Vĩnh biệt thầy Trương Tham
10:23', 26/4/ 2012 (GMT+7)

Nếu ví mỗi người có tri thức, có nhân phẩm là một bông hoa của đất, thì trên mặt đất này thầy đã gieo trồng, đã chăm chút nên hương sắc cả ngàn bông hoa. Một đời thầy đã gắn với phấn trắng bảng đen, với cái hay cái đẹp của những trang văn, câu thơ và những tinh hoa văn chương ấy đã được truyền đạt bằng cả tinh huyết, cả sự tận tụy đặc biệt. Thầy là Nhà giáo ưu tú Trương Tham.

Sau gần 2 tháng chống chọi với bạo bệnh, 16g45phút ngày 24-4-2012, Nhà giáo Ưu tú Trương Tham đã từ giã cõi đời trong niềm tiếc thương vô hạn của bao bạn bè, người thân và các thế hệ học trò.

 

Thầy Trương Tham.

 

Ra đi ở tuổi bảy mươi và trước khi đột ngột đổ bệnh, ngày ngày thầy Trương Tham vẫn còn đạp xe đến các Trung tâm luyện thi, các lớp đào tạo học sinh giỏi để giảng dạy dù nghỉ hưu đã nhiều năm qua.

Hơn bảy ngàn các thế hệ học trò được thầy dạy học từ những ngôi trường mái tranh vách lá nơi sơ tán ngoài Bắc thời đất nước còn chia cắt đến ngôi trường Trưng Vương Quy Nhơn, đến các lớp học sinh giỏi cấp tỉnh là tài sản chính của thầy. Rất nhiều trong số này đã là giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học đầu ngành, nhà văn tên tuổi.

Ai đó đã nói, chỗ đứng của người thầy là trong lòng học trò. Theo cách nói này, trong lòng các thế hệ học trò, thầy Trương Tham sừng sững một tượng đài. Thầy đã nhận hàng trăm lá thư học trò mọi miền, tất cả đều được trân trọng lưu giữ ngăn nắp.

Không có gia đình riêng, thầy được bù đắp bằng một gia đình rộng lớn hơn là, gần xa bao lớp học trò. Học trò đã chung tay tạo dựng ngôi nhà thầy đang ở. Vì quê thầy tận xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân nên, để chuẩn bị cho thầy về với cõi thọ, hơn một năm trước học trò đã chung tay lập sẵn sinh phần ngay tại nghĩa địa ở thành phố cho tiện ngày ngày thăm viếng. Suốt thời gian nằm điều trị ở bệnh viện, thầy được các học trò gần gũi thay nhau chăm sóc. Thầy thực sự đã sống trong lòng học trò đúng với nghĩa rộng và đẹp nhất của từ này.

Ngoài học trò và sách vở, thầy có hai người bạn thân thiết bên mình là những con chó lành hiền, trung thành và hoa. Khu vườn nhỏ trước nhà thầy có cả trăm loài hoa. Mới tết này tới thăm thầy, chúng tôi thấy có chậu hoa như hoa đào, màu trắng, cánh phớt viền hồng. Thầy bảo ‘‘nhất chi mai’’ của một học trò từ Nam Định gửi tặng. Trong nhà thầy luôn có những bình hoa tươi, đêm đêm bên ánh đèn đọc sách, soạn bài của thầy, chỉ có hương hoa lặng lẽ dâng tặng và chia sẻ. Lặng lẽ hương hoa trên từng sợi tóc đang đốm bạc, trên năm tháng da mồi.

Ngoài dạy học, thầy Trương Tham còn viết cảm luận về những tác phẩm văn học, những tác phẩm trong chương trình giảng dạy và ngoài chương trình, những tác phẩm của bạn văn. Đó là những phân tích cảm nhận tinh tế về các vẻ đẹp của văn chương. Những trang viết của thầy đã in trên nhiều báo văn địa phương, trung ương, và được gộp lại thành 2 cuốn sách. Thầy là hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh, mỗi lần giới thiệu thầy ở các diễn đàn, ngoài danh hiệu Nhà Giáo Ưu Tú, bao giờ bạn văn cũng nối thêm chữ ‘‘nhà phê bình’’ đầy nể trọng.

Không kể những bạn đọc là người yêu văn chương, những cuốn sách của thầy được học sinh phổ thông rất thích chuyền tay nhau đọc tham khảo. Từ những cuốn sách này, thầy lại có thêm những học trò mà mình không trực tiếp giảng dạy.

Mỗi người trong đời, trên đường đi dài ngắn lớn, bé khác nhau đều hắt sang bên một cái bóng. Riêng với thầy Trương Tham, cái bóng thầy đã mở muôn nơi trong những người học trò yêu kính thầy. Họ đã học từ thầy và, như một nối tiếp tích cực, đã làm được nhiều điều thầy không làm được. Nhưng rồi muôn nơi ấy với từng địa vị sang hèn khác nhau, những người học trò vẫn châu tuần về quanh thầy với tất cả yêu thương. Lẽ đời thật đơn giản và cũng thẳm sâu khi có thể nói rằng, tài sản của thầy vô cùng lớn.

Bây giờ thầy đã tạm dừng hành trình cao đẹp một đời. Cánh chim mẹ yêu thương đã mỏi, xin hãy yên nghỉ. Những học trò thầy sẽ đi tiếp với hành trang đầy nhân văn và phẩm giá được thầy chăm chút trang bị. Từ đây quanh ngôi nhà mới của thầy sẽ có hoa tươi ôm ấp, và thầy sẽ có mặt hàng năm trong cùng thế hệ học trò trong ngày tưởng niệm.

Xin dâng thầy nén hương trong vô vàn thương tiếc. Vĩnh biệt thầy.

  • LÊ HOÀI LƯƠNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Điểm sáng văn nghệ quần chúng  (25/04/2012)
Thương nhớ thầy Trương Tham  (25/04/2012)
Danh tiếng và phô trương không làm nên kỳ tích!  (24/04/2012)
Về “Truyện thơ Hòn Vọng Phu”  (23/04/2012)
Về với “Dòng sông quê hương”  (23/04/2012)
Giải Cống hiến 2011: Mỹ Linh, Anh Quân thắng lớn  (23/04/2012)
Quán cóc  (21/04/2012)
Bản giao hưởng thầm lặng  (21/04/2012)
Cỏ may  (21/04/2012)
Ấm áp tình đồng đội  (21/04/2012)
Rộn ràng ngày hội lịch sử  (20/04/2012)
Trưng bày “Hoài Ân- 40 năm xây dựng và phát triển”  (18/04/2012)
40 năm âm vang tiếng hát  (18/04/2012)
“Góc nhìn quê hương” của Võ Chí Hà  (16/04/2012)
Diện mạo mới, tầm vóc mới  (16/04/2012)