* Truyện ngắn của LÊ XUÂN THỌ
|
Tranh minh họa: LE SA LONG |
Chiều cuối tuần, với thói quen cố hữu, tôi và anh bạn cùng phòng lại đi dạo biển. Sở dĩ chúng tôi có thói quen như vậy là vì cả hai đều là dân đảo, đã quen hương biển và nghe tiếng sóng. Những lúc như thế, tuy không nói ra, cả hai đều cảm thấy trong lòng vơi đi nỗi nhớ quê, tâm hồn được bình yên lạ thường.
Lúc này chiều đang xuống; ráng chiều đỏ rực rồi tắt dần, ánh dương cuối ngày lan dần khắp phố rồi đi về phía trời đông. Vào buổi chiều, nhất là những buổi chiều cuối tuần, nhịp đập của phố như gấp gáp hơn. Băng qua mấy con đường quen thuộc, lại phải vòng qua cái bùng binh nữa, cuối cùng chúng tôi cũng đến được eo Nín Thở. Tại đây, chúng tôi có thể đưa tầm nhìn về bên phải và chạy miết đến bãi tắm Hoàng Hậu; rồi đưa ánh mắt về bên trái và dừng lại ở cửa Hàm Tử hay nhìn ra phía trước, nơi có mấy ngọn núi nổi trên mặt biển. Để rồi sau đó, tầm quan sát của chúng tôi dừng lại ở bãi biển, nơi mà không thể đếm xuể có bao nhiêu người đang say sưa với những trò của mình. Tuy vậy, hoạt cảnh này cũng nhanh chóng kết thúc khi trời đã nhá nhem. Thoáng chốc bãi biển trở nên yên ắng hẳn, chỉ còn lại vài cặp tình nhân đang cố kéo dài thêm thời gian bên nhau.
Khi định rời bãi biển thì đã nghe cô hàng nước mía mời gọi và chúng tôi ghé vào không một chút do dự. Chúng tôi không phải dân kinh tế, nên ban đầu có mang câu hỏi: không biết những người bán nước này có kỹ năng như thế nào mà có thể mời khách hiệu quả đến thế? Nhưng rồi tặc lưỡi cho qua, vì mình đang khát chứ bộ! Đến đây thì lòi ra một câu hỏi nữa: vậy tại sao họ biết mình đang khát? Thế là chúng tôi cho rằng, những sinh viên ngành kinh tế nên làm luận văn tốt nghiệp, hoặc bài nghiên cứu khoa học gì đấy với đề tài Kỹ Năng Bán Hàng Của Những Người Bán Nước! Chẳng phải trên thế giới, mà cụ thể là nước ta có nhiều bác nông dân đã quen chân lấm tay bùn mà vẫn chế tạo máy bay, máy cày hay sao? Vậy thì người bán hàng nước hoàn toàn có thể thiết lập nên một hệ thống kỹ năng bán hàng mang lại hiệu quả kinh tế cao… Chúng tôi đang quay cuồng trong mớ giả thuyết và kết luận trên trời dưới đất của mình, thì phải trở về với thực tại vì sự ngắt mạch của một cậu bé:
- Chú, cho con xin mấy ngàn ăn cơm chứ con đói quá!
Đấy là một chú nhóc trạc mười hai, mười ba, nước da ngăm đen vì rám nắng, áo quần đã rách vài chỗ. Thằng bé nói câu đấy cùng với cái xoa bụng và bộ mặt cầu khẩn rất thật. Chúng tôi chưa kịp xử trí ra sao vì số tiền mang đi chỉ vừa đủ trả cho hai ly nước mía còn đang uống dở, thì cô chủ quán đứng cạnh đó, lên tiếng:
- Hai em đừng cho, nó đi chơi điện tử đấy!
- Ai thèm xin bà - thằng bé tru tréo lại.
Nói rồi nó bỏ đi. Điều này làm chúng tôi ngạc nhiên vì những đứa trẻ ăn xin không dễ dàng bỏ đi như vậy. Nhưng rồi mối băn khoăn ấy cũng nhanh chóng tan biến, chỉ còn mấy câu chuyện cũ rích của chúng tôi.
- Hôm nay hai chín rồi đấy.
- Vãi!
