Những năm gần đây, chưa thấy tác giả thơ trẻ Bình Định nào gây được tiếng vang trong làng thơ cả nước. Tuy vậy, những gương mặt thơ mới vẫn đều đặn xuất hiện, cho thấy sự tiếp nối của các thế hệ thơ.
Nhiều gương mặt mới
Điều đáng mừng là kế tiếp các tác giả thế hệ 8X như: Khổng Vĩnh An Vy, Bùi Thị Kim Thoa, Võ Hà Thanh Nhi, Cao Hoàng Từ Đoan…, một lứa thơ trẻ 9X đã xuất hiện. Sự nối tiếp này dường như đông đảo hơn về số lượng, bút lực và cả niềm đam mê. Họ sáng tác đều, nhạy bén, tìm tòi thể nghiệm và hé mở những giọng thơ cá tính. Đó là Lê Đức Hoàng Vân, Lê Văn Đồng, Phạm Quyên Chi, Lê Văn Linh, Phan Đình Phùng… Hầu hết, họ là sinh viên đang theo học các ngành xã hội, người làm thơ như một cách rèn năng khiếu văn chương, người xem đó như cách giãi bày tâm sự.
|
Thơ trẻ góp mặt tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ X tại Bình Định năm 2012. Ảnh: HOA KHÁ |
Chưa thể nói các cây bút thơ trẻ này đã định hình phong cách, nhưng họ đều cho thấy một giọng thơ riêng. Lê Đức Hoàng Vân với giọng thơ trong sáng, ký gửi vào thơ những kỷ niệm thời học trò, tình yêu quê hương, gia đình. Phạm Quyên Chi đi sâu vào khai thác cái buồn cá nhân, những câu thơ mang nặng tình trắc ẩn… Được đánh giá cao trong lứa thơ 9X này là Lê Văn Đồng- bút danh Tiểu Mục Đồng- với những “đóa thơ” đầu tay (Má, Vào Chùa, Giếng khơi, Bài thơ chải tóc…) mang đậm chất riêng tư và có sự phá cách.
“Chắp cánh” cho thơ trẻ
Sự tiếp nối của các thế hệ thơ Bình Định cho thấy một bộ phận người trẻ trong tỉnh không hề thờ ơ với thơ như nhiều người lo ngại, nhận định. Hơn thế, sự nối tiếp này còn góp phần biểu hiện về một dòng chảy liên tục, đa dạng khi nhánh thơ trẻ góp mặt vào gương mặt thơ của một vùng đất. Trong hành trình đến với thơ mà như chính các cây bút trẻ này nhìn nhận, họ mới dợm những bước ở ngưỡng xuất phát, tiếp cận; do đó họ rất cần một môi trường văn nghệ, một đời sống cho thơ nảy nở đa diện, có chiều sâu hơn.
Các tác giả thơ trẻ hầu hết còn ngồi trên ghế nhà trường, sự đi, vốn trải nghiệm còn mỏng, các đề tài thơ chưa đa dạng, không gian thơ chật hẹp. Ý thức được điều đó, các tác giả trẻ đều gặp gỡ ở điểm chung: khao khát những chuyến đi, một sự mới lạ, rộng mở cho đôi mắt thơ. Với các cây bút học sinh, sinh viên, tự mình thực hiện những chuyến đi thực tế sáng tác như vậy là rất khó khăn.
Khó khăn trong tiếp cận “thời sự” thơ cũng là một lý do làm cho thơ trẻ có dấu hiệu sáo mòn. Ở các nhà sách thì số lượng các tập thơ ít, những tập thơ của các tác giả trẻ lại càng hiếm. Sách phê bình, cảm nhận thơ hạn chế. Các tờ báo văn nghệ như: Văn nghệ, Văn Nghệ trẻ, Tạp chí Thơ, Tuần báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh dường như không thấy xuất hiện ở Quy Nhơn. Lấp vào khoảng trống đó, các cây bút thơ trẻ tìm đến các kênh thời sự văn học trên các diễn đàn mạng. Đa số các tác giả sáng tác theo nhãn quan và cảm nhận của bản thân mình.
Tạp chí Văn nghệ Bình Định đã đình bản hơn hai năm nay, trang Sáng tác trẻ theo đó mà tạm ngưng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc giới thiệu các tác phẩm thơ của các tác giả trẻ. Một số tác giả trẻ có tác phẩm được giới thiệu trên báo Bình Định Chủ nhật, còn lại phần lớn họ gửi gắm thơ mình cho Tập san Áo Trắng và đăng trên các diễn đàn, blog cá nhân. Bởi với các tác giả học sinh, sinh viên, việc bỏ tiền in một tập thơ để ra mắt tác phẩm của mình là điều không dễ dàng.
Sự trưởng thành của thơ trẻ Bình Định hẳn nhiên phụ thuộc vào nội lực, bản lĩnh sáng tạo của từng cá nhân. Song, để nuôi dưỡng phong trào sáng tác chung, rất cần sự quan tâm, phát hiện, bồi dưỡng các cây bút trẻ thể hiện ở chính sách phát triển văn học nghệ thuật của tỉnh!
|