Hơn 30 tham luận gửi đến Hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu là những góc nhìn phát hiện, kiến giải mới mẻ và sâu sắc về bậc “nghiệp sư” tuồng này. Báo Bình Định tiếp tục trích giới thiệu ý kiến của một số nhà thơ tham dự Hội thảo.
|
Từ trái sang phải: nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: H.T
|
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha:
Nguyễn Diêu là nhà thơ lớn
Đọc các tác phẩm sân khấu của cụ Tú Diêu, tôi lại nhận ra một nhà thơ lớn Nguyễn Diêu. Đọc thơ Nguyễn Diêu, có cảm giác ông đã nguyện trọn đời lấy văn hóa dân gian làm nền tảng cảm xúc, đồng thời lấy những tinh hoa thơ thu nhận được ở đời đã đến độ chín làm giàu có thêm, vững chãi thêm thi pháp, thi tứ, thi ảnh, thi từ, thi điệu của riêng mình. Đọc thơ Nguyễn Diêu, thấy trên cái nền ngôn ngữ dân gian, nhất là ngôn ngữ địa phương tỉnh Bình Định, ông có những suy tư kiểu Nguyễn Trãi, những ngẫm nghĩ kiểu Trạng Trình, những triết lý kiểu Nguyễn Gia Thiều, những hài hước kiểu Hồ Xuân Hương, những dằn vặt kiểu Nguyễn Du và cả những nỗi niềm kiểu Nguyễn Đình Chiểu. Tất cả đều chín trong ông, từ sự đồng cảm với các tiền nhân mà có, mà rất tự nhiên. Ta nghe công chúa Đơn bang nói tiếng Bình Định: “Rứa rứa nghe qua chẳng phải- ri ri cũng chẳng can chi …” như không. Còn Đình Quý thì nôm na đất võ: “Giữa một bề cơm mắm- chẳng thấy bữa cá ngon”. Đến Thể Nữ thì hoàn toàn như người Bình Định: “Hễ là ăn chuối chát- thì phải nhớ mắm nêm”...
Đọc thơ Nguyễn Diêu, thấy ông rất giỏi dùng điệp âm, điệp ngữ nhằm nhấn mạnh nhịp thơ, nhấn nhá giai điệu thơ. Có những điệp âm hết sức thổ ngữ chỉ riêng có ở Bình Định như “linh đinh”, “lịu địu”, “lờ lợt”, “chành bành”, “hoe hoét”, “lăng líu”. Nguyễn Diêu thành thạo các nhịp thơ tứ ngôn, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn và đặc biệt là nhịp lục bát- nhịp cổ truyền Việt Nam trong các điệu Vãn, Nam của hát bội. Dường như đây là cây cầu nối cũng như nhiều cây cầu dân ca khác để chuyển lục bát Việt Nam thành boléro thời thượng hôm nay.