Thời tiết năm nay quái gở thật; nóng - lạnh, mưa - nắng thất thường, chẳng khác gì tính nết ương ương của mấy cô đang tuổi vào xuân. Mới ban chiều còn nóng như lửa, vậy mà giờ thấy lành lạnh rồi. Đây đích thực không phải cái lạnh do gió biển, mà do sương muối. Sương muối bao giờ cũng thế cả; lạnh và không tốt cho mùa màng. Những làn sương cứ thế rơi đều trên mấy vòm lá trong công viên, vài ba luồng ranh mãnh lén lút len lỏi vào trong da thịt, lạnh đang buốt dần. Thấy thời tiết không hợp lắm nếu ở lại lâu thêm nữa, chúng tôi trả tiền để đi về. Vào lúc ấy, từ ngoài biển, lẫn trong mấy nếp gió, có âm thanh vừa quen, vừa lạ vọng vào. Quen là vì âm thanh này khi còn ở quê luôn nghe, lạ là vì nó hiếm khi được nghe ở thành phố.
- Lại nữa rồi - Cô chủ quán buông lời khi nhận tiền của chúng tôi.
- Nghĩa là sao vậy cô? Tôi hỏi.
- Thì thằng bé đó chứ sao.
- Thằng bé nào ạ? Bạn tôi hỏi thêm.
- Cái thằng lúc nãy vừa xin tiền ấy. Hễ đêm nào có trăng, tầm giờ này thì nó lại thổi.
Nghe nói có trăng, chúng tôi giật mình nhìn lên trời thì thấy một vật màu vàng mờ mờ. Sực nhớ ra hôm nay ngày âm đang giữa tháng, và vì có sương nên chúng tôi quên khuấy đi rằng có vầng trăng đang treo trên đầu mình. Nhưng tại sao nó lại thổi vào lúc này? Mà thổi cái gì? Cô chủ không giải thích được, điều này như kích thích thêm tính tò mò của chúng tôi. Thế là hai thằng lại tiến ra phía biển, nơi có thằng bé đang ngồi. Sự có mặt của chúng tôi chẳng làm cho nó thấy lạ gì, ánh mắt thao láo hơi ướt nhèm của nó nhìn vội hai vị khách không mời rồi lại nhìn ra hướng biển xa xăm. Trên tay nó cầm một vỏ ốc to bằng nắm tay người lớn. Đây là ốc u, loại ốc mà phía trong nó có nhiều vòng xoắn, sau khi ăn thịt nó rồi, người ta lấy cái giũa để cưa đứt cái đít của nó và khi thổi hơi vào, nó sẽ tạo ra tiếng kêu rất hoang dại và vọng đi rất xa. Người ta lợi dụng tiếng kêu đó để thông báo với những kẻ có ý đồ không trong sạch mấy về tài sản của người khác. Nhưng chúng tôi lấy làm ngạc nhiên là tại sao thằng bé lại có con ốc này, và hơn nữa, với sức của nó, rất khó để thổi tạo ra tiếng kêu vừa rồi.
- Con ốc này của em à? Tôi hỏi.
- Dạ! Thằng bé đáp lời mà chẳng chịu nhìn chúng tôi.
- Có phải lúc nãy em thổi nó không? Tôi thêm vào.
- Dạ! Cũng như lần trước, thằng bé vẫn không chịu nhìn chúng tôi.
Tôi nghĩ, chắc nó còn giận chúng tôi chuyện lúc nãy nên mới như vậy. Thế nhưng, sau vài giây quan sát, tôi thấy nó không có vẻ gì là trách chúng tôi cả. Lát sau, nó quay lại hỏi:
- Hai chú có biết đây là đâu không?
- Thì eo Nín Thở chứ gì! Anh bạn tôi nhanh nhảu.
- Vậy chú có biết tại sao nó có tên gọi đó không?
Câu hỏi của thằng bé làm chúng tôi đớ người. Ở đây hơn ba năm trời rồi mà chúng tôi không hề biết gì về cái tên gọi của eo Nín Thở. Thấy chúng tôi có vẻ im lặng, thằng bé tiếp tục:
- Con không biết, với mọi người, vì sao nó lại có tên này. Còn đối với con, đó như là sự tích, sự tích về eo Nín Thở. Hồi con chưa biết ngồi, ba con đã chết vì đi biển. Trước đó, ba dặn má: Nếu không thấy anh về, và nếu nhớ anh vào những đêm trăng, thì em hãy mang con ốc này - thằng bé đưa con ốc cho chúng tôi thấy - ra bờ biển và thổi, xong rồi thì em hãy nín thở lại để nghe lời anh nói. Rồi ba con đã đi thật, và má con đã làm đúng như lời ba dặn. Nhưng giờ má con ốm nặng, không thể tiếp tục được nữa nên con phải thay má để nói chuyện với ba. Đấy, sự tích eo Nín Thở là vậy đấy.
Thằng bé kể cho chúng tôi nghe bằng cái giọng buồn đầy hồn nhiên của trẻ con. Chao ôi! Một cái tên bắt nguồn từ nhiều cách gọi. Nhưng với cách gọi đơn giản nhất, nó lại chứa cả một quá khứ đầy khổ đau!
|