Đi viếng mộ cụ Nguyễn Diêu những ngày đầu tháng 5, những gì trông thấy khiến nhiều người phải chạnh lòng. Phần mộ cụ Tú Diêu bị cỏ dại che khuất, hư hại và xuống cấp nặng.
|
Mộ cụ Nguyễn Diêu bị cỏ dại che phủ, bị hư hại nhiều.
|
Quỳnh Phủ tiên sinh Nguyễn Diêu, hay thường gọi là cụ Tú Diêu, cụ Tú Nhơn Ân là thầy dạy chữ và có nhiều ảnh hưởng đến tài năng viết tuồng của danh nhân văn hóa Đào Tấn. Mộ cụ Tú Diêu nằm ở xóm 67, thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, nhưng khi hỏi thăm mộ cụ, tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu không biết. Khi có người biết thì họ cũng chỉ áng áng chừng nơi chôn cất cụ chứ không biết chính xác là ngôi mộ nào trên gò.
Mộ cụ Tú Diêu nằm giữa gò, xung quanh là ruộng. Muốn viếng mộ phải lội qua mương nước khá rộng. Chỉ vào dịp tảo mộ và ngày mất của cụ (ngày 5.5 âm lịch hàng năm), phần mộ của cụ mới được gia đình dọn dẹp, phát quang cỏ dại...
Sinh thời cụ Nguyễn Diêu được nhiều người yêu quý và tôn trọng bởi cái đức, cái tài. Với tư cách là một nhà giáo, cụ Nguyễn Diêu đã đào tạo cho xã hội trí thức thanh liêm, chính trực, chăm lo chống đói giảm nghèo cho dân. Với tư cách là một nhà văn, cụ để lại cho đời nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật rất độc đáo. Thế nhưng theo thời gian, mộ của ông đồ nghệ sỹ hư hại dần và chưa được quan tâm đúng với tầm vóc của một danh nhân.
Được biết, nhân hội thảo khoa học về danh nhân Nguyễn Diêu tổ chức tại Bình Định, sắp tới xã Phước Sơn sẽ dựng cầu tạm bắc qua mương nhằm tạo điều kiện cho đoàn tham dự hội thảo, cho những người yêu mến cụ Tú viếng mộ.
Ông Tôn Kỳ Hải, Phó chủ tịch phụ trách Văn hóa xã hội UBND xã Phước Sơn, cho biết: “Mộ cụ Nguyễn Diêu được chôn cất ở thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn nhưng trước nay đều do con cháu trong dòng tộc cụ chăm sóc. Nên dù nằm trên địa phận xã Phước Sơn, nhưng chính quyền xã không thể tự ý chăm sóc, bảo vệ. Mặt khác mộ cụ Nguyễn Diêu chưa được nhà nước công nhận là di tích nên cũng khó cho xã trong quản lý. Hơn nữa, việc chăm sóc, can thiệp đến mộ cụ, người thân của cụ cũng ngại, lo bị ảnh hưởng về mặt tâm linh. Hàng năm, cùng với gia đình cụ, giáo viên và học sinh trường THPT Nguyễn Diêu có tảo mộ vào dịp 23.12 hàng năm, và ngày giỗ cụ là ngày 5.5 âm lịch. Sau đợt hội thảo về cụ Tú Diêu, xã mong tỉnh, huyện có quyết định công nhận di tích, danh nhân địa phương để xã có cơ sở thực hiện nghĩa vụ của địa phương với danh nhân”.
|
Mương nước trên đường qua thăm mộ cụ Nguyễn Diêu.
|
Ông Nguyễn Văn Tho, Hiệu trưởng trường TPPT Nguyễn Diêu, cho biết: “Trường THPT Nguyễn Diêu được thành lập vào 1.5.2000 theo quyết định của UBND tỉnh. Với niềm vinh dự được mang tên cụ Tú Diêu – một người thầy lớn của tỉnh, nhiều năm qua nhà trường và học sinh cố gắng không ngừng trong quá trình dạy và học sao cho xứng danh bậc hiền tài. Để tưởng nhớ cụ, học sinh và nhà trường xin phép họ hàng cụ cho phép được tảo mộ cụ hàng năm, dâng hương vào ngày giỗ cụ. Sắp tới trường sẽ dựng bia vinh danh Quỳnh Phủ tiên sinh Nguyễn Diêu tại khuôn viên trường. Việc dựng bia tưởng niệm cụ Nguyễn Diêu ngay trong khuôn viên trường nhằm giáo dục cho học sinh tinh thần hiếu hoc, ghi nhớ công ơn của các bậc tiên hiền”.
Thiết nghĩ, phần mộ cụ Nguyễn Diêu có được công nhận là di tích hay không thì chính quyền địa phương, trường THPT Nguyễn Diêu cũng nên vận động, phối hợp với gia tộc cụ Nguyễn Diêu cùng chăm sóc và bảo vệ phần mộ cụ. Việc cùng chăm sóc mộ cụ như một cách ghi nhớ công ơn của người trước đối với hậu thế.
Nguyễn Diêu (tự Quỳnh Phủ) sinh ngày 21/7 năm Minh Mệnh thứ 2 (1822), mất ngày 19-3 năm Tự Đức thứ 33 (1880), quê quán làng Nhơn Ân, xã Phước Thuận, Tuy Phước. Người đời trân trọng gọi ông là Quỳnh Phủ tiên sinh, hoặc thân mật thì gọi là cụ Tú Diêu, cụ Tú Nhơn Ân.
Quỳnh Phủ tiên sinh Nguyễn Diêu là thầy dạy hậu tổ tuồng Đào Tấn. Đào Tấn chịu ảnh hưởng của Nguyễn Diêu về nhiều mặt, cả về đạo đức, học vấn lẫn nghề nghiệp. Suốt cuộc đời mình Đào Tấn luôn nhớ đến công ơn thầy, làm nhiều thơ văn nói về người thầy kính yêu của mình. |
Tin bài liên quan:
Ông Tú Nhơn Ân - Nguyễn Diêu
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ
Hoa quỳnh nở muộn |