Vui mùa cầu ngư
22:30', 14/5/ 2012 (GMT+7)

Những ngày giữa tháng 4 âm lịch, ở Lộ Diêu (Hoài Mỹ, Hoài Nhơn) không khí thật nhộn nhịp. Trai làng trở về sau “một mùa trăng”(một tháng đi biển) để nhập cuộc lễ cầu ngư kết hợp hội hát bội suốt 4 ngày 4 đêm…

Không tổ chức thường niên, ở Lộ Diêu cứ 3 năm lễ cầu ngư lại diễn ra một lần. Ông Võ Xuân Mạo, Trưởng thôn, cho biết: “Gần 80% hộ dân trong thôn sống bằng nghề biển nên lễ này rất quan trọng”. Thay vì lên thuyền ra biển rước thần Nam Hải như những lễ trước, năm nay do biển động, sóng hơi lớn nên Ban tổ chức quyết định làm lễ ngay trên bờ, hướng mặt ra biển. Ông Đỗ Văn Lo, 68 tuổi, thành viên trong Ban tổ chức, cho biết: “Những năm trước, Ông (cá voi) hay vào biển này, nhưng 3-4 năm nay không vào nữa. Ngư dân đi biển cũng gặp nạn nhiều hơn. Chúng tôi chỉ mong qua lễ này cầu cho ngư dân được bình an, ghe tàu được thuận buồm xuôi gió…”. 

 

Thông qua lễ hội cầu ngư, ngư dân gởi gắm khát vọng bình an và được mùa biển.

 

Sau khi làm lễ tại điểm dự định xuất phát ra biển, đoàn nghinh thần Nam Hải về an vị tại dinh (còn gọi là Lăng Ông, nơi thờ thần Nam Hải). Cứ đi một đoạn dọc biển, người chủ lễ ra hiệu ngừng lại để vái lạy, 2 bên 2 đội cờ và bá trạo chạy xen kẽ với nhau, tay cầm mái chèo nhảy theo điệu chèo thuyền, hò hét tưng bừng. Theo những người cao tuổi ở đây, điều đó nhằm thể hiện sự vui mừng nghinh đón các thần. Đám đông đi theo đoàn rước, tiếng trống, tiếng hò vang cả một góc biển; những cơ bắp vạm vỡ ẩn đằng sau bộ trang phục nghi lễ đủ màu sắc… Tất cả tạo nên một cảnh tượng hiếm thấy ở mảnh đất mà hầu hết thời gian trong năm chỉ có người già, phụ nữ và trẻ em.

Kết hợp với lễ cầu ngư, cầu cho sóng yên biển lặng, ngư dân được mùa là lễ cúng thanh minh: cầu cho các vong hồn ở làng được siêu thoát, người dân có cuộc sống bình yên, no đủ. Đoàn nhảy bá trạo, cờ, trống… theo chân người chủ lễ đi từ đầu làng đến cuối làng. Họ đi dọc các bờ ruộng, men theo chân núi, xuyên hàng dương chắn biển… để cúng, cầu và “rước tất cả những vong hồn về xem hát”. “Người ta vẫn nói sống sao chết vậy mà. Đây là tục lệ từ lâu đời ở quê rồi. Chỉ trừ ngày đầu tiên làm lễ cúng, rước, 4 buổi tối tiếp theo là phần hát bội, gần như nhà nào cũng kéo nhau ra xem hát”, ông Nguyễn Phương (56 tuổi) sống tại đây cho biết.

Chỉ với một sân khấu nhỏ dựng tạm ngoài bãi biển, nhưng buổi biểu diễn hát bội nào cũng rất đông người làng đến xem. 

  • MINH ÚC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiếng đàn P’rên của Đinh Trai  (14/05/2012)
An Lão phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng nhà văn hóa cộng đồng trong năm nay  (14/05/2012)
HTV làm phim về võ Bình Định  (13/05/2012)
Mùa hoa đỏ về  (13/05/2012)
Phát động cuộc thi và triển lãm ảnh thời sự - nghệ thuật “An Lão trên đường đổi mới”  (12/05/2012)
Đưa thiên nhiên vào nhà phố  (12/05/2012)
Sẽ có 2 hoạt động tại Bình Định  (10/05/2012)
Nhìn từ một số mô hình  (10/05/2012)
Khởi công xây dựng vở “Sóng dậy Rạch Gầm”  (10/05/2012)
Tạo một “điểm nhấn” cho Quy Nhơn  (09/05/2012)
Nỗ lực xây dựng phường văn hóa  (09/05/2012)
UNESCO hỗ trợ “Quảng bá di sản thế giới khu vực miền Trung”  (09/05/2012)
Hồi sinh Hội đánh bài chòi  (07/05/2012)
Làm cầu tạm trên đường dẫn tới mộ cụ Nguyễn Diêu  (06/05/2012)
Trái tim yêu thương  (06/05/2012)