Nếu từ thế kỷ 18, bên Tây đã có Corneille và Racine là hai “Thầy tuồng…Tây” bậc thầy, chuyên viết kịch thơ thuộc trường phái kịch cổ điển, để lại những tác phẩm kinh điển, thì ở thế kỷ 19, riêng tỉnh Bình Định của Việt Nam đã sở hữu hai “Thầy tuồng…Ta” xuất chúng là thầy trò Nguyễn Diêu - Đào Tấn .
Cả hai cũng đã để lại cho gia tài kịch tuồng cổ điển Việt Nam những tác phẩm khiến con cháu bây giờ có thể ngẩng cao đầu tự hào, vì nó không hề kém cạnh các tác phẩm kinh điển của phương Tây.
Tôi chỉ là nhà thơ hậu bối, không phải nhà nghiên cứu và cũng không am hiểu nhiều về nghệ thuật tuồng, nên tôi chỉ thưởng thức các kịch bản tuồng qua văn bản là chính.
Và, trong khi đọc văn bản tuồng, điều khiến tôi quan tâm nhất, dừng lại lâu nhất là những đoạn thơ trong kịch bản. Điều dễ thấy, là kịch bản tuồng được viết bằng thơ. Dù là nói, hát nam hay hát khách , dù là bằng ngôn ngữ Hán-Việt hay thuần Việt, dù dùng ngôn từ bác học hay bình dân, thì kịch bản tuồng vẫn tràn ngập thơ.
Rất nhiều thể thơ đã được dùng trong tuồng, và phục vụ cho từng tình huống, từng nhân vật trong tuồng. Dĩ nhiên, thơ trong kịch, thơ trong tuồng thì không phải là những bài thơ đơn lẻ thuần túy để cho ta có thể phân tích nó một cách riêng biệt. Khi tác giả tuồng phải viết những đoạn đối thoại bằng thơ, thì ta không thể đòi hỏi đó phải là những đoạn thơ trữ tình, dù những đoạn đối thoại ấy đẫm chất thơ. Bởi ngôn ngữ tuồng phải phục vụ cho xung đột tuồng, tình huống tuồng, nhân vật tuồng, nên trước khi là thơ, nó phải là thoại, là độc thoại là đối thoại, nhiều khi là đối thụi nữa, khi đối thoại ấy sắc như những đường gươm, va đập dữ dội như giáo đâm vào khiên. Và có khi, chất thơ ấy cô đọng chất ngất trong những đoạn im lặng - bùng nổ của nội tâm nhân vật tuồng.
Viết về thơ trong những tác phẩm tuồng của Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu là một đề tài rộng. Tôi chỉ xin giới hạn đề tài trong việc khảo sát một tác phẩm tuồng rất nổi tiếng của Nguyễn Diêu là tuồng “Ngũ hổ bình Liêu”.
Đây là một vở tuồng có 3 hồi: hồi 1: Đi dẹp giặc Tây Liêu, hồi 2: Địch Thanh ly Thợn, hồi 3: Thoại Ba Công chúa giải vây Bạch Hạc quan.
Trước khi vào phần khảo sát thơ trong vở tuồng này, chỉ xin nói một chút bên lề: hầu hết những vở tuồng cổ như vở “Ngũ hổ bình Liêu” đều lấy tích từ các truyện Tàu. Cũng giống như Nguyễn Du viết Truyện Kiều từ một tác phẩm văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân-nhà văn Trung Quốc. Nhưng khi Truyện Kiều ra đời, thì tất cả người Việt Nam và rất nhiều nhà nghiên cứu, phê bình và người đọc thơ trên thế giới đều công nhận đây là tác phẩm “100% Việt”. Được như thế, không phải nhờ cốt truyện, mà chính là nhờ…thơ. Thơ Nguyễn Du tuyệt tác, mà Nguyễn Du đương nhiên là người Việt chính gốc, nên Truyện Kiều là tác phẩm thuần Việt. Cũng như vậy, “Ngũ hổ bình Liêu” hay nhiều vở tuồng cổ khác của Nguyễn Diêu và Đào Tấn đều lấy từ tích truyện Tàu, nhưng ngôn ngữ Việt, và nhất là thơ Việt của hai ông đã khiến những vở tuồng ấy thuần Việt, sáng tác vì người Việt, biểu diễn cho người Việt.
Thơ Việt giữ vai trò quyết định cho chất lượng những vở tuồng này, vì qua thơ Việt, người xem tuồng, nghe tuồng cảm nhận được ở chiều sâu nhất hồn cốt Việt của tác phẩm. Những nhân vật “Tàu” qua thơ Việt cũng đã được “Việt hóa” hoàn toàn, vì thơ luôn là phần hồn của tác phẩm tuồng.
Thật dễ dàng để trích ra những đoạn thơ mang đậm chất thơ Việt trong tuồng “Ngũ hổ bình Liêu”. Nhưng để cho khách quan, tôi xin trích theo qui trình lật giở bất kỳ một trang nào đó trong tác phẩm này, theo kiểu “bói Kiều”, để chứng minh rằng thơ đã giữ vai trò quyết định trong “Ngũ hổ bình Liêu”. Tất cả những trích đoạn đều được dẫn qua tác phẩm “Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu-Ông đồ nghệ sĩ” dày 626 trang của nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn-NXB Sân khấu 2011.
