Giỗ họ
20:51', 2/6/ 2012 (GMT+7)

*  Truyện ngắn của HẠT CÁT

Đến Tết năm nay thì thằng Duy đã bước qua tuổi 20 rồi. Anh Quang thấy cần thiết phải cho nó biết những gì cần phải biết. Anh là con trai trưởng. Thằng Duy là trưởng nam của anh, nên nó là cháu đích tôn. Cần phải trang bị cho nó sự hiểu biết về dòng tộc, cũng như ông nội nó đã trang bị cho anh vậy. Nhưng việc này không phải ngày một ngày hai là xong. Anh cũng đã từng dạy cho nó những điều cơ bản mà trí thơ ngây của trẻ con có thể hiểu được. Còn bây giờ nó đã lớn, đã thành niên thì phải cho nó hiểu những vấn đề to lớn, sâu xa hơn để mai sau nó thay anh mà lo hương hỏa ông bà.

-  Này con, còn ba ngày nữa tới ngày giỗ của họ nhà mình. Năm nay con phải đi với ba đó nghen. Lớn rồi phải biết bà con dòng họ, rồi mai sau mà thay ba nữa chớ.

-  Bữa đó… Ôi, con mắc việc rồi. Thôi ba đi một mình cũng được mà…

Anh quắc mắt, nghiêm nghị:

-  Có mắc việc gì cũng hoãn lại. Giỗ họ là quan trọng, mỗi năm chỉ có ngày này để con cháu trong dòng tộc hội tụ. Ngày đó bà con, họ hàng tập trung đầy đủ, về mà nhìn dòng họ để mai sau còn biết.

-  Năm nay con không đi thì năm sau nữa lo chi. Ba lúc nào cũng quan trọng hóa!

Nói xong, nó bỏ đi. Anh tức giận quát với theo:

-  A, cái thằng! Hỗn. Giờ định đi đâu nữa đó? Ở nhà tao biểu.

Nhưng thằng con đã nhanh hơn anh. Chiếc xe máy rồ lên rồi phóng ra ngõ. Anh lẩm bẩm:

-  Con với cái đời bây giờ… Chiều nay về sẽ biết!

Nhưng bao giờ cũng vậy, sau cơn bực tức, anh thường tìm cách nhẹ nhàng với con. Thằng Duy không thuộc diện cứng đầu, nhưng cũng có tính bướng và nông cạn. Vì vậy xẵng giọng với nó là hỏng chuyện. Nhất là thời gian gần đây nó đã lớn, nên anh càng phải đấu dịu với nó. Anh cũng biết là vì mình đã quá nuông chiều nên nó ỷ lại, thế thôi. Đến khi đã hiểu được trọng trách vai vế của mình, nó sẽ tự lo. Nghĩ vậy nhưng anh vẫn cảm thấy áy náy trong lòng. Anh lựa lời bảo nó. Nó nói:

-  Thời đại ngày nay, người ta bay lên cung trăng, làm nhiều chuyện phi thường, còn ba ngồi đó mà lo chuyện xa xưa. Con không bất hiếu đâu. Con sẽ thờ nội, thờ ba đúng với “cái đích tôn” của con, còn dòng họ xa xăm thì hơi đâu!

Anh đã muốn nổi giận với cái lý lẽ mất gốc của thằng Duy, nhưng vẫn cố nhẹ nhàng:

-  Sao con nói vậy? Chỉ có nội với ba thôi sao? “Bà con chín đời, không nhìn trời cũng đánh” đó nghen con.

-  Ôi! Trời nào? Chỉ có tiền bạc nó đánh với nhau thôi. Ba coi, nhà mình mấy năm trước có ai nhìn bà con không? Còn bây giờ thì… Con thấy mà chán!

-  Này, con đừng nói vậy mà có tội. Mấy năm trước làm ăn khó khăn đâu ai có điều kiện tới lui với nhau. Một năm chỉ gặp nhau một ngày giỗ họ cuối năm. Còn bây giờ thời buổi khác rồi nên mới được như vầy. Hồi mấy năm trước, ngày giỗ Tết bà con ở xa cũng không về được. Mấy năm gần đây, năm nào họ cũng về, con cũng phải về để cho biết. Tụi bây đang là tuổi trẻ, lỡ có chuyện gì trong tuổi gái trai thì ba và cả họ ân hận suốt đời.

