|
Hạ Long từ lâu đã trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách khi đặt chân tới Việt Nam. |
Việc Bộ VH,TT&DL quyết định tổ chức lễ công bố và đón nhận danh hiệu Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới trang trọng và hoành tráng tại hai địa điểm (SVĐ quốc gia Mỹ Đình vào tối 27.4 và TP Hạ Long tối 1.5) một lần nữa gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Nhiều ý kiến cho rằng, trước tầm ảnh hưởng của cuộc bầu chọn và danh hiệu do tổ chức tư nhân trao tặng, động thái trên có phải là sự lãng phí và danh hiệu này có khiến ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Ninh nói riêng "chuyển động"?
Vinh danh đúng mức
Kéo dài suốt 4 năm (từ 2007-2011), cuộc đua bầu chọn Vịnh Hạ Long trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới đã nhận được sự quan tâm tích cực từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành, du khách và người dân Việt Nam. Cùng với Bộ VH,TT&DL, một số bộ, ngành khác như Ngoại giao, GD&ĐT, Thông tin và Truyền thông, các hội đoàn như đoàn thanh niên, hội sinh viên…, tỉnh Quảng Ninh và nhiều địa phương khác cũng đã vào cuộc một cách mạnh mẽ thông qua nhiều hình thức vận động, tuyên truyền bầu chọn đa dạng, được triển khai cả trong và ngoài nước. Cuối cùng, di sản thiên nhiên thế giới 2 lần được UNESCO công nhận lại một lần nữa lọt vào top 7 kỳ quan nhờ 24 triệu tin nhắn. Thế nhưng, niềm vui chưa trọn vẹn khi dư luận ồn ào quanh chuyện giá trị của chiếc "vương miện" mà Vịnh Hạ Long đạt được lần này cũng như những phí tổn mà chúng ta phải trả.
New Open World (NOW), đơn vị phát động và tổ chức cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới có trụ sở đặt tại Zurich (Thụy Sỹ) là một tổ chức tư nhân do Bernard Weber, một nhà làm phim người Canada gốc Thụy Sỹ chính thức thành lập vào năm 2001 với mong muốn "chung tay" bảo vệ các di sản thiên nhiên và nhân tạo của thế giới. Tuy nhiên, trên website chính thức của mình, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã nhấn mạnh, cả tầm quan trọng lẫn ý nghĩa bền vững của dự án cá nhân này không thể đóng góp vào việc bảo tồn các địa danh sau khi được bình chọn. Vì vậy, dù đã được mời để hỗ trợ dự án của NOW nhiều lần nhưng UNESCO quyết định không hợp tác.
Không chỉ có vậy, ngay sau khi cuộc bầu chọn kết thúc, một thông tin được khá nhiều người quan tâm là tổ chức của Bernard Weber nhận được bao nhiêu tiền từ số lượng 24 triệu tin nhắn? Theo thỏa thuận, số tiền 630 đồng/tin nhắn, Bộ VH,TT&DL phải trả cho nhà mạng 300 đồng, trả cho NOW 300 đồng tiền bản quyền, 30 đồng còn lại để đóng thuế. Như vậy, tính sơ sơ với số lượng tin nhắn bầu chọn không nhỏ trên thì số tiền mà NOW thu được khoảng... 7,5 tỷ đồng. Cùng với số tiền này, NOW còn nhận được phí đặt chỗ và phí hình ảnh để Vịnh Hạ Long được tham gia bình chọn.
Không ít tiền của Nhà nước được dùng đầu tư cho truyền thông, mua máy tính, làm băng rôn khẩu hiệu, mít tinh, cổ động nhân dân, tổ chức cho khách nước ngoài và các đoàn ngoại giao tham gia cuộc chơi… Rồi đến lễ công bố và đón nhận danh hiệu của Vịnh Hạ Long tới đây diễn ra ở 2 địa điểm, số tiền chi phí sẽ là một con số không nhỏ.