Nhà thơ, nhà nghiên cứu sân khấu Hoàng Kim Dung:
Cái nhìn mới đối với nhân vật phụ nữ trong tuồng Nguyễn Diêu
Với sự am hiểu sâu sắc của một nhà tâm lý học, nhà giáo dục học, trái tim nghệ sĩ của nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu đã cảm thương trân trọng, biểu đạt số phận cái đẹp của từng người phụ nữ trong từng cảnh ngộ khác nhau. Từ nhân vật Trại Ba công chúa, Địch mẫu, Địch Kim Loan (tuồng Ngũ hổ bình Liêu) đến nhân vật Nguyệt Cô (tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo), rồi Ngọc Mai, Kim Liên, bà Hương Mục (tuồng Liệu đố), có thể thấy đa phần các nhân vật nữ đã cùng gia đình làm tròn bổn phận của chữ trung, chữ hiếu. Nhưng ở đây xuất hiện sự dung hòa trong các bổn phận của trung, của hiếu, của tình, tạo sự khai phá mở đầu trong ý tưởng, phương pháp soạn tuồng của Nguyễn Diêu. Có thể thấy, vào thời đại của tác giả, quan niệm sáng tác đó rất mới. Đây cũng là sự đóng góp vào diện mạo phong phú của phương pháp sáng tác tuồng cho các thời kỳ tiếp theo trong di sản nghệ thuật tuồng truyền thống. Trong tác phẩm tuồng của Nguyễn Diêu còn cho thấy hiện tượng các nhân vật phụ nữ được tiếp cận từ đời thường; những mối quan hệ, những tình cảm đời thường vốn giản dị nhưng vô cùng cần thiết của người phụ nữ đã được ông khắc họa tinh tế, sâu sắc qua nghệ thuật tuồng vốn giàu tính ước lệ.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:
“Đạo làm người” trong thơ Nguyễn Diêu
Nói về Đạo làm người thì có mênh mông sách vở cổ kim đông tây. Nhưng ở đất võ Bình Định thì vấn đề Đạo làm người lại càng vô cùng quan trọng. Bởi võ thuật là vô song nên đôi khi lại trở nên rất nguy hiểm, nếu thiếu Đạo. Vì vậy, Đạo mới đưa người ta tới cái tận cùng của võ để hành võ. Biết hành võ cũng chính là biết làm người. Chúng ta thường nói về Tài và Đức cũng chính là cái cặp phạm trù Võ và Đạo ấy. Nhưng Đạo không chỉ là sự tu dưỡng đạo đức bản thân mà còn phải có trách nhiệm với mọi người. “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” theo quan niệm của người xưa thì đó là Đạo làm người của kẻ quân tử. Thầy Tú Diêu học chữ Thánh hiền, dạy chữ Thánh hiền nên cũng thấm nhuần Đạo ấy. Và ông đã “thi hóa” nó trong tuồng, trong thơ của mình.
Đọc thơ Nguyễn Diêu, thấy Đạo làm người trong thơ ông luôn sinh động, vì nó chân thật và súc tích. Câu chuyện giàu - nghèo, sang - hèn trong thơ ông được đề cập không chỉ một lần mà được lặp đi lặp lại như một thông điệp về đạo đức. Bài “Hàn sĩ vịnh” viết theo thể phú nói đến cái nghèo từ cái ăn cái mặc đến sự tủi hổ đeo đẳng phận kiếp con người:
Gạo Tử Lộ thiếu sau thiếu trước, tháng ngày thêm hô quí hô canh
Áo Tô Tần manh rách manh lành, than phận những lỡ đinh lỡ bính.
Ông khuyến khích sự học, càng nghèo càng phải học. Người xưa nói “vàng bạc ở trong sách”, thì sự học cũng là để làm ra của cải, thực hiện ước mơ giàu có của con người. Có thể nói, bài “Hàn sĩ vịnh” là một tuyên ngôn về quan niệm giàu - nghèo, nó cũng chính là bài học về Đạo giàu-nghèo mà ông muốn truyền lại cho đám học trò hậu bối, cho dù ông khiêm tốn nói đây chỉ là “lời đặt chơi lếu láo - dẫu dở hay mặc ý sửa sang”.
Tuy huấn đạo rất rõ ràng như thế, nhưng trong thơ, nhiều khi Nguyễn Diêu lại tỏ ra chán đời. Có thể do việc thi hỏng Cử nhân nhiều lần, có thể từ mặc cảm tội lỗi với người yêu tự tử, cũng có thể do cảnh đời nhăng nhố, giá trị đảo lộn, nên Nguyễn Diêu mới có con mắt đầy khinh bạc, chán đời đến thế này: “Lạnh tanh đôi mắt nhắm công hầu”. Tuy cái nhìn có vẻ chán đời, tiêu cực, nhưng từ đó ông cũng lựa chọn được cho mình một lối sống thanh tịnh, lấy chữ nhàn làm vui:
Chùa chiền vui thú là thanh tịnh
Hà tất vinh thân vạn hộ hầu.
Cái đạo nhàn thân, thanh thản trước cuộc sống khó khăn của Nguyễn Diêu cũng là cách lựa chọn thái độ sống của các bậc túc nho thời xưa.
|