* Truyện ngắn của HUỲNH THẠCH THẢO
Tôi làm việc trong một thành phố nhỏ ven biển, cơ quan có lắm cửa, trong ấy có phòng làm việc trên lầu của tôi với cửa sổ hướng đông, mở ra là thấy biển. Còn bên dưới, có lắm lối đi dọc ngang trên nền bê tông xi măng. Một vài ô trống được trải sỏi là các gốc cây bàng vững chải, tán lá xanh rì lay động theo gió.
Buổi sáng đầu tuần, giờ giao ban, sếp giới thiệu một gã ngồi góc phòng tóc tai hơi dài, mắt nâu lơ đãng và cả gan phì phèo thuốc lá; còn nữa, gã sẽ xếp tạm vào phòng tôi một thời gian. Mệt. Nhưng tôi im lặng, cùng lắm gã sẽ ngồi ở cuối phòng, nơi có nhiều người ra vào để nhận kết quả.
Gã không gõ cửa mà dùng vai hất nhẹ để vào (phản xạ của dân ngành phẫu), bộ đồ jean sờn bạc ôm trọn thân hình chắc lẳn với điếu thuốc cháy dở trên môi; gã chào vừa lúc tôi chỉ bảng “No smoking” trên tường. Thoáng ngẩn người nhưng vẫn gật gù tắt thuốc và vào đúng chiếc bàn tôi đưa tay chỉ. Gã ngó mông lung, gã nhìn mọi người đã vào vị trí làm việc bên máy hiển vi, các lam kính, các vật phẩm đã đặt bên cạnh. Chợt gã đứng lên, vẫy tay, xoay lưng bước nhanh ra cửa. Trang bảo: “Thủ tục ra mắt là vậy, tay này hơi lạ”, Hiền cười: “Trông hắn khá đẹp trai”, còn Diệu phán: “Ngông!”.
Hôm sau, gã vào. Trên bàn là các giấy yêu cầu công việc, đọc lướt qua, gật gù rồi vào phòng thay đồ. Gã lại đi và tôi biết, 15 phút sau, tôi và gã sẽ đối mặt ở phòng khác. Một căn phòng lạnh, mọi vật đều lạnh, những ngăn chứa cũng lạnh. Và gã, trước nhiều người hoặc một người, sẽ thao tác chuẩn xác công việc không vui cũng không buồn; và tôi cũng chẳng buồn chẳng vui khi lấy xong những gì cần lấy để trở về căn phòng trên gác có một mùa thu dần trôi qua ô cửa nhỏ. Lát sau, gã cũng quay về, trên môi cũng điếu thuốc cháy dở phun khói và tắt ngấm khi dùng vai đẩy cửa bước vào.
Gã cười, thoáng nhếch mép khi tôi giao việc và hoàn tất. Xong, lại phớt tỉnh dùng vai hất nhẹ để ra ngoài lúc tiếng còi xe réo inh ỏi dưới đường che ngang trước mặt là tán cây xanh lá. Tôi biết, một con nhỏ, hay vài con nhỏ đi xe tay ga đủ màu đang chống chân ngóng đợi. Đến nỗi, lúc gã đi, tôi bảo: “Đứa này có vẻ yêu ông… thiệt tình vì nó luôn ngó vào… phòng tôi!”. Gã ngớ người, im lặng một thoáng, gật đầu nhũn nhặn và đi. Con nhỏ áo hồng, môi tím, xe đen chẳng hợp với chiếc vespa phun khói mù mịt của gã.
Người tôi yêu, hay yêu tôi chẳng biết - có lẽ mọi người đều nghĩ vậy. Huy, bạn tôi và Hải hay Hoàng cũng là bạn. Người nào đến sớm là tôi đi; một vòng thành phố biển nhỏ hẹp và đến ngồi một quán cà phê yên tĩnh về chiều để nghe nhạc Trịnh réo rắt. Có bạn trai ngồi cạnh, tôi yên tâm hơn, như được chở che; còn yêu, chưa người nào tôi chọn. Huy hay Hải hoặc Hoàng tôi đều thay blouse để đi. Gã cười cười: “Thằng này hôm nay đến sớm, thằng đến sau sẽ nhè!”, nghe phát bực. Sau giờ làm việc, cả hai ngồi bên nhau nhưng mắt nhìn hai điểm: tàn cây và vòng khói thuốc. Gã phớt tỉnh lúc tôi lơ đãng nhưng cả hai đều đợi tiếng còi xe; người yêu gã thì gã chào tôi, người quen tôi thì tôi nhìn gã rồi xoay lưng nện gót.
