Hồi sinh Hội đánh bài chòi
20:36', 7/5/ 2012 (GMT+7)

TP Quy Nhơn đã “phủ sóng” Hội đánh bài chòi đến 10 phường, xã tuyến biển trong thành phố.

- Trong ảnh: Hội đánh bài chòi dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn - năm 2012 tại Quy Nhơn. Ảnh: HOÀI THU

Có thể xem năm 2011 và năm 2012 là giai đoạn đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định (HĐBCCDG) sau nhiều năm mai một. Trong bức tranh chung về sự hồi sinh này, Quy Nhơn là điểm sáng…

Từ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn - năm 2012 đến nay, người dân Quy Nhơn đã qua hai đợt sống trong không gian văn hóa cổ truyền của Hội đánh bài chòi: Lần trước, tại nội thành Quy Nhơn suốt từ mùng 2 đến mùng 10 Tết Nguyên đán; mới đây nhất là tại xã bán đảo Nhơn Lý trong những ngày diễn ra Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền biển TP Quy Nhơn lần thứ XIII. Nhiều khán giả cao niên ở Quy Nhơn tâm đắc, rằng trò diễn xướng dân gian đậm tính nghệ thuật vốn đã mai một từ khoảng nửa thế kỷ, tưởng sẽ thất truyền, ngờ đâu lại tái hiện và dần trở nên quen thuộc với người dân thành phố.

Thời gian qua, nếu Sở VH-TT&DL thành công trong thực hiện “Dự án Bảo tồn Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định” thì Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa -  Thông tin và Thể thao (VH-TT&TT) TP Quy Nhơn cũng gặt hái kết quả đáng mừng với “tiểu dự án”: Khôi phục Hội đánh bài chòi trên địa bàn. “Lãnh đạo TP và Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn rất tâm huyết với mục tiêu làm cho Hội đánh bài chòi sống lại, trở thành sinh hoạt văn hóa dân gian quen thuộc, đặc trưng với người dân vùng biển và đã chỉ đạo sâu sát, đầu tư kinh phí để thực hiện. Đó là tiền đề quan trọng để việc triển khai khôi phục Hội đánh bài chòi thuận lợi, bài bản”- ông Phạm Hoàng Việt, cán bộ Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn cho biết. Sự bài bản ấy thể hiện ở cả những khâu nhỏ nhặt nhất: Về các làng tre đặt mua tre ngâm để làm chòi cho vững chãi, sử dụng lâu dài; “lùng sục” tìm thợ biết làm chòi tre đúng nguyên mẫu.

Một lợi thế lớn không thể không nhắc đến là các phường ven biển, các xã đảo, bán đảo của TP Quy Nhơn có một đội ngũ biết hô, hát bài chòi đông đảo, nhiệt tình. Điển hình như xã Nhơn Hải nhiều năm nay vẫn duy trì CLB bài chòi với 15 thành viên. Không có điều kiện tổ chức đánh bài chòi, họ thường sinh hoạt theo kiểu bài chòi trải chiếu, hát những trích đoạn bài chòi cổ. Hay như phường Trần Phú cũng có một CLB dân ca bài chòi, mà lực lượng nòng cốt là hội viên phụ nữ, với sở trường hát hò đối đáp và dân ca bài chòi làn điệu mới.

Từ hai người làm hiệu của Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn là Hoàng Việt, Quý Nhất, qua quá trình tập huấn, số người làm hiệu hiện nay ở 10 phường ven biển, xã đảo, bán đảo của Quy Nhơn đã có trên 30 người. Đó là những hiệu: Lê Thị Tràng, Trần Hữu Phước, Nguyễn Thị Kim Lan (ở xã Nhơn Châu); Nguyễn Dư, Lê Văn Thanh (ở xã Nhơn Hải); Nguyễn Thị Diễn, Nguyễn Thị Hồng (ở phường Trần Phú)… Đây cũng là những hiệu vừa góp mặt sôi nổi tại Hội thi đánh bài chòi cổ ở Nhơn Lý vừa qua. Hiệu Trần Hữu Phước (ở xã Nhơn Châu) cho biết: “Theo tôi được biết, không chỉ ở Nhơn Châu mà người yêu thích và biết hô hát bài chòi theo lối cổ ở các xã biển khác cũng nhiều nên không khó để gầy dựng các đội hiệu ở mỗi địa phương. Nếu hội đánh bài chòi được tổ chức thường xuyên trong tỉnh, từ nay, những người có năng khiếu bài chòi chúng tôi có nhiều dịp trổ tài, phục vụ bà con!”.

Về kế hoạch tiếp theo của Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn trong việc bảo tồn, phát huy di sản bài chòi, ông Hoàng Việt cho biết thêm: “Song song với việc tiếp tục tập huấn kỹ năng tổ chức Hội đánh bài chòi cho các phường, xã; phối hợp cùng các phường, xã khai thác thêm hạt nhân để mỗi địa phương hội đủ điều kiện tự tổ chức, sinh hoạt Hội đánh bài chòi, chúng tôi mong phục hồi hình thức bài chòi hát rong, bài chòi trải chiếu. Bắt đầu bằng việc “góp nhặt”, quy tụ các nhóm sinh hoạt bài chòi đang tản mác và sưu tầm, phục hồi biểu diễn các trích đoạn bài chòi cổ. Trước khi bài chòi lên sân khấu chuyên nghiệp, đây là ba hình thức tồn tại, diễn xướng của bài chòi dân gian. Làm được điều này, bài chòi dân gian Bình Định sẽ hồi sinh một cách chỉnh thể, đầy đủ hơn”.

Thi Hội đánh bài chòi là một trong những nội dung trong phần thi văn hóa tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền biển toàn tỉnh lần thứ X - năm 2012, sẽ diễn ra trong ba ngày 4, 5 và 6.6 tại thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước; thu hút sự tham gia của 6 đơn vị: huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, TP Quy Nhơn và đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh. Mỗi đơn vị tham gia thi Hội đánh bài chòi gồm 4 hiệu, 3 nhạc công, tổ chức đánh 1 hội 3 ván. Ban Tổ chức Ngày hội khuyến khích các đơn vị sưu tầm, sử dụng các câu thai cổ.

  • SAO LY
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làm cầu tạm trên đường dẫn tới mộ cụ Nguyễn Diêu  (06/05/2012)
Trái tim yêu thương  (06/05/2012)
Lễ kỷ niệm 125 năm ngày mất nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng  (06/05/2012)
Nhơn Lý vui hội dân gian  (06/05/2012)
“Nắng gửi gì cho hoa bằng lăng…”(*)  (06/05/2012)
Ca sĩ địa phương: Thiếu đất dụng võ  (03/05/2012)
Không chỉ là đam mê  (02/05/2012)
Offline giao lưu sinh vật cảnh   (02/05/2012)
Khởi đầu sôi động  (02/05/2012)
“Những bông hoa nhỏ” trở lại trên VTV6  (02/05/2012)
Sự tích eo Nín Thở  (28/04/2012)
Tâm nghề của một nghệ sĩ lớn  (28/04/2012)
Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam  (27/04/2012)
Đưa bài chòi cổ dân gian, hò đối đáp… vào nội dung thi  (26/04/2012)
Vĩnh biệt thầy Trương Tham  (26/04/2012)