Tiếng đàn P’rên của Đinh Trai
22:24', 14/5/ 2012 (GMT+7)

Cứ chiều chiều khi mưa cuộn về thung lũng Play Min, một ngôi làng nhỏ ở xã vùng cao An Toàn, huyện An Lão, nơi quần tụ của 58 hộ dân người Bana, là lúc ngôi nhà sàn nhỏ của nghệ nhân Đinh Trai rộng cửa đón bà con đến nghe ông chơi đàn…

Play Min vào những chiều chuyển mùa không ngột ngạt khó chịu như ở vùng xuôi. Buổi sáng làng bắt nắng ngay từ lúc năm giờ, một màu nắng êm vàng dịu nhẹ như nắng thu. Khoảng quá trưa thì mây trắng mây vàng trở về quần tụ. Và khi mây nặng kín trời là lúc mưa về khắp thung lũng 3 thôn vùng cao (An Toàn có 3 thôn: thôn 1, 2 và 3). Những trận mưa hầu như không ngơi nghỉ mà cứ dồn dập trên mái nhà như cung bậc đàn gỗ Blơn khơn...

 

Nghệ nhân Đinh Trai (đầu tiên, bên trái) chơi đàn P’rên.

Lúc này, ngôi nhà sàn của nghệ nhân Đinh Trai như không còn chỗ để ngồi nữa. Đông nhất là đám thanh niên, mỏng hơn một chút là các bok, các mí. Từ dưới bậc thang gỗ ngước lên đã thấy bập bùng bếp lửa. Ánh lửa thân quen làm sáng rõ từng khuôn mặt và loang loáng trên lưng bộ cồng chiêng treo trên vách gỗ. Lúc này người nghệ nhân già khoác chiếc áo gôn quen thuộc bắt đầu lên phím, chỉnh âm cho cây đàn P’rên. Ông đẩy đưa vài nốt dạo rồi đột ngột mở dòng thanh âm trên sáu dây đàn quen thuộc. Chuỗi thanh âm đồng vọng như tiếng gió rừng, tiếng con suối K’nia, tựa hồ như nhịp bàn chân đêm hội mùa xoang. Tiếng P’rên của Đinh Trai là vậy. Nó gần gũi tha thiết rồi ngấm sâu vào tâm tưởng con người. Nghệ nhân Đinh Trai thường tâm sự: “Khi mọi người trong nhà lên rẫy, tôi thường tìm đến cây đàn P’rên. Tiếng đàn lúc này buồn lắm, lạ lắm. Ngôi nhà thì trống hoang, bếp lửa không còn ấm nóng. Chỉ khi đêm xuống, được đánh đàn cho mọi người nghe, tôi mới thấy tiếng đàn kéo chúng tôi lại gần bếp lửa hơn...”.

Nghệ nhân Đinh Trai không chỉ thông thạo đàn P’rên, ông còn biết “gọi hồn” cho dàn cồng chiêng trên trăm mùa rẫy, một báu vật mà dòng họ ông lưu giữ qua bốn đời. Hồn chiêng theo ông, đó là chuỗi âm thanh có sức hút và cả sự lan tỏa trong tâm tưởng con người. Khi tập luyện cho thanh niên trong làng, ông thường treo dàn chiêng bên đống lửa theo trình tự của thang âm. Đinh Trai bảo với trai làng: “Tập đánh chiêng bên ngọn lửa, tiếng chiêng sẽ sáng hơn...”. Già làng Bok Ban xác tín thêm: “Mỗi khi có hội làng, có lửa, bok Trai thường cho thanh niên treo cồng chiêng lên cành sộp trước nhà rông để tập”. Bok Trem lại nói: “Vào mùa mưa, họ tập tới khuya tại bếp của già Đinh Trai”.

Đến mùa rẫy năm nay, Bok Trai tạm yên lòng. Vậy là dàn cồng chiêng mà dòng họ ông gìn giữ qua mấy đời vẫn còn lớp người kế tục. Những lúc lũ làng lên rẫy hết, ông hay nghĩ thẩn thơ: “Cũng may mà 11 chiếc cồng chiêng vẫn còn nguyên vẹn sau mấy trận càn năm 1968...”. Chiều nay bớt mưa, đám thanh niên làm rẫy sẽ về muộn. Đến đêm, không gian Play Min sẽ lại trầm hùng khi già trẻ gái trai trong làng nắm tay múa hát cùng nhịp điệu cồng chiêng nơi ngôi nhà sàn đơn sơ của nghệ nhân Đinh Trai.

  • LÊ NGUYỄN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
An Lão phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng nhà văn hóa cộng đồng trong năm nay  (14/05/2012)
HTV làm phim về võ Bình Định  (13/05/2012)
Mùa hoa đỏ về  (13/05/2012)
Phát động cuộc thi và triển lãm ảnh thời sự - nghệ thuật “An Lão trên đường đổi mới”  (12/05/2012)
Đưa thiên nhiên vào nhà phố  (12/05/2012)
Sẽ có 2 hoạt động tại Bình Định  (10/05/2012)
Nhìn từ một số mô hình  (10/05/2012)
Khởi công xây dựng vở “Sóng dậy Rạch Gầm”  (10/05/2012)
Tạo một “điểm nhấn” cho Quy Nhơn  (09/05/2012)
Nỗ lực xây dựng phường văn hóa  (09/05/2012)
UNESCO hỗ trợ “Quảng bá di sản thế giới khu vực miền Trung”  (09/05/2012)
Hồi sinh Hội đánh bài chòi  (07/05/2012)
Làm cầu tạm trên đường dẫn tới mộ cụ Nguyễn Diêu  (06/05/2012)
Trái tim yêu thương  (06/05/2012)
Lễ kỷ niệm 125 năm ngày mất nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng  (06/05/2012)