Tôi dần biết gã là một bác sĩ khá giỏi, một lý do nào đó bị đẩy về làm lính… cho tôi (sự đời thường là vậy, có lẽ do vậy mà gã hút thuốc cũng nên) để vào khoa giải phẫu bệnh lý có muôn vàn công việc. Khâm phục nhất là lúc tử thi chuyển vào chưa rõ nguyên nhân, bên pháp y còn lúng túng, bên tôi chưa lấy mẫu vật để báo kết quả, gã bình thản cặm cụi tìm tòi, cắt xẻ, đo lường, phán đoán rồi bảo: “Tử vong do tai nạn giao thông, không hề ảnh hưởng do vật bên ngoài tác động”. Tất cả đều nghi ngờ và tất cả đều công nhận khi có kết quả.
Tôi cũng từng thấy gã vui, mắt sáng rỡ, tay chân thoăn thoắt khi một người bạn giới thiệu về gã cho đám sinh viên thực tập giải phẫu bệnh lý. Các tử thi trôi lững lờ trong bể chứa phóc môn gã đều cho lên sàn lạnh và thao tác khá chuẩn xác dưới những ánh mắt ngưỡng mộ của các y sinh. Và tôi cũng phì cười, lẳng lặng chấp nhận khi gã sai khiến lấy mẫu vật, lấy khoan, lấy đục, lấy chỉ khâu trước những y sinh ngớ ngẩn kia.
Hôm sau, gã đến sớm, cảm ơn tôi và mời đi uống cà phê. Tôi đồng ý ngồi lên chiếc xe cà tàng phun khói dày đặc. Phía sau, tôi như lọt thỏm bởi thân hình cao lớn của gã cùng mái tóc bồng bềnh như nghệ sĩ. Gã gọi ly đen đá và kêu cho tôi ly sữa ca cao. Tôi lắc đầu, thay ly đen đá. Gã cười nhũn nhặn và không hút thuốc, im lặng nghe nhạc Trịnh, im lặng nhìn dòng xe tuôn chạy trước mặt, im lặng lén… nhìn nhau và im lặng đứng lên trở về. Trưa ấy tôi mất ngủ. Trưa ấy, gã cũng không đến căng tin ăn trưa. Và chiều ấy, gã vẫn bụi bặm khoác áo jean vào phòng, miệng phì phèo thuốc lá chờ tôi sai vặt. Lại tiếng còi xe, tôi nhìn xuống, không phải chiếc tay ga đen mà là chiếc hon da mốc thếch với một thằng đàn ông như gã cũng bụi bặm không kém do vết sơn loang lổ đầy người. Gã đến gần xin tôi nghỉ sớm và phán một câu làm tôi tức nghẹn: “Thằng Hoàng tốt hơn thằng Hải!”.
