Một tác phẩm âm nhạc chỉ thật sự có đời sống khi được trình diễn; là ca khúc thì phải có người hát và có người nghe, nhớ đến. Từ nhiều năm nay, rất nhiều ca khúc do các nhạc sĩ ở Bình Định sáng tác chịu một số phận lặng lẽ khi con đường từ nét nhạc đến với công chúng như có vách ngăn…
|
Văn nghệ quần chúng được xem là mảnh đất màu mỡ để ca khúc Bình Định tiếp cận công chúng. |
Nhạc sĩ đông, ca khúc nhiều, ít bài phổ biến
Chi hội Âm nhạc Bình Định có 46 hội viên, trong đó có chừng 20 người hoạt động sáng tác. Bên cạnh đó, Bình Định lại có số hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam vượt trội so với các tỉnh khu vực miền Trung- Tây Nguyên với 14 nhạc sĩ. Nhiều tác phẩm của họ đã khẳng định được giá trị khi nhiều lần đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đa số nhạc sĩ ở quãng tuổi trung niên, có chặng đường sáng tác dài nên vốn liếng ca khúc khá nhiều. Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Thế Tuyên, trong hàng trăm ca khúc của nhạc sĩ Bình Định, chỉ một số ít ca khúc được chọn biểu diễn thường xuyên nhờ những điều kiện chủ quan như thuận lợi về mặt dàn dựng, ca sĩ trình bày, dịp biểu diễn… Từ 2008 đến nay, kênh giới thiệu ca khúc trong tỉnh chỉ thông qua chương trình “Tác giả - tác phẩm” với thời lượng 30 phút/chương trình/tháng (trước là “Nhịp cầu âm nhạc”) của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định. Kinh phí của chương trình hạn hẹp nên “nhuận bút” cho tác giả chỉ ở mức tượng trưng (150 ngàn đồng/ca khúc), chủ yếu nhạc sĩ vui vì tác phẩm mình có thêm cơ hội đến với công chúng. Tuy nhiên, nếu chỉ trông cậy vào sự “gồng gánh” của một chương trình thì chẳng khác nào “muối bỏ bể”. Thế nên hàng loạt ca khúc đã sáng tác chưa được biểu diễn, trong tình trạng “đắp chiếu”. Một số nhạc sĩ tự đầu tư kinh phí xuất bản tuyển tập, ra album nhưng không nhiều. Vì làm một album mất một khoản tiền lớn nhưng không bán được, chủ yếu làm quà tặng cho bạn bè, người thân. Phát hành album với nhạc sĩ Bình Định chỉ là cách đánh dấu, kỷ niệm một giai đoạn sáng tạo của mình!
Cần nỗ lực từ nhiều phía
Theo nhận định của người trong giới, lâu nay, con đường đưa ca khúc Bình Định tiếp cận công chúng vẫn là “cuộc chiến” khá đơn độc của nhạc sĩ. Là một lĩnh vực khá đại chúng trong tổng thể tài sản văn hóa - nghệ thuật nhưng âm nhạc Bình Định ít nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của những đơn vị làm văn hóa như Hội Văn học - Nghệ thuật, Sở VH-TT&DL, các trung tâm, nhà văn hóa…
Nhạc sĩ Thế Tuyên trăn trở: “Ở lĩnh vực âm nhạc, việc hỗ trợ sáng tạo tác phẩm được quy định bằng hạng mục xuất bản tuyển tập nhạc chứ không bằng phát hành album. Chưa nói đến việc kinh phí ra CD, VCD tốn kém hơn so với phát hành sách, thì cách để ca khúc có đời sống trong lòng khán thính giả là nghe chứ không phải đọc. Tôi cho đây là một bất cập mà tỉnh và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cần sửa đổi”.
Nhiều lần tôi và bạn bè tình cờ nghe một số ca khúc Bình Định, thấy hay, thích; sau đó chủ tâm tìm nghe lại, thưởng thức những bài hát khác thì không biết tìm ở đâu? Không thấy băng đĩa phát hành trên thị trường; một số trang web của các sở, ngành, báo điện tử địa phương, blog cá nhân của một vài nhạc sĩ cũng chỉ đăng rải rác. Tại sao Chi hội Âm nhạc, giới nhạc sĩ trong tỉnh không lập một trang cakhucbinhdinh.com chẳng hạn, trên đó, đăng tải bài hát và lời ca khúc để khán thính giả có địa chỉ tìm đến, nghe và chọn lựa bài hát phù hợp tham gia văn nghệ phong trào tại cơ quan, đơn vị mình.
(Khán giả Nguyễn Thị Hương Giang, 27 tuổi, Quy Nhơn) |
Những năm gần đây, Bình Định đăng cai tổ chức một số lễ hội, sự kiện mang tính quốc gia và quốc tế, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Chọn lựa ca khúc chất lượng đưa vào chương trình nghệ thuật các sự kiện lớn này là cách hiệu quả để tác phẩm âm nhạc địa phương tiếp cận một bộ phận công chúng lớn hơn. Tuy nhiên, ở những sân chơi lớn này, ca khúc địa phương càng khó chen chân.
Mặt khác, mảng văn nghệ quần chúng, chương trình nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ; các liên hoan, hội thi, hội diễn; các lễ hội lớn - nhỏ hàng năm trong tỉnh… được xem là mảnh đất rộng lớn, màu mỡ để ca khúc địa phương có dịp ngân vang. Nhiều ý kiến cho rằng, trình diễn ca khúc địa phương nên trở thành quy định mang tính bắt buộc trong cơ cấu chương trình biểu diễn tại các kỳ hội diễn văn nghệ quần chúng của các đơn vị. Đây cũng sẽ là điều kiện ban đầu để những tác phẩm âm nhạc có cơ hội đi vào đời sống văn hóa - văn nghệ địa phương.
Hội Văn học - Nghệ thuật và Nhà Văn hóa Lao động tỉnh đang triển khai kế hoạch phối hợp mở CLB âm nhạc thiếu nhi và CLB Sáng tác trẻ, trong đó, dự kiến định kỳ hàng quý sẽ tổ chức chương trình giới thiệu tác giả - tác phẩm. Đây là tín hiệu vui trong đời sống âm nhạc. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, khi việc phổ biến ca khúc địa phương bị chìm lắng khá lâu, rút ngắn con đường ca khúc - công chúng không chỉ gói gọn trong một vài chương trình mà phải tạo thành một môi trường nuôi dưỡng thật sự, một kênh tiếp cận mang tính dài hơi, hiệu quả.
|