|
NSƯT Phương Thảo |
NSƯT Phương Thảo - một cái tên đã quá đỗi thân quen đối với khán giả yêu nghệ thuật Tuồng trong cả nước. Song với chúng tôi, những diễn viên trẻ của Nhà hát Tuồng Đào Tấn, NSƯT Phương Thảo còn là một cô giáo tận tụy truyền nghề và truyền cả bầu nhiệt huyết cho nghệ thuật Tuồng.
Sinh ra ở Hà Nội nhưng NSƯT Phương Thảo lại có duyên nợ với Bình Định và cô đã dành cả tâm huyết lẫn tài năng cống hiến cho nghệ thuật Tuồng trên mảnh đất này, dưới mái nhà chung - Đoàn Tuồng Liên khu V trước kia và nay là Nhà hát Tuồng Đào Tấn.
Gắn bó với Đất Tuồng Bình Định từ năm 1976, thành tích mà NSƯT Phương Thảo đạt được thật đáng nể: 5 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc qua các kỳ hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc; 2 lần vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều lần nhận Bằng khen của Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Bình Định và đặc biệt cô đang được đề nghị xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Thành công của NSƯT Phương Thảo đã để lại trong lòng những bạn nghề và khán giả yêu Tuồng sự kính phục, trân trọng song với chúng tôi, những diễn viên trẻ của Nhà hát Tuồng Đào Tấn hôm nay, còn có một sự quý mến khác. Đó là cái tâm làm nghề và sự tận tụy trao truyền kỹ thuật cũng như nhiệt huyết trong nghệ thuật Tuồng của cô.
Tháng 9.2009, NSƯT Phương Thảo được lãnh đạo Nhà hát giao nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy lớp diễn viên trẻ. Đối với loại hình kịch hát truyền thống này, để lột tả được tính cách nhân vật yêu cầu diễn viên phải thành thục các khả năng: hát - múa - diễn. Đây quả là thử thách lớn đối với cô và trò. Bởi, chúng tôi tuy tốt nghiệp chuyên ngành nghệ thuật nhưng khi tiếp cận với Tuồng, đa phần đều bị lai cách phát âm trong âm nhạc, điệu bộ thì ảnh hưởng của múa mới cho nên việc điều chỉnh, hướng dẫn cách phát âm trong Tuồng cũng như múa Tuồng gặp không ít khó khăn. Mặc dù vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, NSƯT Phương Thảo đã truyền dạy cho chúng tôi khá thành thục cả về kỹ thuật hát các làn điệu trong Tuồng và những động tác múa cơ huấn, cơ bản.
Mỗi buổi lên lớp của cô thực sự là một buổi tập luyện đổ mồ hôi của cả cô lẫn trò. Cô chỉ dạy, uốn nắn từng câu hát, từng động tác vũ đạo; động viên tinh thần và trao truyền nhiệt huyết. Nhờ vậy, sau thời gian tập luyện, chúng tôi đã có được những vai diễn tốt để báo cáo sát hạch chuyên môn nghệ thuật Tuồng. Các diễn viên trẻ chúng tôi đã diễn thành công vài ba trích đoạn Tuồng: “Chuyện tình nàng công chúa Sa Mi”, “Nguyệt Cô hóa cáo”, “Ông già cõng vợ đi xem hội” được lãnh đạo tỉnh, Sở VH-TT&DL đánh giá cao.
Thành công mà chúng tôi có được là nhờ nhiều yếu tố cộng hưởng, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của NSƯT Phương Thảo. Cô chia sẻ: “Nghe các em hát Tuồng, xem các em diễn Tuồng, tôi thấy trong lòng vui mừng khôn tả. Trong xu thế đa số các bạn trẻ không mấy mặn mà với nghệ thuật truyền thống thì các em đã làm cho tôi thay đổi cái nhìn bi quan về sự tồn tại, phát triển của nghệ thuật Tuồng. Tôi thực sự tự hào và tin rằng lớp trẻ vẫn dành rất nhiều tình cảm, nhiệt huyết cho nghệ thuật Tuồng nếu những người có trách nhiệm biết phát hiện, giúp đỡ để chắp cánh cho họ”.
|
NSƯT Phương Thảo (áo sẫm) đang sửa động tác múa cho học trò. |
Không dừng lại ở đó, phát huy những kết quả ban đầu, NSƯT Phương Thảo tiếp tục truyền dạy một số trích đoạn Tuồng mẫu như: Trưng Vương đề cờ, Lan Anh lạc đẻ, Kim Lân qua đèo… Cô lại tiếp tục nâng cao khả năng vũ đạo cho các học trò phần múa binh khí như: thương, ngựa, búa, siêu, cờ, kiếm, cung… Trong năm 2012, Nhà hát Tuồng Đào Tấn chào mừng sự kiện lớn- kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển. Dù bận rộn nhiều việc nhưng cô vẫn sắp xếp thời gian để dạy dỗ cho lớp diễn viên trẻ. Hiện tại, cô trò đã hoàn thành căn bản trích đoạn Tuồng “Trưng Vương đề cờ”. Đây là một trích đoạn Tuồng lịch sử thể hiện truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam, rất phù hợp cho biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị. Tập thể nam nữ diễn viên trẻ đang nỗ lực khổ luyện dưới sự chỉ bảo tận tình của cô với mong muốn đóng góp một phần nhỏ trong lễ hội kỷ niệm 60 năm của Nhà hát và qua đó thể hiện tấm lòng thành kính của thế hệ diễn viên trẻ đối với Tổ nghiệp và những bậc tiền nhân.
Nghĩ đến NSƯT Phương Thảo, lớp học trò chúng tôi luôn nhớ lời cô: “Mong muốn lớn nhất của cô là các em đam mê, gắn bó với nghề; cố gắng ôn luyện phát huy thế mạnh của mình để làm sao mỗi em có thể đóng được nhiều dạng vai khác nhau; gìn giữ được bản sắc nghệ thuật Tuồng, vốn quý của dân tộc mà ông cha đã dày công gầy dựng”..
(Nhà hát Tuồng Đào Tấn) |