-  Ba khỏi lo. Con không có người yêu ở gần đây đâu. Ở xa lắm.

Đột nhiên nó vui hẳn lên và chuyển hướng:

-  Ba có giận con không? Con nói đúng suy nghĩ của tuổi trẻ tụi con bây giờ đó. Mai mốt ba sẽ già, con sẽ lớn, con biết con phải làm gì. Nhưng bây giờ con ít thích tới chỗ đông đúc như nhà thờ họ.

Anh Quang cả giận nhưng thấy nó đang vui, anh không nỡ. Nó lại cười:

-  Ba ơi! Ba muốn biết mặt con dâu “đích tôn” của ba không? Bữa nào con dẫn về giới thiệu ba nghen. Hết ý ba à!

Nó vui làm anh cũng vui lây:

-  Cha mầy! Lúc nào cũng như con nít…

Rồi nó huýt sáo, chân đi như nhảy bước ra nhà sau. Anh Quang ngồi thừ ra đó. Lại một lần nữa anh không thuyết phục được thằng Duy theo như ý mình. Mà chính nó lại dùng lý lẽ “tân kỳ” để thuyết phục anh. Tuổi trẻ bây giờ khác xa tuổi trẻ của anh ngày trước. Chúng phóng túng hơn, ít chịu ràng buộc bởi cha mẹ.

Chậc, phải thuyết phục thằng Duy hướng về tổ tiên, họ tộc mới được. Anh cứ mãi dằn vặt nhưng lại ít lý lẽ hơn nó nên vấn đề thường bị “đi ngược chiều” trở lại. Mặc dù vậy, anh vẫn tìm cách để thuyết phục nó.

Vậy mà cả ngày hôm nay, thằng Duy đi đâu mất không thấy về. Cơ hội chỉ còn tối nay và ngày mai thôi.

 

*    

*     *

 

Sau  khi kiên quyết chối từ bằng một lời nói dối là mắc việc quan trọng ở cơ quan, sáng nay, Duy chạy xe vượt hơn 30 cây số đến nhà Hạnh - người yêu của Duy. Vui vẻ, thong dong vì Duy đã thoát được cái ngày giỗ họ đông đúc, vướng víu. Đối với Duy, cái chuyện đích tôn, từ đường là chuyện lâu dài, nó chẳng muộn gì với cái tuổi 20 hiện giờ. Còn đối với ba Duy, ông ấy chẳng thể giận Duy lâu được. Đó là điểm yếu của ông mà Duy luôn khai thác, lợi dụng. Bởi thế mà mỗi lần tranh cãi, bao giờ Duy cũng hơn ba về mặt lý lẽ và tình cảm. Chỉ cần lấn át một chút để ông dịu xuống, rồi sau đó khéo nịnh thêm một chút là xong chuyện. Như mấy ngày hôm nay vậy, ông vẫn cố gắng nhưng cuối cùng phải đành nhượng bộ đó thôi. Duy thương ba, nhưng vẫn thích làm theo ý mình nhiều hơn. Duy cho rằng ý tưởng của những người lớp tuổi như ba thường ít hợp với tuổi trẻ ngày nay. Duy quan tâm đến những gì mới mẻ hiện có và sẽ có trong tương lai. Mỗi thời mỗi khác, tội gì phải bận tâm vào những gì đã thuộc về quá khứ, nhất là chuyện ông tổ, ông tiên! Nếu thuyết luân hồi có thật thì các ông ấy phải đầu thai đến mấy kiếp rồi. Nghĩ mà thấy cũng vui vui, những gì xưa có thì nay có khi không còn cần nữa, những gì nay có thì xưa không bao giờ với tới được. Duy chợt cười thầm trong bụng…

Thôi nghĩ về chuyện của xưa, của nay khi chiếc xe đã tới ngõ nhà Hạnh. Duy chỉ mong được gặp Hạnh mà thôi. Biết thế, chị gái của Hạnh đã thông báo ngay khi Duy mới vào nhà:

-  Hạnh nó đi với bà chị về giỗ họ rồi. Đi từ hôm qua lận…

Duy ngớ người, lại chuyện giỗ họ… Chị của Hạnh nói tiếp:

- Em muốn tìm nó à? Để chị chỉ đường cho đi tới đó.

