Quán cóc
22:25', 21/4/ 2012 (GMT+7)

Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ SAO LY

“Ông coi ngày rồi, mai tốt đấy, ông cháu ta khai trương cửa hàng thôi!”, như chỉ đợi quyết định này của ông, Hạnh gật đầu cái rụp.

Cửa hàng là quán cà phê cóc được mở bên hông nhà, tủ pha chế đặt trên hè, còn khách thì ngồi vỉa hè. Mà đúng là tốt ngày thật, hôm khai trương đã “bán đắt như tôm tươi”, đúng như lời Hạnh lẩm bẩm khấn vái sáng sớm lục đục chuẩn bị chè xôi làm mâm cúng mở quán. Ba cái bàn con, mười mấy ghế nhựa kín chỗ. Nửa cân cà phê, mấy lạng đường, lon sữa bò, gần chục chai Pepsi hết veo! “Ông! Sáng mai con đi lấy hàng sớm” - Hạnh thông báo với ông khi đang ngồi đổ đống tiền lẻ ra sàn nhà, vuốt phẳng phiu từng tờ, tủm tỉm cười, đếm đi đếm lại…

* * *

Nếu không có sự quyết liệt của ông, chắc cả đời Hạnh vẫn làm công nhân may. Nếu ông không cầm mấy triệu đồng tiền lương hưu gom góp mấy năm trời dúi chặt vào tay nó, bảo mua bàn ghế, ly tách, sắm sửa hàng quán thì sáng sáng, nó vẫn dậy sớm, bắt xe buýt đến công ty, tối mịt mới về mỏi nhừ tử. Để rồi, cuối tháng cầm hơn triệu bạc, đếm đi đếm lại, mong có tờ tiền nào đó bị dính đôi…

“Chủ quán, cho ly cà phê!” - ông khách gọi to. Hạnh nghe thấy, nhưng không nghĩ nẫu gọi mình. “Chủ quán” - hai tháng rồi mà nó vẫn chưa quen. Nó đang ngẫm lại cơ may từ người thuê trọ thành chủ hàng cà phê cóc này.

Hạnh chỉ chăm chắm sắm đủ mọi thứ để bán cà phê, nước giải khát. Ông lại cất công làm cho cái quán đơn sơ của Hạnh sang hơn, đặc biệt hơn một chút. Ông mang mấy lồng chim, giò lan trên sân thượng xuống treo lủng lẳng dưới mái hiên, làm cho quán vui mắt hẳn. Ông mua tặng nó cái giá để báo bằng inox, đặt mua báo hàng ngày, tranh thủ đọc sớm rồi chuyển giao cho Hạnh, thêm mấy cuốn sách văn học, tạp chí, thế là quán cà phê cóc của Hạnh xôm hẳn!

Nghe khách gọi nước uống, Hạnh gật đầu “dạ dạ”, còn ông mở cuốn vở “theo dõi tình hình kinh doanh” ghi ngày tháng, cột ghi đồ uống, cột giá tiền. Mới bán được một ngày, tính tiền Hạnh chưa hết vui thì đã la oai oái: “Ông ơi! Con không biết vốn bao nhiêu, lời bao nhiêu, ngày nay bán được bao nhiêu ly…”. Ông cười cười, chìa cho nó cuốn sổ, Hạnh phục lăn.

* * *

Có cái quán này, cánh cửa bên hông nhà ông lại được mở ra như hồi ông chưa bị tai biến, rọi vào nhà mọi âm thanh cuộc sống thường ngày vốn có. Vẫn dính chặt trên cái xe lăn, nhưng tay chân ông đâm ra bận rộn, cái nặng nề của người già cũng giảm đi nhiều. Cánh bạn hưu trí năng đến chuyện phiếm với ông hơn. Con trai, con dâu ban đầu cản ông cho Hạnh mở quán vì sợ ồn ào, ảnh hưởng đến chuyện ông nghỉ ngơi. Nhưng ông quả quyết. Ông tội nghiệp đứa cháu gái họ hàng xa thiệt thà quá thể, tháng nào cũng tăng ca miết ở xưởng may, nhận lương ra không dám mua cái áo mới, chắt mót gởi về phụ má nuôi lũ em ăn học. Biết chừng nào nó mới có chút vốn lận lưng, rồi còn hạnh phúc riêng tư của nó. Ông cũng nghĩ cho ông, yên tĩnh hoàn toàn trong nhà chẳng khác nào với cách ly cuộc sống, ông thấy cô độc. Ông lại không muốn thuê người giúp việc như ý vợ chồng con trai.

Có Hạnh và cái quán nhỏ của nó, ông thấy vui vui. Ngôi nhà bớt vắng. Ông mừng vì con trai, con dâu mình biết cưu mang họ hàng, chúng nó không những cho Hạnh ở nhờ mà ngay cả tiền điện, tiền nước cũng không lấy. Tiền lời hằng tháng gấp đôi tiền lương Hạnh đi may xí nghiệp, vẫn gởi về phụ má nó, còn lại Hạnh tích lũy cho mình. Cái số con Hạnh cũng may, mở quán không bao lâu, công trình xây dựng bề thế bên cạnh động thổ, nó phải mua thêm ly tách mới đủ pha cà-phê, mua thêm mấy ca nhựa to để bán trà đá cho đám công nhân.

