Đến nay, sau 7 năm nghiên cứu khảo sát thực địa, các nhà khoa học thực hiện Dự án Di tích Trường lũy tìm thấy khoảng 100 đồn. Đã khai quật khảo cổ 3 đồn thuộc huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nay, Viện Khảo cổ học Việt Nam đang phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định khai quật khảo cổ di tích Đồn Thứ thuộc thôn La Vuông, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn.
|
Bờ thành Đồn Thứ phía Nam.
|
Các sách Đại Nam Thực lục, Đại Nam Nhất Thống Chí, Bản triều bạn nghịch liệt truyện, Đông Khánh địa dư chí đều có chép về Trường Lũy: Lũy dài 177 dặm, phía Bắc giáp huyện Hà Đông tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp huyện Bồng Sơn tỉnh Bình Định. Lũy do Lê Văn Duyệt – Tổng trấn miền Nam dưới thời Gia Long đốc thúc xây dựng từ năm 1819. Trên địa phận Bình Định, các nhà khảo cổ đã phát hiện Trường Lũy đi qua 2 huyện Hoài Nhơn và An Lão, di tích để lại khá rõ nét với bờ lũy hiện còn cao từ 1m đến 3m, mặt lũy rộng từ 1m đến 2m, chân lũy từ 4m đến 6m và có hệ thống đồn xây dựng dọc theo phía Đông bờ lũy.
Sách “Đại Nam Thực lục” chép: dọc theo lũy có tới 115 đồn, mỗi đồn có 1 tốp 10 lính gác. Đây là một kiến trúc Sơn phòng đặc biệt của hệ thống Trường Lũy Quảng Ngãi – Bình Định.
Năm 2009 và 2010, Trung tâm Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi khai quật 3 đồn thuộc huyện Nghĩa Hành: di tích Thiên Xuân (Hành Tín Đông), di tích Rồm Đồn và di tích Đèo Chim Hút (Hành Dũng).
|
Cửa đông Đồn Thứ.
|
Vừa qua, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định khai quật khảo cổ học di tích Đồn Thứ dưới chân Hòn Bồ thuộc thôn La Vuông, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn.
Theo người dân địa phương, sở dĩ gọi là Đồn Thứ là gọi theo tên một người lính giữ đồn tên Thứ. Tuy nhiên, theo sử liệu “Thứ quân” là quân do triều đình trực tiếp quản lý. Có thể nơi đây là vị trí xung yếu, triều đình đã bố trí lực lượng “chủ lực”, quân của triều đình trực tiếp quản lý: Thứ quân trấn giữ nên gọi là Đồn Thứ (?).
Trường Lũy từ huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi rời chân núi và dựng dốc lên qua rừng rậm La Vuông có độ cao khoảng 800m so với mực nước biển. Vùng này không có người ở, rừng núi chập chùng. Từ vùng cao La Vuông, lũy đổ xuống và kết thúc ở nguồn An Lão (huyện An Lão, tỉnh Bình Định).
Địa điểm Đồn Thứ có độ cao 500m so với mực nước biển. Các nhà khảo cổ đã khảo sát thực địa khu vực này cho biết: Khu vực Đồn Thứ địa hình rất hiểm trở, tiếp giáp với địa phận tỉnh Quảng Ngãi, 5km từ Đèo Ải, Hòa Khánh (Quảng Ngãi) đến La Vuông, Hoài Sơn (Bình Định) không đắp bờ lũy, thay vào đó là hệ thống đồn khá dày: 8 đồn. Theo sử cũ, dọc theo Trường Lũy có 115 đồn, trong đó có 3 đồn lớn, các đồn thường có diện tích trên dưới 1.000 m2.
|
Một khu nền có tường bao xây bằng đá 3 mặt.
|
Đến nay, các nhà khảo cổ đã khảo sát phát hiện được khoảng 100 đồn, trong đó Đồn Thứ - La Vuông có quy mô đáng kinh ngạc: 16.000 m2, chia làm 2 khu: Khu Bắc và Khu Nam phân cách bởi bờ tường được đắp kiên cố như bờ thành xung quanh đồn và có một cửa thông nhau ở giữa bờ tường.
Bờ thành Đồn Thứ cao từ 2m đến 3m, đắp 2 cấp, cấp trên có bề mặt rộng từ 1m đến 2m, cấp dưới rộng từ 2m đến 4m, chân rộng từ 4m đến 6m, chân móng bờ thành đồn sâu khoảng 50cm. Cửa chính ở phía Nam và 2 cửa phụ: Đông, Tây, bờ thành Bắc không có cửa. Trước mặt cửa Nam, cách cửa khoảng 6m có 2 phiến đá lớn được kê bằng phẳng, phía trước là khoảng sân rộng thấp hơn 50cm.
