|
Các nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Đào Tấn đang diễn vở “Đào Tam Xuân loạn trào” tại Liên hoan nghệ thuật tuồng truyền thống toàn quốc 2011. Ảnh: SAO LY |
3 năm sau ngày tỉnh Nghĩa Bình được chia tách thành 2 tỉnh - Bình Định và Quảng Ngãi, Chi hội sân khấu Bình Định được tái lập (1992). 20 năm qua, Chi hội là mái ấm để động viên, đoàn kết đội ngũ nghệ sĩ sân khấu truyền thống phát huy các giá trị tốt đẹp của hai loại hình nghệ thuật tuồng và ca kịch bài chòi…
Trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, nòng cốt của Chi hội Sân khấu Bình Định là những nghệ sĩ đã và đang tham gia công tác tại 2 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh: Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi. Tổng số hội viên Chi hội hiện nay là 48 người, trong đó có 30 người là hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, 6 Nghệ sĩ nhân dân, 12 Nghệ sĩ ưu tú.
Tuồng và Ca kịch Bài chòi là đặc sản văn hóa của Bình Định, là những viên ngọc quý của văn hóa dân tộc. Nếu nghệ thuật tuồng, phải mất gần ngàn năm hình thành và phát triển, để có được những tác phẩm hoàn chỉnh về văn học và biểu diễn, trở thành những vở diễn kinh điển như Sơn hậu, Trầm Hương Các, Tam nữ đồ vương… thì sự xuất hiện của loại hình bài chòi, từ hình thức “bài chòi trải chiếu” cho đến “kịch hát bài chòi” chỉ trong gần trăm năm trở lại. Ngày nay, khi trở lại những vấn đề lịch sử ra đời và phát triển của tuồng và ca kịch bài chòi trên mảnh đất Bình Định, chúng ta đều ngạc nhiên vì sức sống mãnh liệt, lâu bền của cả hai loại hình nghệ thuật này.
Ngược dòng thời gian, từ sau ngày quê hương Bình Định được giải phóng (1975) đến nay, nghệ thuật sân khấu truyền thống luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của chính quyền để phát triển tốt trên cái nôi của mình. Nghệ thuật tuồng và ca kịch bài chòi đã từng bước định hình phong cách nghệ thuật mang đậm chất văn hóa Bình Định, xác lập được một vị thế riêng biệt trong lòng bạn nghề và khán giả cả nước. Đội ngũ nghệ sĩ ngày càng đông và giỏi nghề, tinh nghề hơn. Nhiều tác phẩm sân khấu không những đáp ứng được nhu cầu đa dạng của công chúng mà còn đạt được những thành tích cao qua các đợt hội diễn, liên hoan chuyên ngành toàn quốc. Không ít vở diễn đã đạt tới vị thế đại diện tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển của nền nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc.
Chỉ tính riêng từ năm 1992 đến nay, đã có nhiều cá nhân, tập thể hội viên Chi hội Sân khấu Bình Định vươn tới những đỉnh cao của vinh quang nghề nghiệp. Về tập thể, Nhà hát tuồng Đào Tấn có: Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc (Huy chương Vàng - Hội diễn SKCN toàn quốc, 1995), Trần Cao Vân (Giải A - Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, 1996), Đi tìm chân chúa (Giải Nhì - Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, 1997), Trời Nam (Huy chương Vàng - Hội diễn SKCN toàn quốc, 1999), Diễn Võ Đình (Giải A - Liên hoan sân khấu Tuồng truyền thống toàn quốc, 2008), Hồn Việt (Huy chương Vàng Hội diễn SKCN toàn quốc, 2010). Đoàn Ca kịch Bài chòi với Huyền Trân công chúa (Huy chương Vàng - Hội diễn SKCN toàn quốc, 1995), Người tử tù mất tích (Giải A - Liên hoan SK dân ca toàn quốc, 1996), Anh hùng với giai nhân (Giải Nhì – Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam,1999), Cuộc đời tôi (Giải Nhì – Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, 2000), Biển và tôi (Giải Nhì – Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, 2005), Huyền thoại và tiếng hát (Giải Nhì – Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, 2007), Nhìn lại một vương triều (Giải Ba – Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, 2010), Thời con gái đã xa (Huy chương Bạc - Hội diễn SKCN toàn quốc, 2010)… Và gần 50 huy chương Vàng, Bạc, Đồng các loại, cùng nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý dành cho các diễn viên, thành viên tham gia ê kíp sáng tạo vở diễn.
Hòa mình cùng với sự phát triển của quê hương đất nước, sân khấu Bình Định có những chuyển biến, tránh lối mòn để tìm hướng đi mới trong hoạt động nghề nghiệp, tạo ra những tác phẩm mới, những hình tượng con người mới, tham gia phục vụ đắc lực các sự kiện văn hóa lớn và đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân tỉnh nhà. Dưới mái nhà chung của Chi hội Sân khấu Bình Định, các thế hệ hội viên cùng nhau nỗ lực sáng tạo vì một diện mạo mới của nghệ thuật sân khấu truyền thống tỉnh nhà bằng tất cả ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ - công dân.
Cho dù sân khấu truyền thống còn đang phải tháo gỡ nhiều khó khăn, tồn tại. Ánh sáng từ các Nghị quyết của Ðảng về xây dựng và phát triển một nền nghệ thuật sân khấu dân tộc trong thời kỳ mới, là định hướng để đội ngũ nghệ sĩ sân khấu Bình Định bước tiếp trên chặng đường mới với nhiều thử thách và cũng không ít vận hội.
|