Trao đổi với Hànộimới chiều 23.4, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết, Vịnh Hạ Long với 2 lần được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và nay lại thêm danh hiệu kỳ quan thiên nhiên thế giới mới đã mang lại niềm vinh dự và tự hào cho người dân Quảng Ninh nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Việc chúng ta quảng bá và giới thiệu để thế giới biết đến di sản thế giới này nhiều hơn nữa thực sự rất cần thiết. Nhưng khi khuếch trương quá đà sự kiện đón nhận "vương miện" kỳ quan bằng những buổi lễ hoành tráng được tổ chức cả ở trung ương và địa phương trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay thì rất đáng băn khoăn. "Chúng ta chỉ cần tổ chức một buổi lễ trang trọng, tiết kiệm với mức độ vừa phải mà vẫn mang lại hiệu quả quảng bá cao, đó mới là điều cần thiết trong thời điểm hiện nay" - PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.
Thách thức lớn hơn niềm tự hào
Chưa bàn đến danh hiệu kỳ quan thiên nhiên thế giới mới do NOW trao tặng, chỉ với 2 lần được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới bởi giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan tự nhiên năm 1994 và giá trị khoa học về địa chất địa mạo năm 2000, Vịnh Hạ Long đã là một danh thắng, một điểm du lịch hàng đầu Việt Nam.
Bởi thế, trong hành trình tour của nhiều hãng lữ hành danh tiếng trên thế giới, Hạ Long trở thành điểm đến không thể thiếu khi họ đặt chân đến Việt Nam. Nhờ vậy, dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nhưng trong năm 2011, lượng du khách đến Vịnh Hạ Long vẫn đạt 6,6 triệu lượt, trong đó có 2,5 triệu khách nước ngoài. Riêng quý I năm nay, di sản này đã đón 2,4 triệu lượt khách (tăng 20% so với năm trước), trong đó có 420 nghìn khách nước ngoài. Thế nhưng, giá trị kinh tế cũng như hiệu quả xã hội có được ấy đã xứng tầm với di sản 2 lần được UNESCO vinh danh?
Ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, Vịnh Hạ Long chưa biết khai thác tốt những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng. Những hình ảnh chưa đẹp như rác thải bừa bãi, "chặt chém", đeo bám du khách, tai nạn đường thủy… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến "vòng nguyệt quế" mà Vịnh Hạ Long đang sở hữu.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ khẳng định, chỉ có danh tiếng và sự phô trương tốn kém sẽ không làm nên kỳ tích, nhất là đối với ngành du lịch. Nếu môi trường Hạ Long không được đầu tư đúng mức và ngày càng ô nhiễm, cảnh quan bị lạm dụng khai thác bừa bãi, người dân địa phương ứng xử không văn minh, lịch sự, ngành du lịch không cải tiến nội dung và chất lượng dịch vụ thì dù chúng ta có giành được bao nhiêu danh hiệu cũng sẽ khiến du khách "một đi không trở lại".
Theo Quyết định số 1348/QĐ - BVHTTDL của Bộ VH,TT&DL, lễ công bố và đón nhận danh hiệu Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới tại SVĐ quốc gia Mỹ Đình tối 27.4 gồm 2 phần: phần lễ gồm các nghi thức ngoại giao; phần hội là chương trình nghệ thuật gồm 3 chương. Chương I mang tên “Thiên đường Hạ Long” tái hiện truyền thuyết về Vịnh Hạ Long; chương II với chủ đề “Việt Nam - Đất nước của những di sản thế giới”, sẽ giới thiệu những nét tinh túy của loại hình nghệ thuật truyền thống được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể; chương III “Hạ Long - Việt Nam - Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới” là hình ảnh của Vịnh Hạ Long với vẻ đẹp bất tận và vô giá cùng những lời cam kết Quảng Ninh sẽ kết hợp tốt giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường để tạo ra nền du lịch bền vững. |
. Theo HNM |