Rồi chị chỉ đường cho Duy. À, thì ra cũng cùng đường về làng của Duy. Vậy là giỗ họ nhà Hạnh lại trùng với giỗ họ nhà Duy rồi. Thật chán khi tránh chỗ này thì lại gặp chỗ khác. Cái cô Hạnh này mà cũng quan tâm tới chuyện đó! Mà xem ra cả nhà của Hạnh cũng đều thế cả. Thật “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Mà thôi cứ đến đó một lần thử xem. Ở đám này mình là khách mà. Với lại gặp Hạnh chút rồi rủ đi chơi, chiều về giới thiệu với ba luôn thể chớ có lâu đâu mà ngại.

Duy cho xe chạy ngược trở về. Con đường đến nhà thờ họ của họ nhà Hạnh không đi qua nhà Duy, nhưng có một con đường nhỏ đến đó. Vậy là thoát nạn! Bắt đầu đoạn đường rẽ từ nhà Duy thì theo sự chỉ dẫn của bà chị Hạnh, chỉ đi thêm một đoạn nữa là tới. Tuy ở trong làng, nhưng những con đường này Duy ít đi qua. Thường ngày Duy chỉ đi trên đoạn đường ngược hướng với nó.

Cuối cùng thì Duy cũng đến nơi cần tìm. Cho xe đỗ đúng nơi, Duy vào nhà. Gặp ai Duy cũng chào mặc dù ai cũng lạ. Bất chợt, thấy ba đang ngồi với mấy chú, Duy hơi khựng lại. Anh Quang không để ý đến thái độ bất ngờ của con. Anh chỉ tay giới thiệu Duy với những người khác mà Duy chưa gặp bao giờ. Bất đắc dĩ, Duy phải chào họ theo lời  hướng dẫn của anh Quang. Này bác, này chú, này là cô, này là… Ôi thôi nhiều lắm mà trong lúc bối rối Duy chẳng nhớ ai ngoài những người Duy đã biết. Anh Quang thì vui lắm, vì không ngờ thằng Duy lại đến…

Thoáng thấy Hạnh bê đồ cúng từ nhà dưới bước lên, Duy vội bước nhanh ra chẳng kịp chào ai. Duy đi như chạy ra phía cổng. Cũng rất nhanh, Duy cho xe nổ máy và phóng vút đi. Chẳng rõ Duy sẽ đi đâu, nhưng chắc hẳn đã quên việc dẫn Hạnh về giới thiệu với ba vào chiều nay.

Anh Quang chẳng hiểu gì, bước ra định gọi Duy, nhưng chỉ kịp nhìn theo thằng trưởng nam, thằng cháu đích tôn của họ tộc mà thở dài. Lại phải chờ một dịp khác để thuyết phục… Khói hương trên bàn thờ tổ la đà một màu trắng đục như đang lẫn vào hơi sương lành lạnh…

  • H.C
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
20 năm, một chặng đường  (31/05/2012)
Cần sớm được lập hồ sơ xếp hạng di tích  (31/05/2012)
Có một điểm bán đồ cổ, đồ xưa  (30/05/2012)
Đầu tư nâng cao năng lực  (30/05/2012)
NSNA Nguyễn Ngọc Tuấn (Bình Định) đoạt 2 giải cao tại Serbie  (30/05/2012)
Đồn Thứ - một kiến trúc sơn phòng đặc biệt của Trường Lũy Quảng Ngãi – Bình Định  (30/05/2012)
Khai quật di tích Đồn Thứ  (30/05/2012)
Phù Cát: Đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa tuyến biển  (28/05/2012)
Phác họa thơ trẻ Bình Định  (28/05/2012)
Hành trình gian nan  (28/05/2012)
“Love” đoạt giải Cành cọ vàng  (28/05/2012)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu: thơ trong tuồng  (27/05/2012)
Mùa thu qua phố  (26/05/2012)
Những không gian cà phê ấn tượng  (26/05/2012)
Sông quê  (26/05/2012)