Xung quanh bờ thành đồn có 5 cống thoát nước xuyên bờ thành được xây kè đá kiên cố. Bờ thành đồn được đắp đất đầm chặt và kè đá bên ngoài, có đoạn chỉ đắp đất hoặc xây đá, trên bờ thành đồn trồng tre gai, xung quanh có hào sâu, bên ngoài hào sâu là con đường chạy xung quanh đồn, rộng khoảng 6m cao khoảng 40cm, có kè đá ở lề đường. Năm tháp canh bố trí ở 4 góc đồn và giữa bờ thành Tây, đắp cao hơn bờ thành khoảng 1m và có 2 cấp, được kè đá xung quanh, diện tích tháp canh khoảng 15m2, riêng tháp canh phía Đông – Bắc cao và lớn hơn: cao khoảng 5m và diện tích khoảng 20m2, tất cả 5 tháp canh đều được đắp đường lên từ bên trong đồn, có kè và ốp đá bề mặt.
Trong khu Bắc đồn, mặt bằng hiện trạng chia nhiều cấp nền hình chữ nhật theo trục Bắc – Nam. Hố thám sát cấp nền thứ 2 cho thấy dưới lớp đất mặt 30cm là lớp đá phiến ken dày.
|
Tháp canh góc Đông - Nam bờ thành Đồn Thứ.
|
Trong khu Nam đồn có 3 khu nền được xây tường bao bằng đá 3 mặt, nằm liền kề nhau, các khu nền có 2 cửa thông nhau, mặt phía Nam không xây tường, nền có 2 cấp, khu vực cao là nền đất cát, có lẽ đất cát nâng nền được lấy từ lòng suối. Trong khu vực này các nhà khảo cổ phát hiện 3 chân lư lớn, 2 chân lư nhỏ và một số mảnh thân lư bằng đất nung có in hoa 7 cánh và hoa văn khắc vạch.
Theo TS. Nguyễn Tiến Đông – Chủ trì cuộc khai quật, việc phát hiện các loại chân lư hương trong khu vực “kiến trúc mở” (tường bao 3 mặt) có thể đây là khu vực tín ngưỡng tâm linh (?), bởi lẽ các đền, miếu thường được xây dựng trong tường bao. Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ phát hiện dấu vết tín ngưỡng sau 7 năm khảo sát, khai quật khảo cổ di tích Trường Lũy Quản Ngãi – Bình Định.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện một số hiện vật loại hình gia dụng của người Việt bằng đất nung và gốm men Trung Quốc thế kỷ 18. So sánh với kết quả khai quật khảo cổ 3 đồn ở Quảng Ngãi, các nhà khảo cổ đưa ra nhận định: Gốm sứ phát hiện ở Quảng Ngãi thể hiện có sự giao thương Đông – Tây, Bắc – Nam, còn gốm sứ phát hiện ở Đồn Thứ cho biết hiện vật chỉ sử dụng phục vụ cho quan quân đồn trú. Loại gạch vồ kích thước lớn cũng được tìm thấy trong Đồn Thứ, tuy nhiên chưa phát hiện dấu vết kiến trúc gạch.
Cũng theo TS.Nguyễn Tiến Đông, kiến trúc Đồn Thứ kiên cố nhất, quy mô rộng lớn nhất và cấu trúc đặc biệt nhất lần đầu tiên phát hiện trong hệ thống di tích Trường Lũy. Không giống các đồn khác đã phát hiện với chức năng chủ yếu là quản lý qua lại Đông - Tây; Đồn Thứ có chức năng chủ yếu Sơn phòng, bảo vệ khu vực rộng lớn không đắp bờ lũy, giữ an ninh cho đoạn đường thiên lý xung yếu Bắc – Nam : La Vuông (Bình Định)– Đèo Ải (Hòa Khánh, Quảng Ngãi).
Với một di tích đặc biệt và mới mẻ như Đồn Thứ, việc khai quật khảo cổ vài trăm mét vuông, chỉ cho phép các nhà khảo cổ đưa ra một số nhận định ban đầu. Để có cái nhìn tổng quát và chuẩn xác cần phải khai quật khảo cổ mở rộng và bổ sung các phương pháp nghiên cứu khác như: nhân văn, văn hóa dân gian và địa lý học. Tin rằng, Đồn Thứ trong tương lai sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin mới về hệ thống Sơn phòng của nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX.
|