Hơn hai tháng qua, trên đường Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn xuất hiện một điểm bày bán đồ cổ, đồ xưa. Nhiều khách hàng đã đến đây để chọn cho mình những món đồ yêu thích, mang đậm dấu ấn thời gian.
Nguyễn Vũ (41 tuổi) nguyên giáo viên dạy khiêu vũ ở Nhà Thiếu nhi Quy Nhơn, sau khi nơi đây dừng hoạt động, anh chuyên tâm cho công việc đóng giày khiêu vũ, sửa giày. Là người mê sưu tầm tiền cổ, chủ yếu để trưng bày chơi trong nhà là chính, được những người chơi đồ cổ khuyến khích, anh đã đem bộ sưu tập tiền cổ của mình ra trưng bày ở vỉa hè. Không ngờ, việc này lại thu hút rất nhiều người ghé xem và hỏi mua. Từ đó, Vũ bước vào nghề sưu tập, mua bán đồ cổ.
|
Anh Nguyễn Vũ bày bán đồ xưa, đồ cổ theo kiểu “ve chai”. |
“Tôi chỉ là dân chơi đồ cổ, đồ xưa dạng nghiệp dư nên không hiểu biết nhiều. Nhờ được người chơi đồ cổ, rồi khách hàng đến hướng dẫn kinh nghiệm nên cũng thành thạo dần. Đồ cổ khó kiếm và có giá trị cao nên chỗ tôi chỉ có thể bán một ít, còn chủ yếu là tìm kiếm và mua bán đồ xưa. Lôi cuốn được nhiều người đến xem là điều tôi thấy vui nhất, chứ không phải là việc bán được nhiều hay ít hàng”, anh Vũ tâm sự.
Hiện nhà anh Vũ (136 Tăng Bạt Hổ) đã trở thành “điểm ve chai” bày bán đủ thứ, từ những đồ cổ được trưng bày trong tủ kính, đến nhiều loại đồ xưa được bày trên vỉa hè như những vật dụng kỷ vật chiến tranh, đài, đồng hồ, máy chụp hình… và nhiều nhất là đồ đồng với các loại tượng và bình đồng chạm khắc tinh xảo, nồi, chảo, chậu đồng, đèn đồng thời Pháp, được anh Vũ tìm mua ở nhiều địa phương trong tỉnh, hoặc ở các tỉnh, thành khác như Quảng Nam, Huế, Đồng Nai, Bình Dương. Một số chủ quán cà phê ở Quy Nhơn đã mua những kỷ vật chiến tranh, đèn dầu, đèn đồng của anh Vũ về trang trí tạo ấn tượng cho khách. Ông Nguyễn Văn Tuấn (50 tuổi) cho biết: “Đi ngang qua điểm bán đồ cổ xưa của anh Vũ, tôi chỉ định ghé xem nhưng sau bị cuốn hút nên mua liền một lúc vài món. Thỉnh thoảng lại đến đây ngắm những món hàng gắn liền với những ký ức thân thuộc một thời…”.
Điểm bán đồ cổ xưa của anh Vũ cũng là nơi tiếp nhận nhiều món hàng bị bỏ quên từ lâu trong nhà được người dân đem đến bán. Một vài người chơi đồ cổ cũng đem đến ký gởi nơi đây một số món đồ để trưng bày. Anh Vũ cho biết: “Do nhà chật nên phải mượn tạm vỉa hè để trưng bày đồ. Tôi sẽ cố gắng sắp xếp để có chỗ trưng bày trong nhà bài bản hơn, với mong muốn tạo một điểm đến để những người yêu thích đồ cổ xưa có thể gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, mua bán …”.
|