhìn quê hương” của Võ Chí Hà  (16/04/2012)
Diện mạo mới, tầm vóc mới  (16/04/2012)
VTV1 làm phim về Bình Định  (16/04/2012)
Hồ Thế Phất - đường cày, đường thơ  (14/04/2012)
Khánh thành và trao bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh Văn chỉ Hoài Ân  (14/04/2012)
Triển lãm ảnh nghệ thuật “Góc nhìn quê hương”  (12/04/2012)
Hoài Ân: Rộn ràng hướng về Lễ hội  (12/04/2012)
Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (Quy Nhơn) đoạt 3 giải  (11/04/2012)
Lên vùng cao chiếu phim về Bác Hồ  (11/04/2012)
Cần được bồi dưỡng, khích lệ  (11/04/2012)