* * *

Hạnh đi chợ về, thấy người bu đen bu đỏ một góc. Chắc là tai nạn xe. Nó cố chen vào. Trước mắt nó chỉ còn vũng máu loang lổ. Là Điền. Hạnh thấy xây xẩm. Trong nhà, ông đã tự đẩy xe lăn ra tới bậc thềm, khản cổ gọi Hạnh: “Là ai vậy con? Đứa nào mới té từ giàn giáo xuống đấy? Tức thì, nó rơi trước mắt, trời ơi!”.

Người ta nháo nhào tìm. Cả chủ thầu, công nhân cùng làm với Điền không một ai biết nhà trọ hay quê quán người xấu số. Số điện thoại người nhà của Điền lại càng không. Họ bảo Điền mới vào làm, lại ít nói, không thấy kết bạn, chuyện trò thân thiết với ai, sao biết được!

“Tui biết!” - Hạnh thều thào, luýnh quýnh, sấp ngửa vào nhà, lấy cái điện thoại trên đầu tủ lạnh.

10 đầu ngón tay ríu lại, Hạnh lục danh bạ tìm, chắc là đây, Hạnh bấm gọi “nhà”. Nghe đến hồi chuông thứ ba thì Hạnh không dám nghe nữa, đưa điện thoại cho ông, mặt co rúm sợ hãi, mắt ầng ậc nước: “Con không biết thông báo làm sao?!”. Hạnh co ro đứng vào xó bếp, nghe tiếng được tiếng mất của ông: “Thong thả, thong thả, nghe tui nói. Cháu nó bị ngã, từ tầng 7, lúc đang tô. Đang cấp cứu, nhưng nặng lắm, người nhà sắp xếp vào gấp…”.

Thi thoảng lắm Điền mới gọi ly cà-phê, thường anh chỉ uống trà. Không phải trà đá pha loãng lạnh tê lưỡi như số đông công nhân thường gọi mà là bình trà nóng, pha thật đậm. Mấy ngày nay, Điền thường gửi cái di động sạc pin nhờ ở quán Hạnh. Ngày nào cũng sạc, Điền bảo điện thoại pin đã hư, dùng nửa ngày là hết, đợi cuối tháng nhận lương mới thay được. Hạnh chỉ biết về Điền có vậy. Thắt lòng nghĩ, sao cứ như bong bóng xà phòng, tan biến chớp mắt, vài ngày sau đã chẳng nghe ai xôn xao, bàn tán về Điền, về tai nạn đó nữa. Đám thợ cần mẫn đục đẽo, mải miết xây, mải miết tô. Tòa nhà ngày một cao lên.

* * *

Ngày tòa nhà khánh thành, Hạnh không dọn hàng. Nó đẩy ông già ra biển hóng gió. Hai ly nước mía tan đá, tràn chảy đầy cái bàn nhựa cũ, một già, một trẻ, lặng lẽ khóc. Hạnh không biết ngày mai, ngày mốt, ngày kia, nó còn muốn dọn hàng cà phê ra bán nữa không. Cánh cửa bên hông nhà, ông có dám mở toang ra nữa không. Cứ nhìn cái tòa nhà ấy là trong Hạnh lại hiện lên cảnh la ó hỗn độn, đám người bu đen bu đỏ quanh thân thể nát nhừ, loang máu. Rồi cảnh Điền loay hoay khổ sở với cái điện thoại cà tàng, Điền ngồi chậm rãi uống từng ngụm trà đậm. Cái quán nhỏ này không bình yên, không là nguồn vui với cả ông và Hạnh nữa rồi.

Hạnh chẳng gật ừ cũng chẳng bảo không khi mấy chị phụ hồ cứ thấy bóng Hạnh là hỏi (chẳng biết thương hay trêu ghẹo): “Mày để ý thương thằng Điền hay sao mà từ bữa nó đi tới giờ “xụi lơ” vậy, Hạnh?”.

Sáng nay, Hạnh thấy người ta đặt nhiều lẵng hoa, mang nhiều thảm đỏ đến trải, chuẩn bị cho lễ khánh thành. Ngay chỗ Điền rơi xuống, mấy tàn nhang đêm trước người anh của Điền thắp vái lạy đứa em xấu số đã được quét dọn tự bao giờ…

  • N.T.S.L
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bản giao hưởng thầm lặng  (21/04/2012)
Cỏ may  (21/04/2012)
Ấm áp tình đồng đội  (21/04/2012)
Rộn ràng ngày hội lịch sử  (20/04/2012)
Trưng bày “Hoài Ân- 40 năm xây dựng và phát triển”  (18/04/2012)
40 năm âm vang tiếng hát  (18/04/2012)
“Góc nhìn quê hương” của Võ Chí Hà  (16/04/2012)
Diện mạo mới, tầm vóc mới  (16/04/2012)
VTV1 làm phim về Bình Định  (16/04/2012)
Hồ Thế Phất - đường cày, đường thơ  (14/04/2012)
Khánh thành và trao bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh Văn chỉ Hoài Ân  (14/04/2012)
Triển lãm ảnh nghệ thuật “Góc nhìn quê hương”  (12/04/2012)
Hoài Ân: Rộn ràng hướng về Lễ hội  (12/04/2012)
Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (Quy Nhơn) đoạt 3 giải  (11/04/2012)
Lên vùng cao chiếu phim về Bác Hồ  (11/04/2012)