Người theo nghiệp ca hát, cả chính danh lẫn nghề tay trái, ngày một đông đảo trong khi môi trường biểu diễn lại không kịp mở rộng. Điều này khiến nhiều năm qua ca sĩ trong tỉnh “rỗi” việc, thu nhập thấp và quan trọng hơn, thiếu môi trường phát triển nghề nghiệp.
|
Ca sĩ trong tỉnh khao khát môi trường biểu diễn rộng lớn, chuyên nghiệp hơn để phát triển sự nghiệp ca hát.
|
Chật hẹp đất diễn
Phải thừa nhận rằng khoảng 5-7 năm trở lại đây, đất dụng võ cho ca sĩ có phần rộng rãi hơn so với trước. Ngoài việc tham gia chương trình ca nhạc trong các dịp lễ hội, sự kiện văn hóa, show diễn du lịch, phòng trà, đám cưới, các ca sĩ còn có dịp biểu diễn nhân các cơ quan, doanh nghiệp… hội họp, tổng kết, khai trương… hoặc “cài cắm” thành người nhà để tham gia các hội diễn ngành. Tuy nhiên, đất diễn này dẫu sao cũng chỉ là thời vụ, lẻ tẻ, thiếu tính chuyên nghiệp, không phải là môi trường nghệ thuật để ca sĩ phát triển con đường ca hát.
“Tỉnh ta không có đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp, lực lượng ca sĩ tuy đông đảo nhưng thiếu nơi tập hợp, gắn kết. Đất diễn chật hẹp, để sống được với nghề, ca sĩ phải chen chân tìm show và diễn cả những dòng nhạc không phải là sở trường, thiên hướng phát triển của mình”- ca sĩ Công Cường nhìn nhận. Nếu trước đây đội ngũ ca sĩ trong tỉnh manh nha định hình các dòng: ca sĩ phòng trà chuyên hát nhạc trữ tình, nhạc tiền chiến; một bộ phận ca sĩ làm việc, cộng tác tại các trung tâm văn hóa sở trường chuyên dòng nhạc chính thống, nhạc cách mạng, thì nay “ranh giới” này gần như nhạt nhòa. Không ít khán giả ngạc nhiên khi thời gian gần đây, những giọng ca phòng trà quen thuộc như Tương Phùng, Quý Hòa, Lê Tuyền, Mỹ Phụng góp mặt thường xuyên tại các chương trình ca nhạc lễ, hội. “Từ sân khấu phòng trà đến sân khấu ca nhạc mang tính đại chúng là cả một khoảng cách, khác nhau nhiều về dòng nhạc, phong cách thể hiện, đối tượng khán, thính giả... Tuy nhiên, khi phòng trà ngày càng thu hẹp buộc ca sĩ phòng trà phải “lấn sân”, cố gắng thay đổi, học hỏi để thích ứng”- ca sĩ Tương Phùng cho biết.
Hiện tại, ở Quy Nhơn còn duy trì 3 phòng trà ca nhạc: Trịnh Công Sơn, Rocky bar Hoàng Hậu (2 đêm/tuần) và Tiếng Thời Gian (hằng đêm). Tuy nhiên, cảnh thường gặp là những sân khấu ca nhạc này sáng đèn nhưng khán giả đông, vắng vô chừng, doanh thu bấp bênh, thù lao của ca sĩ cũng chỉ mang tính tượng trưng. Họ đi hát cốt để rèn giọng, theo nghề. Các phòng trà cũng không kham nổi mời nhiều ca sĩ trong một đêm nhạc, thường chỉ có 2-3 ca sĩ hát chính, làm giảm tính thu hút, mới mẻ cho mỗi chương trình. Vòng luẩn quẩn đó càng làm phòng trà ế ẩm.
Hạn chế môi trường phát triển nghề nghiệp
Việc tồn tại và phát triển trong môi trường, đời sống âm nhạc trầm lắng như ở Bình Định luôn là thách thức với các ca sĩ trẻ mới vào nghề. “Không có những sân khấu biểu diễn ca nhạc quy mô, định kỳ, tương lai ca sĩ trẻ rất mù mờ. Tham gia văn nghệ phong trào, hát phòng trà, hát phục vụ sàn khiêu vũ như một cách mưu sinh chờ cơ hội, nhưng sự thay đổi tích cực thì không biết bao giờ mới có”- ca sĩ Tấn Phát chia sẻ.
Hiện tại, các ca sĩ trong tỉnh đang đi theo xu hướng đầu quân vào các đơn vị nghệ thuật, mong tìm một công việc và thu nhập tương đối ổn định cho tương lai lâu dài, và trong chừng mực nhất định có thể theo đuổi nghiệp ca hát. Hai ca sĩ nhạc trẻ là Minh Trang, Thanh Trực hai năm nay rèn luyện ở môi trường Nhà hát tuồng Đào Tấn để trở thành diễn viên tuồng. Các ca sĩ trẻ Lê Tuyền, Duy Long, Lan Hương cũng đang tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp ổn định hơn ở Đoàn Dân ca kịch bài chòi Bình Định. Trước đó, một số ca sĩ do “mỏi mệt” đợi chờ cơ hội phát triển trên quê nhà đã tìm đến nơi có môi trường nghệ thuật sôi nổi hơn như: Anh Ánh, Quang Thọ vào TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Công Trứ nhập Đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng.
Những người ở lại, hoặc đã qua tuổi để bon chen, phát triển nghề nghiệp hoặc đã có công việc ổn định, chuyên môn liên quan đến ca hát như: Quốc Cường, Công Cường, Quý Nhất, Minh Tuấn, Hiếu Thành… hoặc xem ca hát là nghề tay trái.
Hoạt động biểu diễn âm nhạc là tiền đề quan trọng để ca sĩ được đào tạo và phát triển nghề nghiệp của mình. Môi trường biểu diễn âm nhạc hạn hẹp, không chỉ ca sĩ mà cả nhạc sĩ cũng bị hạn chế cơ hội rèn luyện, phát triển. Chúng ta thiếu môi trường mang tính chuyên nghiệp, đó là nguyên nhân chính khiến đời sống âm nhạc tỉnh nhà không có điều kiện thăng hoa.
Đến bao giờ, Quy Nhơn, một đô thị loại 1, mới tổ chức, duy trì được một sân khấu ca nhạc, với lịch biểu diễn định kỳ, hàng tuần, hàng tháng, khán giả hình thành thói quen bỏ tiền mua vé xem ca nhạc?
Nhiều ca sĩ trẻ, vì mưu sinh và nôn nóng trải nghiệm qua nhiều môi trường biểu diễn, nên bị cuốn vào “chạy sô” khi nền tảng âm nhạc chưa vững. Môi trường hoạt động nghệ thuật càng khó khăn, các ca sĩ trẻ càng phải học hỏi, rèn luyện, trau dồi để có thể tự kiểm soát, tự điều chỉnh mình. (Ca sĩ Công Cường) |
|