Phòng bếp không còn thuần túy là nơi nấu nướng mà đang được chăm chút, điểm tô để trở thành nơi sum vầy đầm ấm của gia đình.
1. Là người yêu hoa và có năng khiếu về nghệ thuật, hội họa, chị Hiền ở 237 đường Nguyễn Huệ (Quy Nhơn), khi quyết định xây mới ngôi nhà cách đây hai năm, đã đề nghị với kiến trúc sư thiết kế một không gian nấu nướng gần gũi với thiên nhiên. Chị Hiền chia sẻ: “Tôi thích làm bếp trong một khung cảnh mát mẻ, có cây xanh, hoa lá, nước chảy róc rách. Bàn ăn đặt trong không gian ấy cũng lãng mạn với những chậu hoa mini do chính tôi làm ra, tạo cảm giác thoải mái cho các thành viên khi thưởng thức những món ngon”.
|
Quầy bar nhỏ ngăn cách giữa phòng khách và phòng bếp giúp chị Hiền vừa trổ tài nấu nướng vừa có thể góp chuyện với mọi người ở phòng khách. |
Phòng bếp của nhà chị Hiền chỉ khoảng 10 m2, nhưng nhờ cách thiết kế, bài trí hợp lý của KTS Nguyễn Công Nguyên (Công ty Tư vấn - thiết kế - đầu tư - xây dựng Gốc Việt Quy Nhơn) nên thoáng mát và rộng rãi. Những tông màu trắng - xanh trung tính chủ đạo làm sáng không gian, tôn sự sạch sẽ, ngăn nắp. Chị Hiền bỏ công biến từng góc phòng nhỏ thành những vườn hoa xinh xắn nhiều màu sắc. Bên trong bức tường được thiết kế như một khu vườn đứng với cây, hoa ở bên rìa, nước chảy róc rách suốt ngày xuống một cái hồ nhỏ mang đến không khí mát mẻ, dễ chịu.
Chị Hiền tỏ ra tâm đắc với quầy bar nhỏ - tạo ngăn cách giữa phòng khách và phòng bếp, bởi “vách ngăn” này cũng giúp chị vừa trổ tài nấu nướng lại có thể góp chuyện với mọi người ở phòng khách. “Dịp sinh nhật của các thành viên trong gia đình hay những khi mời bạn bè thân thuộc đến ăn tối, tôi cảm nhận được sự tiện lợi của phòng bếp. Mùi thơm khi nấu nướng cũng làm thực khách nôn nao hơn. Công việc nội trợ cũng trở nên quan trọng và đầy ý nghĩa. Phòng bếp ưng ý luôn tạo cảm hứng cho người nấu nướng để chế biến món ăn ngon”, chị Hiền chia sẻ.
3. Phải chăng “tổ ấm” có ngụ ý từ không gian bếp - là “linh hồn”, nơi “giữ lửa” của ngôi nhà? Là người “trong nghề”, nên hơn ai hết, KTS Nguyễn Thành Thái (Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng Bình Định) hiểu được một gian bếp có ý nghĩa như thế nào với ngôi nhà. Sống trong một căn hộ có diện tích chưa đến 90 m2 thuộc Khu chung cư Hoàng Anh Gia Lai (Quy Nhơn), KTS Nguyễn Thành Thái đã tài tình tạo ra những thay đổi hợp lý từ những thiết kế chung của chung cư, đặc biệt là phòng bếp.
|
Phòng bếp hiện đại, cá tính của thạc sĩ - KTS Nguyễn Thành Thái. |
Anh Thái kể, lúc mới nhận căn hộ, điều đầu tiên anh làm là thay đổi cách đặt để nội thất phòng bếp. Anh cho rằng: “Cần tạo ra một quy trình hợp lý và khoa học giúp người nội trợ thật sự thoải mái thể hiện “tài nấu nướng”, đồng thời, đảm bảo những điều kiện vệ sinh tối đa. Thông thường, sự sắp đặt phải ưu tiên theo một quy trình liên tục của thức ăn, với “đầu vào” là thực phẩm lấy từ tủ lạnh ra nơi rửa, nơi gia công chế biến đến nơi nấu nướng và cuối cùng “đầu ra” là những món ăn ngon, nóng sốt được bày biện đẹp mắt trên bàn ăn”.
Phòng bếp của anh Thái chỉ rộng khoảng 10 m2 nhưng vẫn đủ chỗ cho cả chục người vừa nấu nướng vừa thưởng thức món ăn. Không có cây xanh, song căn phòng luôn có gió và ánh sáng tự nhiên nhờ cửa sổ mở ra bên ngoài. Màu trắng chủ đạo giúp nới rộng không gian. Ánh sáng dịu nhẹ và kiểu đèn lá tre cũng làm cho khu vực ăn uống của gia đình luôn đầm ấm.
Chị Hoa, vợ anh Thái chia sẻ, căn bếp ấm áp là một lý do khiến cho mỗi thành viên trong gia đình, sau những giờ làm việc bận rộn, mong ngóng được quây quần bên nhau trong bữa cơm và cùng chia sẻ tình cảm qua những câu chuyện thường nhật.
KTS Nguyễn Thành Thái nhận định, thói quen xây phòng bếp của người dân Quy Nhơn là phải tuân thủ hướng bếp đã được xem trước, các yếu tố còn lại không được chú trọng nhiều, cả quy trình cơ bản của việc nấu nướng. Xu hướng bài trí bàn ăn trong phòng bếp đang thịnh hành vì vừa tiện như một “nhà hàng tại gia” vừa mang phong cách Á Đông hơn.
|