Trích dẫn bất kỳ 01: trang 78(SĐD):
Địch Thanh: Nó đã quyết một phen lăng nhục
Ta dễ nài trăm trận gian nguy
Như bổn soái ra đó mà kỳ khai đắc thắng mã đáo thành công thì chẳng nói làm chi, như ta có bị Phiên tặc nó bắt rồi thì ngươi
Khá bỏ chốn ải quan
Mà trở về triều nội
May lượng thánh tương binh vấn tội
Ngỏ cho ta báo oán phục cừu
Nhược đồng đáo trận tiền
Nan bảo toàn tính mạng nghe!
Trong đoạn này có cả hát nam xen lẫn nói . Dĩ nhiên, nói là văn xuôi (như ông Giuốc-Đanh “nói văn xuôi”), nhưng hát, dù hát nam hay hát khách, thì chắc chắn là thơ. Hai đoạn thơ đã dẫn là “thơ trong tuồng”, nhưng vần điệu, sự trau chuốt từ ngữ đã chứng tỏ nó là thơ, chứ không phải văn xuôi. Thơ-đối-thoại mang một sắc thái riêng, dĩ nhiên không giống như thơ trữ tình ngoại đề hay thơ độc thoại. Bởi nó hướng tới đối tượng, nó đốp chát, thể hiện sắc thái giọng: Nó đã quyết một phen lăng nhục/Ta dễ nài trăm trận gian nguy/ .
Trích dẫn bất kỳ 02: Trang 150(SĐD)
Định Quốc: Ờ ờ!
Cũng cho người mở miệng
Rồi mỗ sẽ lấy đầu
Những chuyện trước chuyện sau
Khá nói đi nói lại nghe chơi
Trương Trung: Tôi dám hỏi anh đây
Từ Nguyên nhung thất thủ
Cùng Ngũ hổ bị cầm
Sao anh không ra sức chém đâm
Mà lại cố tìm phương lánh trốn ới là mần răng hử ?
Định Quốc: Lão hỏi cái đó, mình cứng cổ đi! Bớ Trương Trung ơi!
Dễ mô lão lại không biết hay mần răng!
Nhược bất khả địch cường
Quả bất khả địch chúng
Bởi chích thủ nên mang nước túng
Phải tùng quyền kiếm chốn tạm chân
Mình chạy đi là phải
Chỉ qua đoạn đối thoại ngắn bằng thơ này, kèm vài câu nói có vẻ bâng quơ, nhưng tính cách hai nhân vật mà có thể chúng ta chưa tường tỏ nhân thân đã hiện ra rất rõ ràng. Nếu Trương Trung là anh thật thà thô vụng có tính hay nói thẳng, thì ngược lại, Định Quốc là anh tính thì nhát, rõ hơn là hèn, nhưng luôn biết cách nói năng tránh trớ, ngụy biện, láu cá. Những đoạn thơ trong đối thoại này khéo kết hợp giữa ngôn ngữ Nôm và Hán, giữa nói và hát, giữa chính kịch và hài kịch, nên rất sinh động. Và nổi lên trên tất cả, là chất thơ của kịch tuồng, một chất thơ rất gần với nói thơ, nó giản dị, đối chọi, sáng và sắc như gươm.
Trích dẫn bất kỳ 03: trang180( SĐD):
Địch Thanh:Đã thoát nơi lưới thỏ
Phải lướt tới đường chim
Tình bơ thờ, trăng gió nửa rèm
Bước quày quả, nước non ngàn dặm
( VÃN) Ngàn dặm nước non nào nại
Quyết lo đền quốc trái quân ân
Gìn lòng hiếu tử trung thần
Giữa trời soi có một vầng trăng thu
Gần tới ải quan rồi đây mà!
Đoái nhìn đã đến quan đầu
Uốn ba tấc lưỡi mặc dầu lòng ta
Tới đây, gặp đoạn nửa đối thoại nửa độc thoại này, chúng ta vui mừng vì đã gặp…thơ lục bát. Có lục bát tham gia, đoạn thơ tuồng mềm hẳn lại. Đây là tâm trạng của tướng quân Địch Thanh-nhân vật chính của vở tuồng-tâm trạng không ưu uất hay mâu thuẫn, nhưng cũng không bình lặng. Vậy mà chỉ dùng hai câu lục bát, Nguyễn Diêu đã khiến nhân vật của mình tự trấn an trước những hiểm nguy chưa lường trước. Lục bát vào giữa đoạn hát nam này thật đúng điệu, nó như miếng nem chua chợ Huyện đưa cay giữa hai hớp rượu Bàu Đá, ngọt ngay!
Điều thú vị là trong khi tìm những câu thơ tuồng “Ngũ hổ bình Liêu” theo cách “bói Kiều” này, tôi đã có thể đi tới kết luận mà ít sợ nhầm rằng tuồng của “ông đồ nghệ sĩ” Nguyễn Diêu được viết bằng thơ rất chuẩn, rất nhuyễn. Có thể khó tìm một đoạn thơ “trữ tình ngoại đề” nào trong tuồng này “theo kiểu Đào Tấn”, đơn giản vì cụ Diêu viết tuồng trước cụ Đào, khác cụ Đào, tuồng cụ Diêu không đề cao chất hùng như tuồng cụ Đào mà nghiêng hẳn về chất bi-hài trong những quan hệ xung đột của đời sống và nội tâm nhân vật. Vì thế, thơ cụ Nguyễn Diêu trong tuồng “Ngũ hổ bình Liêu” mang đậm chất thơ của đời thường, nó phục vụ rất đắc lực cho diễn tiến của vở tuồng, cho tính cách nhân vật, trong khi vẫn là những vần thơ được viết rất kỹ và rất có nghề.
|