Hôm sau, hôm sau nữa, gã xin nghỉ. Ngày tiếp, tôi đến nhà gã khi tìm được địa chỉ trong hồ sơ gã nộp. Chiếc cổng phủ tràn dây hoàng lan buông hoa rực rỡ khép kín. Tôi bấm chuông, ngần ngại mong rằng đừng có cô nhỏ nào đang ở cùng gã. Lát sau, gã ra, mắt tròn mắt dẹt một thoáng rồi cười mỉm không hề nhếch môi để mời tôi vào nhà. Khoảng sân hẹp rải sỏi, vài chiếc lu đất cách điệu đặt trên thảm cỏ. Té ra gã cũng có tâm hồn bên trong dù bên ngoài ra vẻ… nghệ sĩ vườn! Gã mời tôi vào phòng, luống cuống làm đổ chai nước lênh láng ra sàn khi trên tay là chiếc ly trống. Tôi gặp thằng đàn ông bụi bặm hôm trước, tay cầm cọ, miệng lí nhí chào. Trời ạ, cả căn phòng đang đầy vết sơn cùng khung gỗ, vải toan, giá đỡ. Té ra, ngoài chuyện y khoa gã cũng là một họa sĩ đang làm nốt bức tranh cuối cùng để khai mạc gallery của gã. Tôi tha thẩn đi quanh từng bức họa, mong kiếm tìm một cô quen mặt đợi gã ngoài đường nhưng tịnh không thấy. Dòng tranh phong cảnh chen vài bức siêu thực khó hiểu, vài bức tĩnh vật hoa lá cành. Nơi góc phòng, trên giá đỡ phủ voan trắng thấp thoáng khuôn mặt. Tôi bước nhanh tới và tò mò vén lên rồi đỏ mặt. Gã đã vẽ tôi mỗi khi tôi đến bên cửa sổ phòng làm việc nhìn xuống khoảng sân xanh lá và đôi mắt chờ đợi một ai đó (hèn gì, thỉnh thoảng tôi thấy gã ngồi bên tờ giấy trắng cùng cây viết chì). Gã đến bên nhoẻn cười, nói nhỏ: “Xin lỗi!”. Tôi lắc đầu: “Không sao! Nếu ông vẽ theo phái trừu tượng thì… em chết!”. Tiếng “em” vô tình bật thốt khiến gã đứng sững, còn tôi bẽn lẽn quay đi nơi khác. Hình như trong đôi mắt nâu của gã có một mùa thu len đến.
Bao lần tôi cận kề bên gã để lấy mẫu vật sinh thiết. Gã làm nhanh và vẫy tay cho tôi ra khỏi những gì không cần thiết bên các tử thi cứng đờ, lạnh cóng. Bên pháp y tìm gã nhiều hơn nhưng gã vẫn dửng dưng ngoại trừ những người bạn đưa y sinh đến thực tập. Hôm gã đến trễ, im lặng nhìn trên bàn là một, là hai những cánh thiệp lần lượt gửi đến. Gã dửng dưng nhìn, cười nhếch miệng. Gã nhìn tôi một thoáng rồi quay đi, tôi cho gã về nhưng gã mời tôi ra quán cà phê. Lần này, tôi uống cam vắt nhưng đêm vẫn mất ngủ. Hôm sau, gã đến phờ phạc hơn nhưng vẫn lầm lì thao tác. Trưa, tôi rủ gã đi ăn, gã đồng ý và ra nhà xe. Lần này, xe gã phành phạch nổ khi xe tôi lốp dán mặt đường. Gọi Hải, gọi Hoàng vẫn im lặng. Gã nhìn rồi gọi thằng bụi bặm đến. Nó làm nhanh, thay luôn cả lốp nhưng lại lần chần đưa gã tấm thiệp cưới, hình như của con áo hồng, xe tay ga đen thì phải, khiến gã bất ngờ đạp mãi xe không nổ. Tôi đành chở gã, phía sau nghe tiếng gã thở dài và trưa ấy, tôi chăm sóc gã tận tình.
Tôi về làm giải phẫu bệnh lý và sau thì được chuyển sang khoa sinh thiết bên thiết bị hiện đại. Gã ở khoa mổ tổng quát về giải phẫu bệnh lý, gặp tôi sai bảo và sang nước ngoài tu nghiệp. Trước khi đi, gã đem tặng bức tranh gã vẽ về tôi ngày nào với tựa “Lệ thu” phối màu gam vàng; cả hai im lặng không nói.
Khi tôi sang khoa mới trong bệnh viện, gã gửi về cho tôi lá thư. Có đoạn “Mùa thu nơi này vừa đi qua phố, chợt nhớ một điểm sáng trước mặt cứ hiện rờ rỡ như tia nắng…”.
Tôi bật cười và đỏ mặt. Điểm sáng đó là nút ruồi son nho nhỏ sau gáy của tôi mà gã đã thấy khi tôi chở gã trên đường đi ăn trưa ngày nào, gã khen có duyên… Và nơi tôi làm việc, vẫn thấy biển mênh mông tràn ngập màu xanh. Lâu lâu, có những cánh máy bay chao về bến đỗ. Bất giác, tôi thầm nghĩ chiếc nào sẽ đưa gã về lại khi một mùa thu vừa đi qua phố biển.
|